Mơ về Fukushima xanh tươi

Tháng 7 và tháng 8 là mùa đẹp nhất để leo núi Phú Sĩ (Nhật Bản). Vào thời điểm này hàng năm, có hàng trăm ngàn người đổ về chinh phục ngọn núi cao hơn 3.700m, quanh năm tuyết phủ. Mỗi năm, tôi cũng thường đến đây cùng nhóm bạn để tận hưởng cảm giác mát mẻ, thay đổi không khí. Nhưng năm nay, chẳng còn tâm trạng nào để thưởng ngoạn vẻ đẹp khi bài luận văn tốt nghiệp cứ lởn vởn trong đầu. Vì chọn một đề tài liên quan đến nông nghiệp nên thay vì leo núi Phú Sĩ, tôi phải vác balô về Fukushima, một trong 3 trung tâm nông nghiệp lớn nhất của Nhật Bản.

Tháng 7 và tháng 8 là mùa đẹp nhất để leo núi Phú Sĩ (Nhật Bản). Vào thời điểm này hàng năm, có hàng trăm ngàn người đổ về chinh phục ngọn núi cao hơn 3.700m, quanh năm tuyết phủ. Mỗi năm, tôi cũng thường đến đây cùng nhóm bạn để tận hưởng cảm giác mát mẻ, thay đổi không khí. Nhưng năm nay, chẳng còn tâm trạng nào để thưởng ngoạn vẻ đẹp khi bài luận văn tốt nghiệp cứ lởn vởn trong đầu. Vì chọn một đề tài liên quan đến nông nghiệp nên thay vì leo núi Phú Sĩ, tôi phải vác balô về Fukushima, một trong 3 trung tâm nông nghiệp lớn nhất của Nhật Bản.

Gần 1 tuần ở cùng gia đình ông bà Kobayashi, một hộ nông dân tại Fukushima, tôi đã thu lượm được khá nhiều tư liệu. Tuy nhiên, điều khiến tôi phải suy nghĩ trong chuyến đi này lại là những câu chuyện về cuộc sống của người nông dân ở đây sau thảm họa hạt nhân gây ra bởi trận sóng thần ngày 11-3-2011. Vợ chồng ông bà Kobayashi có một trang trại trồng nấm. Nhưng nguồn thu từ loại thực phẩm bổ dưỡng này đã giảm gần 80% do phóng xạ rò rỉ từ các lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện Fukushima. Một diện tích lớn đất canh tác tại khu vực này đã bị nhiễm phóng xạ. Điều này khiến người tiêu dùng Nhật Bản giờ phải nói “không” với các sản phẩm rau củ, trái cây có nguồn gốc từ Fukushima. Nấm của ông bà Kobayashi qua kiểm tra đều ở mức 700 - 1.000 becquerel/kg (becquerel là đơn vị đo phóng xạ trên thực phẩm), gấp 10 lần cho phép. Bản thân gia đình ông Kobayashi giờ cũng phải chọn thực phẩm an toàn để đảm bảo sức khỏe cho các thành viên. “Không chỉ về thu nhập giảm sút, việc lựa chọn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cũng khiến cuộc sống hàng ngày trở nên căng thẳng”, bà Kobayashi buồn bã chia sẻ.

Tôi băn khoăn hỏi: chẳng lẽ để một vùng nông nghiệp phát triển như vậy chết theo phóng xạ, không có cách gì sao? Ông Wantanabe, một người hàng xóm của ông Kobayashi, cho biết cũng đã có một số giải pháp được thực hiện trong thời gian qua. Bộ Môi trường Nhật Bản đang cho triển khai chương trình khử nhiễm, trong đó có việc loại bỏ lớp đất bị nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, chương trình này phải mất ít nhất 5 năm nữa mới hoàn thành, trong khi người nông dân phải sống, phải tiêu thụ được nông sản của mình làm ra. Rất nhiều hộ nông dân ở địa phương đã có sáng kiến kết hợp với các nhà khoa học lập ra các tổ chức giám định chất lượng nông sản. Theo đó, các tổ chức trên sẽ kiểm tra và cấp chứng nhận cho những sản phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng để người nông dân có thể bán được nông sản. Trong khi đó, một số hộ nông dân chọn giải pháp bán nông sản trực tiếp cho người tiêu dùng, không bán cho siêu thị. Không chỉ có nông dân gặp khó, ngư dân tại Fukushima vừa qua cũng đã kiến nghị Công ty điện lực Tokyo, cơ quan quản lý và vận hành nhà máy Fukushima, phải ngăn chặn việc nước chứa phóng xạ rò rỉ ra Thái Bình Dương, làm ảnh hưởng đến ngư trường tại khu vực này.

Thảm họa hạt nhân đã trôi qua được 2 năm nhưng từng đó thời gian chưa đủ để xóa đi những hậu quả nặng nề đang hiện diện trên mảnh đất này. Hơn 150.000 người có nhà cửa ở trong khu vực nguy hiểm (bán kính 40km, tính từ nhà máy Fukushima) phải sống “tị nạn hạt nhân” ở các thành phố khác. Những gia đình có trẻ nhỏ, đối tượng dễ bị tổn thương nhất, vẫn nơm nớp lo sợ con cái của họ có thể bị nhiễm phóng xạ. Về đến Tokyo, đầu óc tôi cứ quanh quẩn với câu hỏi: Fukushima trù phú ngày nào bao giờ mới xanh tươi trở lại?

PHAN ĐĂNG

Tin cùng chuyên mục