(SGGP). - Sáng 22-2 (tức mùng 4 Tết), trong không khí vui xuân, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM (Nhà Rồng), Bảo tàng Tôn Đức Thắng cùng các bảo tàng: Lịch sử Việt Nam - TPHCM, Chứng tích chiến tranh, Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ, Mỹ thuật... đã đón tiếp hàng chục ngàn lượt khách tham quan, tìm hiểu về truyền thống dân tộc, cách mạng.
Các khu du lịch - văn hóa ở TPHCM như Suối Tiên, Đầm Sen, Văn Thánh, Kỳ Hòa, Thảo Cầm viên Sài Gòn, Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc, Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi... đã thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách đến vui chơi giải trí và dự các hoạt động giao lưu văn hóa. Nhiều buổi biểu diễn văn nghệ, chiếu phim, những khu giới thiệu trò chơi dân gian được tổ chức tại nhiều nơi ở vùng nông thôn ngoại thành cũng đã mang lại không khí vui xuân nhộn nhịp cho bà con vùng xa trung tâm thành phố.
Người dân du xuân ở Đường hoa Hàm Nghi, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đặc biệt, lượng người đến tham quan, dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cà Mau rất đông đảo. Hàng chục ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ, người dân trong và ngoài tỉnh Cà Mau, bà con Việt kiều về thăm quê hương trong dịp tết đã đến khu tưởng niệm bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ công lao trời biển của Bác Hồ kính yêu.
Đến với khu tưởng niệm, mọi người có dịp tham quan nhà trưng bày gần 150 hình ảnh, hiện vật và xem những thước phim tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều thú vị nữa thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân đến Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là cảnh quan trong khuôn viên thơ mộng, đẹp mắt. Trong khuôn viên xây dựng ao cá, nhà sàn Bác Hồ và nhiều công trình di tích lịch sử nhằm tuyên truyền giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng. Nơi đây có vườn hoa rộng với nhiều cây cảnh quý do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi về thăm và làm việc tại Cà Mau đã trồng cây lưu niệm tại khuôn viên, có nhiều cây cổ thụ và vườn chim độc nhất vô nhị nằm “giữa lòng thành phố”.
Chỉ tính riêng từ đêm giao thừa đến mùng 4 Tết, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón hơn 20.000 lượt người đến tham quan, dâng hương tưởng niệm Bác Hồ.
Ở ĐBSCL nhiều khu du lịch chật cứng khách. Tại Vĩnh Long, lượng khách tham quan các khu du lịch và đến viếng khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt tăng mạnh. Các khu du lịch như Trường An, Vinh Sang và các điểm du lịch sinh thái ở các xã cù lao của huyện Long Hồ là những điểm thu hút đông du khách nhất.
Các thiếu nữ nhún mình đánh đu tại lễ hội đu tiên.
Tại Cần Thơ, lượng khách tham quan Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam trong ngày tăng đột biến. Chưa đến 9 giờ sáng, gần như toàn bộ khuôn viên của ngôi chùa lớn nhất miền Tây Nam bộ này không còn chỗ trống. Phía trước khu chánh điện, khách hành hương phải xếp hàng dài để chờ đến lượt vào thắp hương, cầu nguyện.
Như thông lệ hàng năm, vào ngày mùng 4 Tết, sân vận động Cần Thơ tổ chức đua mô tô để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân TP và khu vực ĐBSCL. Năm nay, mặc dù cuộc đua chính thức khai mạc lúc 14 giờ nhưng chưa tới 12 giờ cùng ngày, khán giả đã kéo đến mua vé. Đến khoảng 13 giờ, toàn bộ khán đài 45.000 chỗ ngồi của sân vận động Cần Thơ không còn chỗ trống.
Tại Đồng Tháp, trong các ngày tết, nhiều người dân đã đến khu di tích lịch sử văn hóa Gò Tháp (huyện Tháp Mười) để viếng hai vị anh hùng Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều và miếu Bà Chúa Xứ. Tại Bạc Liêu, lượng khách hành hương về khu du lịch Quán Âm Phật Đài tăng cao.
Những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp đã đón trên 60 đoàn khách trong và ngoài nước, với hơn 1.000 lượt người đến vui chơi, giải trí. Chủ yếu là du khách ở TPHCM, các tỉnh ĐBSCL, miền Đông Nam bộ…
Đông đảo du khách viếng chùa Hương.
Năm nay, ĐBSCL có 3 địa phương tổ chức đường hoa là Cần Thơ, Tiền Giang và Kiên Giang. Đường hoa ở các địa phương là công trình nghệ thuật bày trí, sắp đặt kết hợp giữa nhiều loài hoa và nghệ thuật ánh sáng thể hiện bằng các mô hình, các sản vật, nghề thủ công truyền thống dân gian, làng rừng kháng chiến cũ, vùng căn cứ cách mạng năm xưa, tôn vinh những nét đẹp văn hóa và nét xuân miệt vườn vùng sông nước Nam bộ, thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan.
Tại Hậu Giang, tỉnh đã trang trí nhiều hình ảnh rực sắc vàng nằm gần kinh xáng Xà No để người dân vui xuân. Trong đó, có khoảng 15.000 lượt người đã đến viếng đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Ngoài ra, hàng chục ngàn người dân đã vui xuân bằng cách hành hương về vùng Bảy Núi. Chỉ tính trong 7 ngày qua, đã có trên 20.000 lượt khách vui xuân bằng đường cáp treo lên núi Cấm - An Giang.
Màn trình diễn múa khèn trên chảo thắng cố tạo được ấn tượng rất đặc biệt với đông đảo du khách.
Cùng ngày, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh Lào Cai tổ chức chương trình vui xuân Ất Mùi với nhiều hoạt động nhằm giới thiệu đến công chúng những nét sinh hoạt văn hóa dân gian của một số tộc người miền núi tỉnh Lào Cai như người H’Mông, Dao, Nùng, Bố Y...
Đã thành thông lệ, ngày 22-2, lễ hội rước pháo Đồng Kỵ (Từ Sơn - Bắc Ninh) đã diễn ra từng bừng với sự tham gia của đông đảo du khách trong nước, quốc tế cùng người dân địa phương. Hội rước pháo làng Đồng Kỵ là nghi thức truyền thống được người dân làng nghề tổ chức hàng năm, bắt đầu từ ngày mùng 4 đến hết mùng 6 tháng Giêng âm lịch.
Cùng ngày, hội vật Mai Động cũng được tổ chức ở đình làng Mai Động (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Sau lễ rước Thánh kiệu, gần 100 đô vật ở nhiều lứa tuổi, tới từ các “lò vật” nổi tiếng như Lĩnh Nam, Mai Động, Yên Sở, Bắc Ninh, Hưng Yên… đã cùng tham gia tranh tài.
Tại Thừa Thiên - Huế, người dân và du khách gần xa nô nức tề tựu về đình làng Gia Viên, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế thưởng thức và tham gia trò chơi tại lễ hội đu tiên truyền thống.
Trong khi đó đông đảo người dân Quảng Trị và các địa phương lân cận hội tụ về đình làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh tham dự lễ hội cướp cù. Hội cướp cù không chỉ thể hiện tinh thần thi đấu thể thao mà còn mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, con dân của làng học hành đỗ đạt, làm ăn phát tài phát lộc.
Đua thuyền chào xuân tại Đắk Lắk. Ảnh: CÔNG HOAN
Ngày 22-2, Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức giải đua thuyền nam truyền thống tỉnh Đắk Lắk lần thứ VIII trên Hồ Sen (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana). Giải được tổ chức thường niên nhằm giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa, nêu cao tinh thần thượng võ, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; tạo sân chơi lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Tại Khu di tích lịch sử văn hóa - danh thắng và du lịch núi Bà Đen (phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) UBND tỉnh Tây Ninh đã tổ chức khai mạc hội xuân núi Bà và họp mặt kiều bào về quê ăn Tết Ất Mùi năm 2015. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng, vui tươi, đầm ấm, gắn kết cộng đồng. Sau tiếng trống khai hội là chương trình múa lân, ca, múa nghệ thuật chuyên nghiệp do các nghệ sĩ đến từ TPHCM biểu diễn và màn bắn pháo hoa nghệ thuật...
Hội xuân núi Bà - Tây Ninh là hoạt động lễ hội thường niên tại khu du lịch cấp quốc gia núi Bà Đen nhân dịp đón năm mới, được tổ chức từ ngày mùng 4 Tết Nguyên đán đến ngày 16 tháng Giêng.
Tại đồi cát bay Mũi Né (TP Phan Thiết) đã diễn ra hội thi chạy vượt đồi cát với sự tham gia tranh tài của 257 vận động viên của 25 đoàn.
NHÓM PV
|