Ô nhiễm khói, bụi, tiếng ồn gần đây tuy có giảm trên vài phương diện nhưng vẫn nằm ở ngưỡng không đạt chuẩn. Đó là đúc kết về tình hình môi trường sống trên địa bàn TPHCM hiện nay.
Tại toàn bộ 6 trạm quan trắc không khí đặt tại thành phố, bụi lơ lửng sinh ra từ khói. Bụi đang là thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng hàng đầu trên địa bàn. Bởi lẽ có đến 89% giá trị quan trắc không đạt tiêu chuẩn cho phép, thậm chí luôn nằm ở mức nguy hại cao, nồng độ trung bình dao động 0,36 – 0,63mg/m³.
Nguyên nhân được xác định là do khói xe ngày càng nồng nặc vì tình trạng kẹt xe, ùn ứ giao thông xảy ra thường xuyên. Đặc biệt tại khu vực xung quanh ngã tư An Sương, nơi mà chỉ số đo tại mọi thời điểm trong ngày đều không đạt yêu cầu, có lúc vượt chuẩn không phải gấp đôi gấp ba mà gấp những 5 lần!
Bên cạnh nỗi lo về ô nhiễm bụi lơ lửng, ô nhiễm môi trường không khí do chì cũng là bài toán nhức đầu. So với năm 2010, các giá trị đo được về ô nhiễm chì trong năm 2011 tuy có xu hướng giảm nhưng nồng độ vẫn dao động trong khoảng 0,21– 0,45µg/m³, trong đó khu vực có nồng độ chì cao nhất thành phố được xác định là xung quanh ngã sáu Gò Vấp!
Trong khi đó nồng độ NO2 đo đạc được tại các trạm quan trắc cho thấy chỉ số này cũng vượt tiêu chuẩn cho phép, thường dao động ở mức 0,15 – 0,26 mg/m³, hơn nữa đang có biểu hiện gia tăng tần suất lần đo vượt chuẩn khi có đến ngót nghét 70% giá trị đo với kết quả nồng độ NO2 vượt mức cho phép.
“Hiền” nhất là chỉ tiêu quan trắc CO, bởi nồng độ CO trong không khí cơ bản vẫn nằm trong tiêu chuẩn được phép. Trong các lần đo đạc lấy mẫu, chỉ có không quá 10% giá trị đo vượt chuẩn. Cuối cùng, ô nhiễm tiếng ồn tại thành phố có vẻ là dạng khó “trị” nhất khi mà 100% số liệu quan trắc không đạt quy chuẩn cho phép, cường độ tiếng ồn dao động 71 – 86dB và đáng chú ý mức ồn này duy trì suốt thời gian dài qua, chưa thấy có dấu hiệu cải thiện.
Theo Sở TN-MT TPHCM, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trên địa bàn vẫn chủ yếu đến từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Mặc dù khói và khí thải từ các nhà máy công nghiệp hầu hết đều nằm tại khu vực ngoại thành, như nhà máy thép Thủ Đức và Xi măng Hà Tiên, đồng thời với thiết kế phổ biến ống khói cao, khí xả gây ô nhiễm ở tầng không khí trên cao, phát tán diện rộng và pha loãng, thế nên đã “đánh lừa” được cư dân thành phố do ít cảm nhận được tác động ảnh hưởng trực tiếp, tức thì trên sức khỏe của mình.
Thế nhưng, tác nhân gây ô nhiễm không khí thực sự tác động trực tiếp nhiều nhất đến sức khỏe người dân lại chính là đến từ hoạt động tham gia giao thông của các loại xe cơ giới. Các chuyên gia chỉ ra rằng, tuy lượng khí thải này không nhiều bằng khí thải công nghiệp nhưng chúng lại có những đặc điểm rất “hiểm” ở chỗ phát thải ở tầm thấp, thường tập trung tại khu vực nội thành đông đúc, ít phát tán vì bị các tòa nhà cao tầng bao bọc khắp xung quanh… Lời khuyến cáo được các chuyên gia môi trường đưa ra cho người dân thành phố đó là, tốt nhất nên hạn chế ra đường trong thời điểm nắng nóng, oi bức khó chịu.
TRUNG KHANH