Mỗi năm, nước ta có 30.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh

Ở Việt Nam, ước tính hàng năm, khoảng từ 22.000 đến 30.000 trẻ sinh ra có dị tật bẩm sinh. Nguyên nhân một phần là do thiếu axit folic ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ trong cộng đồng. Việc trẻ sinh ra có dị tật ống thần kinh làm tăng gánh nặng người bệnh, hệ thống y tế và xã hội.
Mỗi năm, nước ta có 30.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh

“Mỗi năm trên thế giới có khoảng 300.000 trẻ sơ sinh bị dị tật ống thần kinh, dẫn đến khoảng 88.000 ca tử vong. Ở Việt Nam, ước tính hàng năm, khoảng từ 22.000 đến 30.000 trẻ sinh ra có dị tật bẩm sinh. Nguyên nhân một phần là do thiếu axit folic ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ trong cộng đồng”, đó là thông tin được BS-CKI Phạm Thị Trang Nhã đưa ra tại Hội nghị khoa học công nghệ 2022 Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn tổ chức vào ngày 1-12.

Theo BS-CKI Phạm Thị Trang Nhã, việc trẻ sinh ra có dị tật ống thần kinh làm tăng gánh nặng người bệnh, hệ thống y tế và xã hội. Tuy vậy, vai trò của axit folic vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nhất là những phụ nữ mang thai hay trong độ tuổi sinh đẻ.

Mỗi năm, nước ta có 30.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh ảnh 1 Các đại biểu tham dự tại hội nghị
Các nghiên cứu nhiều nơi trên thế giới cho thấy tỷ lệ phụ nữ có kiến thức đúng về axit folic hoặc sử dụng axit folic trước giai đoạn mang thai còn thấp. Các nghiên cứu ở Việt Nam cũng phản ánh tương tự.
Kết quả nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn cho biết, 93,7% thai phụ từng nghe hoặc đọc về axit folic, trong đó có 81,4% được tư vấn từ nhân viên y tế, gấp 4 lần các nguồn thông tin còn lại.

Tỷ lệ thai phụ có kiến thức đúng về axit folic khá cao (84,1%), trong đó 96% trả lời đúng về lợi ích của axit folic và cách phòng ngừa dị tật thai nhi, 95,3% biết hậu quả khi thiếu axit folic và 81,8% biết lý do thiếu hụt axit folic.

Tuy nhiên, tỷ lệ thai phụ trả lời đúng về các nhóm thực phẩm chứa nhiều axit folic lại rất thấp, chỉ 16,6%. Hầu hết thai phụ đều có thái độ đúng đắn về việc bổ sung viên uống axit folic (98,6%).

Tuy nhiên, còn 51,2% thai phụ cho rằng chỉ phụ nữ lớn tuổi (≥35 tuổi) mới cần uống axit folic để dự phòng dị tật ống thần kinh cho thai nhi. Đáng chú ý là chỉ 36,2% đối tượng nghiên cứu hiểu rằng cần uống bổ sung viên axit folic trước mang thai ít nhất 1 tháng và duy trì liên tục đến 3 tháng đầu mang thai.

“Hơn 99% thai phụ khẳng định có uống axit folic. Tuy nhiên, chỉ có 15,9% người trong số này có hành vi đúng khi uống trước mang thai ít nhất 1 tháng duy trì đến hết ba tháng đầu mang thai”, BS-CKI Phạm Thị Trang Nhã thông tin.

Đồng thời cho biết, kiến thức của thai phụ về axit folic còn chưa đầy đủ và tỷ lệ sử dụng axit folic trước khi mang thai còn rất thấp; cần tăng cường tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản về các loại thực phẩm tự nhiên giàu axit folic và thời điểm sử dụng axit folic sớm trước mang thai để đạt được hiệu quả phòng ngừa dị tật ống thần kinh tốt nhất.

Hội nghị khoa học công nghệ 2022 Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn là hoạt động thường niên của bệnh viện. Theo BS-CK2 Đặng Quốc Quân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, hội nghị được diễn ra với 2 phiên, với 11 chuyên đề về nội khoa và ngoại khoa điều dưỡng.

Hội nghị gồm các nội dung như: thực trạng sử dụng thuốc Remdesivir tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Hóc Môn, ứng dụng thang điểm qSOFA, thang điểm SOFA để tiên lượng bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết tại Khoa hồi sức tích cực – chống độc; hiệu quả điều trị của siêu lọc chậm (scuf) trong suy tim mất bù; kiến thức, thái độ, hành vi của thai phụ về bổ sung viên uống axit folic...

Tin cùng chuyên mục