Mỗi người dân là một cột mốc sống ở khu vực biên giới

Ngày 14-1, tại Hà Nội, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị sơ kết và gặp mặt điển hình tiên tiến thực hiện ngày biên phòng toàn dân giai đoạn 2009-2019.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh "phên dậu” có vững thì đất nước mới ổn định
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh "phên dậu” có vững thì đất nước mới ổn định

Báo cáo kết quả thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân giai đoạn 2009-2019, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị cho biết, các địa phương đã tổ chức nhiều phong trào quần chúng tham gia bảo vệ biên giới như phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự xóm, bản biên giới”, “Tàu, thuyền, bến bãi an toàn”, “Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên”…

Đến nay, tuyến biên giới đất liền thành lập 1.587 tổ tự quản, có 49.724 hộ gia đình và 60.493 cá nhân đăng ký tham gia tự quản 4.215,844km đường biên giới, 3.141 mốc quốc giới, 78 công trình biên giới. Trên toàn tuyến biên giới thành lập 14.822 tổ/2.327.737 thành viên tự quản an ninh trật tự.

Đã có 7 huyện, thị và 209 xã, phường biên giới đạt chuẩn nông thôn mới; bộ đội biên phòng nhận đỡ đầu 87 xã biên giới; các cơ quan, ban, ngành địa phương nhận đỡ đầu 278 xã biên giới xây dựng nông thôn mới.

Trong thời gian qua, UBTƯ MTTQ Việt Nam, các ban, bộ ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương đã có nhiều chương trình hành động hướng về biên giới, hải đảo, góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, tham gia ủng hộ, giúp đỡ đồng bào, chiến sĩ yên tâm, vững vàng bám trụ, xây dựng và bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Nhiều chương trình có ý nghĩa thiết thực như: Chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”… Qua chương trình đã trao tặng 7.000 căn nhà cho người nghèo ở biên giới, hải đảo; 300 công trình dân sinh ở địa bàn biên giới; trao 24.876 con bò giống cho người nghèo biên giới.

Có thể nói, Ngày Biên phòng toàn dân đã nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và quần chúng nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới. Ý thức quốc gia, quốc giới, ý thức chấp hành luật pháp và các quy chế, quy định về quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của cán bộ và nhân dân khu vực biên giới được nâng lên rõ rệt; góp phần huy động được sức mạnh tổng hợp, tạo chuyển biến toàn diện về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới, củng cố giữ vững lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc trong thế trận quốc phòng toàn dân.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, qua 30 năm thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân, Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã có nhiều chủ trương, giải pháp, lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch tập trung xây dựng khu vực biên giới phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh. Qua đó, đã kịp thời cổ vũ động viên đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, biển đảo và cán bộ chiến sỹ Bộ đội Biên phòng khắc phục khó khăn, gian khổ, hi sinh, yên tâm bám trụ nơi biên giới, biển đảo; góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Mỗi người dân là một cột mốc sống ở khu vực biên giới ảnh 1
Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
“Mỗi người dân là một cột mốc sống ở khu vực biên giới, lực lượng vũ trang là nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là chuyên trách. Mỗi cá nhân cần tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội địa bàn biên giới, biển, đảo”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh. Đồng thời, đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc, đầy đủ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó nhân dân là chủ thể.

Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định địa bàn biên giới, hải đảo có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, là “phên dậu” của đất nước. “Phên dậu” có vững thì đất nước mới ổn định để phát triển. Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là phải hướng mạnh vào việc giúp các địa phương xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị; tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời chủ động đấu tranh phòng, chống, làm thất bại luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị địa bàn biên giới, hải đảo, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

“Cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào, hoạt động hướng về biên giới, biển đảo để động viên, chia sẻ với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Dịp này, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 33 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân giai đoạn 2009-2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng cũng tặng Bằng khen cho 40 tập thể và 67 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân giai đoạn 2009-2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục