Mở rộng ứng dụng công nghệ blockchain

Blockchain không chỉ là tiền điện tử, mà còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Trên thực tế, Chính phủ đã quan tâm, hỗ trợ cho việc nghiên cứu công nghệ mới khi ban hành Quyết định 100/QĐ-TTg/2019 về truy xuất nguồn gốc, trong đó khuyến khích ứng dụng công nghệ blockchain và Quyết định số 2117/QĐ-TTg/2020 về việc ban hành danh mục công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ số. Đây là những khởi đầu tốt để hỗ trợ cho cộng đồng và thị trường nghiên cứu công nghệ blockchain phát triển mạnh hơn.
Ứng dụng Utop dùng cho lĩnh vực mua sắm được phát triển dựa trên nền tảng blockchain của FPT. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ứng dụng Utop dùng cho lĩnh vực mua sắm được phát triển dựa trên nền tảng blockchain của FPT. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Không chỉ là tiền số

“Công nghệ blockchain xuất hiện với những ồn ào của tiền số nên khiến rất nhiều người nghĩ rằng blockchain là tiền số mà quên đi rằng, blockchain còn nhiều ứng dụng vào đời sống”, ông Đỗ Văn Long, Giám đốc điều hành Công ty CP Vietnam Blockchain, nhận định. Blockchain phân ra làm 2 nhánh chính: Nhánh thứ nhất, ứng dụng công nghệ blockchain để trực tiếp tạo ra các tài sản số, tài sản mã hóa; nhánh thứ hai, doanh nghiệp, cá nhân sẽ tích hợp công nghệ blockchain để nâng cấp các hệ thống quản lý thông tin hiện có.

Thông qua đó, có thể triển khai các giải pháp áp dụng blockchain với mức độ bảo mật cao và minh bạch các dữ liệu trong giao dịch trên các hệ thống. “Chúng ta cần tránh nhầm lẫn blockchain chỉ là tiền số. Blockchain có thể trở thành nền tảng của rất nhiều nền tảng. Ở đó, chúng ta có thể làm được rất nhiều việc”, ông Phạm Thế Trường, nguyên Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, đánh giá.

Trong khi đó, theo ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT, với khả năng đảm bảo toàn vẹn thông tin, blockchain có thể được ứng dụng trong rất nhiều ngữ cảnh khác nhau và trong đó tiền số có thể xem là ứng dụng phổ biến hiện nay. Công nghệ blockchain đang mở ra nhiều cơ hội ứng dụng trong thực tế, tạo ra một làn sóng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sôi nổi trên thế giới và Việt Nam. “Blockchain sẽ tạo ra cơn sóng thần công nghệ phủ lên toàn bộ các lĩnh vực ngành nghề từ truyền thống cho đến các ứng dụng mới nhất”, ông Vũ Anh Tú nhận định.

Thống kê từ Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho thấy, trong tốp 200 công ty, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ blockchain, có 7 doanh nghiệp do người Việt Nam thành lập. Việt Nam cũng là 1 trong 5 quốc gia đi đầu về blockchain, hiện có khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo người Việt Nam trong lĩnh vực blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD và trong đó chủ yếu là doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực tiền số.

Kỳ vọng blockchain trở nên phổ cập

Trước làn sóng bùng nổ của công nghệ toàn cầu cùng sự nhạy bén nắm bắt xu hướng mới, ngành ngân hàng đã nhanh chóng ứng dụng blockchain. MB Bank trở thành ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại Việt Nam triển khai thương mại dịch vụ thư tín dụng (L/C) ứng dụng công nghệ blockchain.

Dịch vụ L/C của MB Bank cho phép thực hiện trọn vẹn toàn bộ quy trình nghiệp vụ thư tín dụng chứng từ, từ khâu phát hành đến khâu xuất trình chứng từ theo L/C. Ứng dụng bảo vệ doanh nghiệp tốt hơn, khỏi các nguy cơ lừa đảo trong thương mại quốc tế. Viettel thì ứng dụng blockchain vào hồ sơ bệnh án điện tử; FPT ứng dụng trong giải pháp akaChain hỗ trợ doanh nghiệp khi rút ngắn thời gian triển khai các nghiệp vụ trong định danh khách hàng điện tử, chấm điểm tín dụng, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng hiệu quả vận hành…

Giám đốc Công nghệ FPT Vũ Anh Tú cho rằng, blockchain còn nhiều ứng dụng quan trọng như quản lý chuỗi sản xuất, bảo hiểm - y tế, đặc biệt là định danh điện tử. “Tại FPT, blockchain được ứng dụng vào nhiều sản phẩm, dịch vụ và giải pháp thuộc hệ sinh thái Made by FPT ở các lĩnh vực trên với mục tiêu phát triển những sản phẩm, giải pháp có tính ứng dụng cao, mang lại giá trị bền vững cho các khách hàng”, ông Vũ Anh Tú cho biết. Hiện cũng đã có một số doanh nghiệp thương mại điện tử bắt đầu tích hợp công nghệ blockchain vào nền tảng của mình.

Ngoài ra, trong các lĩnh vực như giải trí, thể thao, nhiều người nổi tiếng cũng đã phát hành những bộ sưu tập NFT riêng. “Kỳ vọng trong một vài năm tới, blockchain sẽ trở nên phổ cập”, ông Huy Nguyễn, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Kardia Chain, bày tỏ tin tưởng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng phụ trách Cục công tác phía Nam (Bộ KH-CN), ứng dụng blockchain còn hạn chế do mới ứng dụng chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là tài sản số, tiền số… mà bỏ quên những tiềm năng ứng dụng khác như: truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp, logistics, lĩnh vực hậu cần. Bộ KH-CN đã có định hướng nhằm hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ blockchain trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; trong đó ưu tiên thí điểm cho một vài doanh nghiệp triển khai dự án blockchain khả thi, mang lại lợi ích cho xã hội rõ rệt ngay trong năm 2022.

Tin cùng chuyên mục