Mời cơ quan địa chất khảo sát việc núi Goi Ra Hách xuất hiện hàng chục vết nứt

Đoàn công tác huyện An Lão đã kết luận núi Goi Ra Hách bị nứt, sạt, không do tác động địa chất gây ra, tới đây huyện này sẽ mời Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ khảo sát lại để có đánh giá tác động cụ thể hơn.
Trên đỉnh núi Goi Ra Hách có trên 10 điểm bị nứt, dài hàng chục mét, miệng nứt hở con người chui lọt.
Trên đỉnh núi Goi Ra Hách có trên 10 điểm bị nứt, dài hàng chục mét, miệng nứt hở con người chui lọt.

Ngày 11-7, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão (Bình Định) cho biết, đã có kết luận ban đầu về nguyên nhân núi Goi Ra Hách bị nứt hàng chục vết.

Theo kết luận ban đầu của đoàn kiểm tra gồm Bí thư và Chủ tịch huyện An Lão cho thấy, những vết nứt, sạt không phải phải do tác động địa chất gây nên. 

Theo ông Nam, khu vực gần núi Goi Ra Hách cũng không có mỏ đá nào hoạt động... "Trên núi có nhiều đá, người dân thường xuyên làm nương rẫy. Trước đó có nhiều con đường mòn, có con đường xe ô tô của lâm nghiệp. Có thể do quá trình rửa trôi nước làm xói mòn, núi bị sạt lở sâu xuống. Chúng tôi đo được khoảng 20 đến 30 phân", ông Nam nói.  

Nguyên nhân ban đầu UBND huyện An Lão đưa ra là do vùng núi Goi Ra Hách, ở tiểu khu 20 (thôn 5, xã An Vinh, huyện An Lão) địa hình sườn dốc; thảm thực vật bị cạn kiệt do phong trào trồng cây công nghiệp, làm nương rẫy của người dân.

Từ đó, sinh ra việc nứt, sạt lở đất đá... Theo phỏng đoán của huyện này, núi Goi Ra Hách bị nứt, sạt theo kiểu ở vùng núi các tỉnh phía Bắc.

Những điển nứt, sạt tại núi Goi Ra Hách ngày càng diễn biến nghiêm trọng hơn.

Qua đó, UBND huyện An Lão đã chỉ đạo Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện này, phải giữ nguyên diện tích trồng keo trên đó chứ không được khai thác; vận động bà con giữ thảm thực vật cho núi, không được tác động thêm vào đó.

Cũng theo ông Nam, trên đó chỉ là đánh giá bằng mắt thường của huyện này. Để có đánh giá chính xác hơn, sắp tới địa phương sẽ mời Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ về khảo sát lại để có đánh giá cụ thể hơn mức độ ảnh hưởng. Từ đó, có giải pháp ứng phó hoặc di dời để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.

Mùa mưa đất đá trên núi sạt xuống suối.

“Trước mắt, nhận thấy mức độ ảnh hưởng chưa cao, nên chúng tôi chưa lên phương án di dời dân; chỉ khuyến cáo người dân vào mùa mưa lũ, hạn chế tối đa không nên đi làm rẫy hoặc thăm ruộng ở vùng núi đó”, ông Nam cho biết.

Tuy vậy, theo báo cáo trước đó của UBND xã An Vinh, những năm trở lại đây, núi Goi Ra Hách càng tăng cấp độ nứt, sạt; ngày càng nghiêm trọng hơn. Hiện có hàng chục vết nứt trên đỉnh núi này; nhiều vết nứt có độ dài vài chục mét; miệng hở ra rộng khoảng 0,5m; có nơi nhiều người chui vào sâu được…

Mời cơ quan địa chất khảo sát việc núi Goi Ra Hách xuất hiện hàng chục vết nứt ảnh 3 núi Goi Ra Hách là nơi người dân thường xuyên đi lại, chăn thả gia súc; có ruộng tập trung, rừng trồng cây công nghiệp của người dân...
Núi Goi Ra Hách rộng 5ha, nằm ở thượng nguồn khu dân cư thôn 5 (với 65 hộ dân/275 nhân khẩu); trước nay, núi Goi Ra Hách là nơi người dân thường xuyên đi lại, chăn thả gia súc; có ruộng tập trung, rừng trồng cây công nghiệp của người dân và lâm trường…

Do mùa mưa tại địa phương thường kéo dài từ cuối tháng 10 đến tháng 3 năm sau, chính quyền phải thường xuyên cảnh báo người dân vào mùa mưa lũ; đề phòng núi Goi Ra Hách có thể bị vỡ đất.

Tin cùng chuyên mục