Tự nhiên tôi có chị dâu, cả cháu gái, giống như từ trên trời rơi xuống. Nghĩa là anh Hai tôi và chị không chờ gia đình cưới hỏi mà tự chung sống, mang thai rồi âm thầm đi nơi khác sinh nở. Nghe nói trong thời gian đó, chị làm thuê đủ việc, từ giặt giũ đến quét dọn kiếm tiền, anh Hai tôi cũng lén mang thêm gạo thóc, ít tiền qua giúp chị. Cháu gái vài tháng, cứng cáp, má tôi mới làm cái lễ nhỏ rước chị về. Anh Hai tôi ngượng ngùng, bỏ đi đâu biệt cái bữa chị ngập ngừng bồng con bước vô căn nhà nhỏ của gia đình. Thằng bạn hàng xóm cười khà khà với anh tôi:
- Nhìn mày lù khù vậy mà vác lu chạy hồi nào hổng hay.
Anh làm thinh, chỉ cười trừ. Mấy cô bác lớn tuổi hơn thì từ tốn:
- Sao mà vội vàng vậy cháu?
Anh bảo: Nhà nghèo vậy biết chừng nào cưới được vợ, kệ làm liều thôi. Nó nghèo chịu theo mình là tốt rồi.
Nhà thêm người, lại càng khó khăn hơn. Chị dâu tôi không đẹp, gương mặt xương xương, cằm dài, da ngăm ngăm, đôi tay khẳng khiu nhưng được cái chịu khó, không nề hà cực khổ. Bữa nào nhà không có đồ ăn, chị ra hái rau vườn nấu canh, hết gạo chị sang hàng xóm mượn đỡ.
Anh Hai tôi không giỏi, tánh lại hay sĩ diện hão, không bao giờ đi đâu cùng chị, sợ người ta cười chê cái chuyện dắt vợ. Cũng không hay ẵm con đi chơi nhà hàng xóm, sợ bạn bè trêu ghẹo mà không đủ lời lẽ đáp trả. Cũng chính vì khởi đầu như vậy nên cuộc sống hai người cũng không êm đềm gì lắm.
Cháu gái hơi lớn, má tôi cho anh chị ra riêng, căn nhà nhỏ cất trên mảnh vườn má chia cho. Hai người làm ăn lây lất, nhà cửa ngày càng rách nát hơn. Chị mang thai đứa con thứ hai. Tánh anh tôi vẫn hay mắc cỡ. Ngày chị chuyển dạ, anh kêu chị tự đạp xe vô trạm xá sinh. Chị mang cái bụng bự chảng leo lên yên xe trầy trật hoài mà không được. Má tôi miệng thì chửi anh tôi, rồi ba chân bốn cẳng chạy ra chở chị đi sinh. Chắc chị cũng tủi thân nhưng sau này tôi nghe chị kể lại bình thản với một nụ cười.
***
Năm ba bữa, nửa tháng là nhà anh tôi lại cơm không lành canh không ngọt. Bởi chị đi làm trong nhà máy chế biến thủy sản. Đi sớm về tối, con cái nheo nhóc, anh kham hổng nổi. Chị nói “Chẳng lẽ ngồi đó chờ đói hay sao”. Ban đầu làm công nhân thái cá, đứng trong xưởng tanh tưởi, lạnh căm, không quen, chị xỉu lên xỉu xuống, dần cũng quen nhưng tan ca là mình mẩy rêm nhức như ai cầm búa dần cho mềm xương thịt, phải uống thuốc nhức mỏi đều đều. Rồi cũng chẳng bao lâu, nhà máy thủy sản vỡ nợ, giám đốc nợ lương công nhân trốn biệt, chị nhìn những chiếc xe hơi của họ chạy mất mà chẳng biết làm sao. Đành tạm biệt đám dao rổ thái cá về tiếp tục bòn mót ít vườn nhà, bấp bênh, kham khổ. Anh tôi chửi:
- Đồ ngu, mang cái thân đi làm không công cho nó.
Chị cãi:
- Ai biết đâu, thấy nó giàu vậy mà, quảng cáo rần rần trên truyền hình đó, bữa khai trương nhà máy mới cũng có mấy ông bự tới dự, bắt tay chúc tụng um sùm, tiệc tùng dài dài, ai dè đâu bây giờ mới nghe ra nó toàn vay nợ không.
Anh tôi sùng bố, văng tục:
- Bà mà biết cái gì, đã nói từ đầu rồi, làm công nhân quèn, người ta trả cho ba đồng vài cắc, mà bị nó “đông lạnh” cho vài năm về đi hổng nổi, tới chừng nó kêu lỗ xù nợ bà có được cái gì đâu, kêu ai, có ký giấy tờ gì, thấy chưa. Dẹp hết, về làm vườn.
Chị thút thít:
- Có bao nhiêu đó sao đủ nuôi con, hổng ấy anh kiếm gì làm thêm.
Anh chửi:
- Mặt tao vầy đi làm mướn sao, bạn bè coi ra gì?
Anh phủi đít cái rột bỏ đi để lại chị một mình thẫn thờ nhìn đứa con nhỏ buồn hiu.
***
Bịch. Bịch. Tiếng khóc la của chị, của hai đứa nhỏ, tiếng anh Hai tôi chửi um lên. Đó là mớ âm thanh quen thuộc ở căn nhà nhỏ sau vườn. Má tôi thở dài:
- Lại cái tật nhậu vô quậy vợ con, nghèo không lo làm ăn còn sinh chuyện.
Tôi vọt miệng:
- Tại nghèo bứt rứt mới vậy. Mà anh Hai cũng kỳ thiệt, không chịu đi làm mà chỉ đi cũng không cho, kiếm tiền nuôi con, phụ hồ thì có gì xấu đâu.
- Tại con hổng biết, thằng anh mày tánh sĩ diện, nó nói vợ đi làm vậy người ta cười cho, nhà có đất cát hồi đó giờ đâu phải làm mướn làm thuê, mà làm cái chỗ toàn đàn ông không, chỉ có mấy phụ nữ, chắc nó ghen...
Tôi cãi:
- Nhưng mà, hồi đó khác, giờ khác, ảnh làm có miếng đất bằng bàn tay sao đủ ăn, thất bát thấy mồ. Ảnh cứ vậy hoài, hay là xúi chỉ bỏ cho rồi.
Má tôi nạt:
- Bậy nè, ở với nhau hai mặt con rồi bộ dễ bỏ lắm hả? Thôi đi học đi, đừng có ở đó mà nói xàm.
Chị Hai tôi giỏi, hay như má tôi nói đói thì đầu gối phải bò, chị làm không từ công việc nào, phụ hồ, buôn bán nhỏ, gần đây lại đi làm phụ bếp cho nhà hàng lưu động của người bà con. Công việc phụ bếp thức đêm thức hôm trắng mắt, chạy tới chạy lui đãi tiệc mướt mồ hôi, nhưng mà được cái là anh tôi không la mắng như hồi đi làm phụ hồ nữa. Chắc không ghen vì ít có đàn ông, với lại làm cho người quen cũng yên tâm hơn. Cuộc sống của anh chị vẫn chỉ đắp đổi qua ngày.
Một bữa, chị vừa về tới nhà hào hển chạy qua kể cho má tôi nghe:
- Bữa nay đi phụ nấu ăn đãi tiệc cho một gia đình giàu có, tình cờ nhìn thấy bà chủ công ty thủy sản con làm hồi đó. Bả đi xe hơi, ăn mặc sang trọng, nói cười tươi như hoa.
Má tôi hỏi:
- Rồi có ai nói gì tới vụ nợ tiền công nhân không?
Chị sụ mặt, phân trần:
- Chỗ khách khứa sang trọng không, có mấy ông quan chức gì nữa, mình chỉ phụ đãi ăn cho người ta thôi, có dám hó hé gì đâu, người ta giàu mà. Mà má ơi, họ đặt hàng toàn là thức ăn sang không, tôm cá, gà vườn, rắn rùa ê hề, ăn dư quá trời luôn. Được cái là đãi xong chủ nhà boa cho mỗi đứa một trăm ngàn đồng.
Má tôi thở dài:
- Thôi coi như làm không công mấy tháng. Nghĩ nhiều thêm mệt. Về chuẩn bị cơm nước cho tụi nhỏ đi con. Tội nghiệp nó trông mẹ quá chừng.
***
Bẵng đi một thời gian, tôi đi làm, có gia đình riêng, cũng nhín nhúc gởi về giúp đỡ ít nhiều tiền tập vở, quần áo cho các cháu đi học. Nhưng cũng không thấm vào đâu. Anh Hai tôi tàng tàng với mấy chục gốc xoài, cũng nhậu đều. Chị vẫn đi phụ bếp, rồi bữa nào rảnh thì chạy chợ bán hàng bông, đi cắt lúa mướn kiếm gạo cho chồng con ăn.
Bữa tôi về, tạt qua thăm, thấy anh Hai đang lui cui nấu gì đó trong bếp, hai đứa nhỏ ngồi chồm hổm kế bên chờ cơm. Hình như chị vừa đi phụ bếp về, đang thay quần áo trong buồng. Nhìn vô cái nồi đang sôi sùng sục, tôi thấy lỏng chỏng đám xương gà. Anh giải thích:
- Mẹ nó mới đem về, tao hầm bí đao.
Chị Hai tôi từ trong buồng bước ra, tay vén lại mớ tóc, mắt thâm quầng, chắc thức đêm mấy hổm rày, cười với tôi:
- Lát ở đây ăn cơm với chị nghen! Chị Giàu chủ nhà hàng cho xương gà đem về nấu cho mấy đứa nhỏ ăn. Mấy bữa hổm, đầu bếp xé gà làm gỏi còn sót thịt nhiều hơn, nay gà mắc quá, mấy ổng xé sát rạt hết trơn. Kệ, ăn đỡ!
Anh Hai với mấy đứa nhỏ húp canh cũng khí thế lắm, con nhỏ lớn nắm cái cổ gà nhai rôm rốp, bé Út thì cầm cái xương sườn gà gỡ từng miếng nhỏ, mặt mày mồ hôi mồ kê đầm đìa. Chị nhìn chồng với hai đứa con mắt lấp lánh niềm vui.
Tôi cảm thấy mấy cái xương gà nhọn nhọn đâm vào miệng mình nhột nhạt, nhưng cũng ráng nhai, hình như có chút vị ngọt. Giống như cái vị ngọt của nồi canh cua đồng mà má tôi đi bắt về nấu cho tụi tôi ăn những ngày mưa dầm dầu dãi mà nhà không có xu nào mua cá. Nhai lát nữa lại nghe đăng đắng, vị đắng của rau diệu vườn tôi hái luộc chấm nước mắm suông ăn với cơm gạo mượn. Có cái gì đó dậy lên trong cổ, chua chua như những lúc mang bụng đói đi học, cồn cào ruột gan, dịch vị chua từ dạ dày trào ra mà vẫn phải nuốt tuột vào. Và mằn mặn, giọt nước mắt nào lặng lẽ chảy vào tim...
Chợt giật mình khi nghe chị hối tụi nhỏ ăn lẹ lên rồi còn tắm rửa học bài. Trời sắp tối rồi, anh Hai đứng dậy đi bật bóng đèn tròn trong bếp. Ánh sáng đỏ lan tỏa, hình như gương mặt mọi người hồng hào, mớ xương gà lộn xộn trong nồi cũng dễ coi hơn. Và nét mặt thon dài của chị Hai tôi cũng dịu dàng, không còn thấy quá rõ nét quầng thâm, tiều tụy nữa.
Nguyễn Thị Thanh Bình