TS H.Limbirt và hang động ở Phong Nha-Kẻ Bàng

Mới biết một phần nhỏ của Sơn Đoòng

Mới biết một phần nhỏ của Sơn Đoòng

Tiến sĩ Howard Limbirt (Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh), người vừa khám phá hang Sơn Đoòng tại Phong Nha – Kẻ Bàng (PN-KB) đã trở lại Quảng Bình sớm hơn một năm để làm rõ vì sao có hang động lớn nhất thế giới ở đây. PV Báo SGGP đã phỏng vấn chuyên gia Howard Limbirt và ông cho rằng, Sơn Đoòng chưa được khám phá hết, nó còn lớn hơn thế.

Hang Sơn Đoòng vừa được khám phá.

Hang Sơn Đoòng vừa được khám phá.

- Phóng viên: Thưa ông, vì sao ông chọn PN-KB là nơi tìm kiếm hang động?

Tiến sĩ Howard Limbirt: Đó là khối đá vôi nổi tiếng toàn cầu. Nó rộng lớn, liền khối, tinh khiết nhất nhưng có thể tiếp cận nó một cách đơn giản. Hiếm có nơi nào trên thế giới đá vôi lại liền khối và tinh khiết như ở đây.

- Điều gì thôi thúc Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh trở lại PN-KB sớm hơn kế hoạch?

Lần này chúng tôi trở lại sớm để trả lời cho được câu hỏi Sơn Đoòng như thế nào. Muốn vậy phải có những nhà làm phim của Hội địa lý Hoa Kỳ và chuyên gia nổi tiếng về địa mạo người Mỹ, ông Darryl Edward Grancer để trả lời cho được câu hỏi Sơn Đoòng bao nhiêu năm tuổi và vì sao nó lớn nhất thế giới. Một đầu bài rất khó nên chúng tôi trở lại sớm hơn để có được các thông số khoa học, chính xác về Sơn Đoòng.

- Chúng ta đang chờ đợi gì ở Sơn Đoòng?

Chúng ta mới khám phá một phần rất nhỏ về Sơn Đoòng, hy vọng nó còn lớn hơn phần đã được khám phá. Trong hang Sơn Đoòng có 2 khu rừng nguyên sinh, muốn đi qua đó phải mất hơn 1 giờ đồng hồ cho mỗi khu rừng.

- Ông nói đến rừng nguyên sinh trong hang?

Đó là 2 khu rừng nhiệt đới trong hang động, một khu rừng gần cửa hang, một khu rừng khác nằm dưới một ống thông lên hứng lấy ánh sáng mặt trời để cây cối phát triển. Rừng ở đó rậm rạp, cây cối vươn cao đến hơn 20m. Rừng trong hang là vô cùng hiếm thấy trên thế giới, nó có thể là duy nhất, bởi các loài động thực vật trong 2 khu rừng rất phong phú.

- Ông dự đoán thế nào về lượng hang động ở khối núi đá vôi PN-KB và khi nào con người khám phá hết nó?

Chúng tôi có 13 chuyến đi trong 20 năm hợp tác với Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội và mới chỉ khám phá được 2 hệ thống hang Phong Nha và hang Vòm với gần 100km hang động được tìm thấy. Đó mới chỉ là phần nhỏ trong khối núi đá vôi đồ sộ này.

Ở đây có tiềm năng hang động vô cùng to lớn. Diện tích khám phá mà chúng tôi đặt chân đến rất nhỏ so với toàn bộ khối núi đá vôi này. Và với tốc độ khám phá như hiện nay, chúng ta mãi mãi không biết hết các hang động ở đây, vì nhiều nơi dấu chân người bản địa không thể đặt đến được.

- Ông nói người bản địa như một cách dựa vào sự hiểu biết của họ tại các khu rừng họ đến?

Kiến thức của người bản địa rất quan trọng, giúp chúng tôi tìm hiểu ở đâu có hang động. Tuy nhiên ở khối núi đá vôi này, nhiều nơi người dân địa phương nói không thể đặt chân đến được, điều đó sẽ hạn chế rất nhiều việc khám phá. Và cũng vì tính to lớn của khối núi đá vôi có rừng rậm che phủ cũng là yếu tố làm cho chúng ta mãi không tìm được hết hang động ở đây. Tính độc nhất vô nhị của nó là vậy.

- Lần này ngoài khảo sát thêm Sơn Đoòng, đoàn có tìm kiếm thêm hang động mới?

Chúng tôi dành 10 ngày với Sơn Đoòng, 10 ngày còn lại đi tìm kiếm hang động ở nhiều hướng khác nhau. Và chắc chắn là có thêm hang động mới.

Minh Phong

Tin cùng chuyên mục