Mở rộng thị phần hàng dệt may tại Australia

Hiệp hội Dệt may Việt Nam vừa có cuộc họp với các doanh nghiệp để phân tích tiềm năng phát triển xuất khẩu vào thị trường Australia. Theo đó, nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện Việt Nam đứng vị trí thứ 2 kim ngạch xuất khẩu dệt may, da giày vào thị trường Australia, sau Trung Quốc. 
Mở rộng thị phần hàng dệt may tại Australia
Phân tích về thị trường Australia, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Tổng thư ký, Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Dệt may tại TPHCM, cho biết thị trường Australia rất có tiềm năng với 24 triệu dân, trong khi thị phần hàng hóa của Việt Nam tại quốc gia này chỉ mới chiếm 3%. Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều Việt Nam - Australia đạt 6,46 tỷ USD, tăng 22,2% so với năm 2016, mức tăng trưởng cao nhất trong 7 năm qua. Trong đó, xuất khẩu Việt Nam sang Australia đạt 3,3 tỷ USD, tăng 15,1% và nhập khẩu từ Australia 3,17 tỷ USD, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Tính chung 5 năm trở lại đây, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều ghi nhận ở mức trên 29%. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng tốt lợi thế để tăng thị phần hàng hóa tại thị trường này.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, hiện FTA ASEAN với Australia và New Zealand đã có hiệu lực. Trong khi FTA CPTPP (Việt Nam cũng là thành viên) đã có 2 nước thông qua và 9 nước còn lại trong hiệp định dự kiến thông qua vào tháng 6 tới. Trong bối cảnh chờ FTA CPTPP thông qua thì các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt Myanmar và Indonesia đã tận dụng tối đa lợi thế ưu đãi từ FTA ASEAN - Australia, New Zealand. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam biết rất ít hoặc không biết đến lợi thế từ hiệp định này. Do đó, số hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào 2 thị trường trên được hưởng thuế suất ưu đãi rất thấp.
Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa nắm bắt được thị hiếu của thị trường này. Việc Việt Nam tham gia các hiệp định đã kéo nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Hiện doanh nghiệp FDI đang tận dụng và hưởng lợi lớn lợi thế thuế suất ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam là thành viên. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp nội đang mất dần thị phần xuất khẩu do không đáp ứng kịp xu thế phát triển công nghệ hiện nay. 
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng để có thể tăng thị phần hàng hóa Việt Nam tại Australia, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường. Hiện Australia là nước có nền văn hóa khá tương đồng với Mỹ nên cần tận dụng tối đa những điều kiện đã tiếp nhận được tại thị trường Mỹ, làm cơ sở để đàm phán với đối tác khi gia nhập vào thị trường Australia.
Bên cạnh đó, Australia có kết nối chặt chẽ với thị trường New Zealand nên doanh nghiệp cần tận dụng tối đa lợi thế “bắt cầu” thị trường. Về lâu dài, doanh nghiệp Việt cần thiết xây dựng nguồn lực đáp ứng yêu cầu trong khối CPTPP, phải chuẩn hóa đầu tư công nghệ ngay từ giai đoạn đầu, nếu không rất khó đáp ứng tiêu chuẩn của đối tác khi tham gia vào thị trường thế giới nói chung và Australia nói riêng. Riêng Hiệp hội Dệt may Việt Nam trong thời gian tới sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận rõ những điều khoản quy định của hiệp định này để xây dựng chuỗi liên kết, tận dụng tối đa lợi thế FTA. Trong đó, nỗ lực làm việc với nhà cung ứng nguyên vật liệu, đơn vị thu mua để chủ động nguồn cung, đáp ứng yêu cầu nguồn gốc, xuất xứ, đủ để được hưởng ưu đãi thuế suất.

Tin cùng chuyên mục