Mỏi mòn làm thủ tục xây lò giết mổ hiện đại

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2017, TPHCM sẽ chấm dứt hoạt động toàn bộ các lò giết mổ thủ công không đảm bảo yêu cầu, chuyển dần sang các lò giết mổ công nghiệp, tập trung (được đầu tư hiện đại) để hình thành chuỗi thực phẩm an toàn. 
Cơ sở giết mổ gia súc Xuyên Á (Củ Chi) - nơi xảy ra sự cố heo tiêm thuốc an thần vừa qua
Cơ sở giết mổ gia súc Xuyên Á (Củ Chi) - nơi xảy ra sự cố heo tiêm thuốc an thần vừa qua
Tuy nhiên, chủ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thuộc diện quy hoạch này hiện đang vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng... Do vậy, nhiều dự án vẫn giậm chân tại chỗ.

Kéo dài, khó khăn

Theo ghi nhận, rất nhiều lò giết mổ tập trung nằm trong quy hoạch của TPHCM vẫn chỉ là những bãi đất trống, cỏ mọc um tùm, thậm chí đường dẫn vào một số nhà máy vẫn chưa có. Theo Công ty TNHH Thực phẩm Lộc An, chủ đầu tư nhà máy giết mổ gia súc tại xã Bình Mỹ (Củ Chi), đến nay công ty mới hoàn thành một vài thủ tục như chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường..., còn 2 loại giấy tờ quan trọng nhất là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng thì chưa có. Dự kiến đến quý 4-2017, công ty sẽ hoàn thành các thủ tục pháp lý của dự án. Tương tự, Công ty cổ phần Delta, chủ đầu tư nhà máy giết mổ gia súc tại xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn), cũng chỉ mới hoàn thành thủ tục về chủ trương đầu tư dự án, đánh giá tác động môi trường, công ty còn phải bổ sung quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, hệ thống phòng cháy chữa cháy. Nhà máy chế biến thực phẩm Tân Hiệp của Hợp tác xã Tân Hiệp (Hóc Môn) cũng mới hoàn thành được giấy phép quy hoạch, đánh giá tác động môi trường; còn giấy phép xây dựng thì vẫn chưa có. 

Trao đổi với chúng tôi, bà  Nguyễn Thị Hồng Thắm - Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, chủ đầu tư lò giết mổ gia súc tại xã Tân Phú Trung (Củ Chi), cho biết thủ tục xin các loại giấy phép luôn kéo dài, gây khó khăn cho công ty. Hiện tại công ty mới có chủ trương đầu tư, dự kiến quý 1-2018 mới hoàn thành các thủ tục pháp lý của dự án và tiến hành xây dựng nhà máy giết mổ. 

Theo Sở NN-PTNT TPHCM, tính đến tháng 8-2017, chỉ mới có 2 đơn vị được cấp giấy phép xây dựng nhà máy giết mổ tập trung (Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn và Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn); 4 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép quy hoạch (Công ty cổ phần Lộc An, Công ty TNHH Phạm Tôn, Công ty Delta và Hợp tác xã Tân Hiệp); 2 công ty đã được UBND TPHCM phê duyệt đề án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (Công ty cổ phần Lộc An, Hợp tác xã Tân Hiệp). Như vậy, vẫn còn 5/11 dự án chưa được cấp giấy phép xây dựng. 

Lùi thời gian?


Theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, hiện nay tiến độ triển khai các dự án nhà máy giết mổ công nghiệp không đảm bảo thời gian hoàn thành và chính thức hoạt động vào ngày 1-1-2018 như kế hoạch của TPHCM đã đề ra. Theo báo cáo của các chủ dự án, khả năng phải đến quý 1-2018 sẽ có 4 nhà máy giết mổ gia súc hoàn thành và đi vào hoạt động, với tổng công suất giết mổ khoảng 8.000 con/ngày (Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn công suất 2.000 con/ngày; Công ty cổ phần Lộc An 2.000 con/ngày; Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn 2.000 con/ngày và Hợp tác xã Tân Hiệp 2.000 con/ngày). Do đó, Sở NN-PTNT kiến nghị UBND TPHCM cho gia hạn thời gian hoàn thành các dự án nói trên đến cuối quý 1-2018. Tùy vào tiến độ hoàn thành các nhà máy giết mổ công nghiệp, Sở NN-PTNT sẽ kiến nghị UBND TP xem xét việc ngưng hoạt động đối với các cơ sở giết mổ thủ công nhỏ lẻ hiện hữu và một phần cơ sở giết mổ có công suất lớn, để đưa về các nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại theo đúng công suất thiết kế. Ngoài ra, Sở NN-PTNT cũng sẽ tích cực hỗ trợ các chủ đầu tư hoàn thành các loại thủ tục trong thời gian sớm nhất để các nhà máy kịp đi vào hoạt động. 

Việc chậm hoàn thành các dự án xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm (theo quy hoạch của TPHCM giai đoạn 2016-2020) sẽ gây ảnh hưởng đến việc thực hiện Đề án truy xuất nguồn gốc thịt gia súc, gia cầm mà TP đang triển khai, cũng như khiến cho công tác quản lý an toàn thực phẩm tại TPHCM khó khăn hơn. Thống kê của ngành chức năng, toàn TP hiện còn khoảng 11 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô nhỏ lẻ, thủ công đang hoạt động, hầu hết không đạt chuẩn. Mặt khác, vì đang hoạt động trong tình trạng chờ di dời, đóng cửa, nên các cơ sở không đầu tư, nâng cấp, dẫn đến việc tuân thủ các quy định về môi trường, vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm còn rất nhiều hạn chế, gây khó khăn trong quản lý. Sự cố phát hiện heo bệnh, heo tiêm thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á vừa qua là một tiếng chuông cảnh báo. Vì vậy, TPHCM phải thúc đẩy nhanh hơn việc xây dựng các nhà máy giết mổ công nghiệp, tập trung. Đây là cái gốc cơ bản để TP hoàn thiện khâu quản lý, kiểm soát được đường vận hành của gia súc, gia cầm từ trang trại đến bàn ăn, loại bỏ kịp thời những nguy cơ đe dọa an toàn thực phẩm cho người dân. 

Tin cùng chuyên mục