TPHCM thí điểm đào tạo lại nguồn nhân lực theo yêu cầu doanh nghiệp
(SGGP).- Sự hỗ trợ trên nằm trong đề án “Đào tạo nguồn nhân lực tại TPHCM theo nhu cầu doanh nghiệp dựa theo mô hình đào tạo của Học viện INSA Lyon (Pháp)”. Thông tin trên được ông Trương Văn Long, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nhựa - cao su và đào tạo quản lý năng lượng (PRET - Sở Công thương TPHCM) cho biết.
Ở giai đoạn đầu, TPHCM sẽ thí điểm đào tạo nhân lực ở một trong 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của TP là hóa nhựa, cao su. Dự kiến, từ cuối tháng 10-2015, TP sẽ mở 4 lớp với 160 học viên tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM và PRET. Học viên có 400 giờ học trong 6 tháng về kiến thức cơ bản, chuyên sâu, đặc biệt là các kỹ năng mềm. Phần lớn thời gian khóa học là thực hành để sau khóa đào tạo, kỹ thuật viên có thể tham gia trực tiếp vào dây chuyền sản xuất doanh nghiệp yêu cầu.
Ông Trương Văn Long cho hay, 4 khóa đầu tiên, mỗi học viên tham gia sẽ được TP hỗ trợ khoảng 30 triệu đồng (gồm học phí, tiền ăn, lưu trú). Đối tượng là người lao động ở các doanh nghiệp thuộc ngành nhựa, cao su; có thời gian gắn bó với doanh nghiệp từ 6 tháng trở lên. Trong giai đoạn thử nghiệm, đề án sẽ lựa chọn người lao động ở vị trí tổ trưởng tổ sản xuất trở lên, có khả năng trở thành cán bộ nòng cốt để có thể đào tạo lại cho người lao động khác. Năm 2016, TP sẽ sơ kết giai đoạn đầu và nếu thành công, đề án sẽ triển khai trên quy mô rộng và đa dạng với các ngành nghề trọng yếu khác như cơ khí, điện, điện tử…
Theo ông Long, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của TP là rất lớn và cấp bách, đặc biệt là các doanh nghiệp đang và chuẩn bị tham gia vào các ngành hàng công nghiệp hỗ trợ. Đề án của TP nhằm góp phần nhanh chóng cung cấp nguồn nhân lực có thể tham gia sản xuất ngay, đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời, đào tạo ra nguồn nhân lực Việt Nam đạt chuẩn quốc tế, sẵn sàng cho việc trao đổi lao động trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành vào cuối năm 2015.
Liên quan đến đề án, Hiệp hội Nhựa TPHCM cho biết, ngành nhựa cao su TP có hơn 200.000 công nhân, trong đó chỉ có khoảng 200 người có trình độ kỹ sư, kỹ thuật viên ngành nhựa, phần lớn là tự học, cơ sở tự đào tạo. Tình trạng phổ biến là các doanh nghiệp phải “săn đầu người”, giành giật kỹ sư, kỹ thuật viên, thợ giỏi của nhau. Đào tạo nguồn nhân lực đang là yêu cầu hàng đầu của doanh nghiệp nhựa nên với đề án trên, hiệp hội sẽ giới thiệu khoảng 1.000 người lao động từ các doanh nghiệp lớn để TP chọn lựa.
ĐƯỜNG LOAN