Như tin đã đưa, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa thông báo Dự thảo Quy chế tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia và Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) hệ chính quy năm 2015 để lấy ý kiến rộng rãi trong toàn xã hội trước khi ban hành chính thức. Nhiều nội dung đã được dư luận ủng hộ. Tuy nhiên, sau khi thông báo dự thảo một số vấn đề vẫn gây băn khoăn, đặc biệt là việc Bộ GD-ĐT dự kiến sử dụng thang điểm 20 trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT) trao đổi làm rõ xung quanh vấn đề này.
Ông Mai Văn Trinh
Phóng viên: Thưa ông, ngay sau khi Bộ GD-ĐT thông qua dự thảo quy chế, nhiều chuyên gia, giáo viên, phụ huynh, học sinh rất băn khoăn về thang điểm 20. Nhiều ý kiến cho rằng không nên chuyển sang thang điểm này vì gây lo lắng không cần thiết?
* Ông Mai Văn Trinh: Kỳ thi THPT quốc gia với mục đích sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời làm căn cứ để các trường ĐH-CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Để đạt được mục đích này, đáp ứng sự đa dạng của các trường ĐH-CĐ như hiện nay thì yêu cầu phân hóa kết quả các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia phải được đặt ra ở mức độ cao hơn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH- CĐ riêng biệt như những năm trước đây.
Để có độ phân hóa cao, thì chất lượng đề thi đóng vai trò quan trọng; đồng thời công tác coi thi, chấm thi cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả thi của thí sinh. Trong kỳ thi THPT quốc gia, dự kiến mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 nhằm giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh, hỗ trợ tốt hơn cho công tác xét tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ.
Khi mở rộng sang thang điểm 20, việc làm bài thi của thí sinh không có gì thay đổi so với trước đây, nhưng thí sinh sẽ có lợi hơn. Cụ thể là trong thang điểm 20, chấm chi tiết đến 0,25 điểm và tổng điểm bài thi không làm tròn, như thế thang điểm sẽ được chia dày hơn (nhiều mức điểm hơn) so với thang điểm 10 hiện nay (thang điểm 20 được chia thành 80 mức, còn thang điểm 10 là 40 mức). Do đó, những gì thí sinh làm được trong bài thi sẽ được tính và chấm điểm chi tiết hơn. Nếu giữ thang điểm 10 như hiện nay, cũng chấm đến 0,25 điểm thì có thể các bước trung gian trong bài thi dù thí sinh làm đúng nhưng có thể sẽ không được tính điểm. Ví dụ: Trước đây, thí sinh trả lời được hơn 1 ý (đối với câu hỏi 1,0 điểm, có 4 ý) thì chỉ được chấm 1 ý /4 ý và được 0,25/10 điểm, nếu theo thang điểm 20 có thể sẽ được chấm 3 ý /8 ý và sẽ được 0,75/20 điểm.
Với thang điểm 20, giáo viên phải chấm bài chi tiết hơn, việc chấm đến 0,25 điểm là phù hợp với thói quen lâu nay; việc ghi điểm thành phần và cộng điểm bài thi cũng dễ hơn so với việc vẫn giữ thang điểm 10 nhưng chấm đến 0,125 điểm (việc ghi điểm thành phần và cộng điểm bài thi phức tạp hơn, dễ xảy ra sai sót hơn so với dùng thang 20 điểm, chấm đến 0,25 điểm). Với cách thay đổi thang điểm này, giáo viên phải vất vả hơn một chút trong chấm thi (giáo viên phải chấm bài chi tiết hơn). Khó khăn này sẽ được khắc phục với tinh thần trách nhiệm của giáo viên cũng như nhờ công tác tập huấn trước khi chấm thi. Sự vất vả của giáo viên để đổi mới, hướng tới bảo đảm quyền lợi cho thí sinh thì ngành giáo dục, đội ngũ thầy cô giáo sẽ sẵn sàng và cố gắng thực hiện với trách nhiệm cao nhất.
Ngoài ra, việc sử dụng thang điểm 20 sẽ hỗ trợ tốt hơn cho công tác xét tuyển ĐH- CĐ (lấy tổng điểm của 3 môn thi để xét tuyển). Giả sử với cùng một bước chia 0,5 điểm thì thang 20 điểm được chia thành nhiều mức chi tiết hơn so với thang 10 điểm (đáp ứng tốt hơn với sự đa dạng của các trường ĐH-CĐ hiện nay). Điều này dẫn đến số lượng thí sinh có cùng 1 mức tổng điểm ít hơn so với trong thang điểm 10, tránh cho các trường ĐH- CĐ tình trạng khó khăn trong công tác tuyển sinh như những năm trước là có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường có cùng mức tổng điểm nằm ở ranh giới cuối cùng của chỉ tiêu tuyển sinh. Ví dụ, những năm trước sử dụng thang điểm 10, giả sử trường lấy điểm chuẩn là 17,0 thì còn thiếu chỉ tiêu, nhưng nếu hạ xuống lấy 16,5 thì lại thừa chỉ tiêu vượt quá mức cho phép (vì với mức chênh lệch 0,5 điểm có thể có rất nhiều thí sinh cùng đạt 16,5 điểm). Nhưng nếu thang điểm 20, với việc chia dày hơn các mức điểm thì với cùng độ chênh lệch 0,5 điểm, các trường ĐH-CĐ sẽ tuyển được các thí sinh có kết quả thi phù hợp và đáp ứng tốt hơn chỉ tiêu tuyển sinh của trường, do đó sẽ góp phần khắc phục tình trạng nói trên, giúp các trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh.
*Có nhất thiết phải sử dụng thang điểm 20 không thưa ông?
Với những phân tích như đã nói ở trên, Dự thảo quy chế thi dự kiến sử dụng thang điểm 20 đối với tất cả các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia. Đây là một trong những biện pháp để phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia, hỗ trợ các trường ĐH-CĐ thuận lợi hơn trong xét tuyển.
Bộ GD-ĐT sẽ xem xét nghiêm túc những ý kiến của cán bộ, giảng viên, giáo viên, học sinh các trường ĐH-CĐ, trường phổ thông và xã hội trước khi chính thức đưa vào Quy chế để áp dụng trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.
* Dự thảo quy chế tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay thay đổi mức điểm liệt là 2 điểm, mức điểm ưu tiên cũng nâng lên 8 điểm. Tại sao lại có sự thay đổi này?
Cũng chính vì dự kiến mở rộng sang thang điểm 20 nên liên quan đến quy định về mức điểm tối thiểu đối với mỗi môn thi. Năm 2014, quy chế quy định mỗi môn thi phải đạt trên 1,0 điểm mới được xét công nhận tốt nghiệp, thì năm 2015, với thang điểm 20, mức điểm này được nhân đôi lên thành 2,0 điểm. Tương tự, mức điểm ưu tiên tối đa năm 2014 là 4,0 điểm (thang điểm 10), năm 2015 sẽ là 8,0 điểm (thang điểm 20).
* Kỳ thi cho phép thí sinh tự chọn môn thi ngoài 3 môn thi bắt buộc, liệu có dẫn đến tình trạng học lệch không thưa ông, nhất là đối với những môn mà học sinh vốn không mặn mà nhưng lại quan trọng như Lịch sử, Địa lý?
Kỳ thi THPT quốc gia 2015 cũng nhằm tác động tích cực trở lại quá trình dạy, học, đổi mới công tác thi, kiểm tra trong các nhà trường hiện nay, trong đó có việc góp phần khắc phục tình trạng học lệch.
Thực tế hiện nay học sinh đang học lệch theo các môn thi tốt nghiệp THPT và các khối thi tuyển sinh ĐH-CĐ do học sinh tự chọn. Để khắc phục một phần tình trạng này, trước đây Bộ GD-ĐT chỉ công bố môn thi vào ngày 31-3 hàng năm. Tuy nhiên, học sinh vẫn dự đoán được môn thi tốt nghiệp; ví dụ, năm trước thi môn Lịch sử thì năm sau sẽ không thi Lịch sử nữa mà có thể là môn Địa lý.
Phương thức thi mới sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu kết hợp với kết quả học tập tất cả các môn học ở lớp 12 của học sinh để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Trong tuyển sinh ĐH- CĐ, ngoài việc tiếp tục duy trì các khối thi truyền thống, các trường xây dựng thêm các tổ hợp môn thi mới. Điều này góp phần khắc phục tình trạng học lệch của học sinh, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.
* Còn việc giảm áp lực thi cử cho thí sinh, liệu có đạt được không khi mà nhiều trường đại học vẫn tuyển sinh riêng hoặc có thêm kỳ sơ tuyển?
Từ năm 2014 trở về trước, thí sinh phải tham dự 2 kỳ thi liền nhau: thi tốt nghiệp THPT tại địa phương và thi tuyển sinh tại các trường ĐH-CĐ hoặc tại 4 cụm thi liên tỉnh. Số lượng bài thi nhiều hơn: 7 bài nếu thi tốt nghiệp (4 bài) và tuyển sinh đại học một khối (3 bài); 10 bài nếu thi tốt nghiệp (4 bài) và tuyển sinh đại học hai khối (6 bài); 13 bài nếu thi tốt nghiệp (4 bài), tuyển sinh đại học hai khối (6 bài) và tuyển sinh cao đẳng (3 bài). Nay, thí sinh dự một kỳ thi, làm 4 bài thi tối thiểu, phổ biến là 5 hoặc 6 bài thi, cá biệt nhiều nhất là 8 bài thi.
Những năm trước đây, các thí sinh dự thi tuyển sinh phải đi đến các trường ĐH-CĐ hoặc đến 4 cụm thi (Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh, Hải Phòng) nên phải đi quãng đường khá xa, gây áp lực giao thông và chi phí cho việc đi lại là khá lớn. Nay, với việc mở rộng ra thành nhiều cụm thi liên tỉnh và cụm thi tỉnh thì địa điểm dự thi gần hơn sẽ giảm được chi phí đi lại cho thí sinh và gia đình. Trước đây, các thí sinh phải thi tốt nghiệp THPT trong 3 ngày, thi tuyển sinh ĐH-CĐ mỗi đợt 3 ngày. Như vậy, thông thường thí sinh sẽ mất 6 ngày (nếu thi tốt nghiệp và 1 đợt đại học), 9 ngày (nếu thi tốt nghiệp và 2 đợt đại học), 12 ngày (nếu thi tốt nghiệp, 2 đợt đại học và 1 đợt cao đẳng). Nay các em chỉ thi 4 ngày nên giảm được chi phí dự thi cũng như thời gian, sức lực.
Công tác sơ tuyển của các trường đã được nhiều trường ĐH-CĐ áp dụng từ năm 2014 trở về trước, Ngoài việc lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh, những trường có các môn năng khiếu thì vẫn tổ chức thi môn năng khiếu như những năm trước đây.
Với các lý do này, kỳ thi THPT quốc gia sẽ giảm được áp lực thi cử cho thí sinh, giảm tốn kém cho gia đình và xã hội theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.
Tất cả những điều chỉnh, đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia đều hướng tới đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, dành những gì tốt nhất có thể cho các em, dù ngành giáo dục có thể phải làm thêm việc.
*Xin cám ơn ông!
LÂM NGUYÊN thực hiện
>> Công bố thông tin mới nhất về kỳ thi năm 2015