Đừng nghĩ thực phẩm chức năng là “thần dược”

Đừng nghĩ thực phẩm chức năng là “thần dược”

Cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm chức năng (TPCN) để nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật và làm đẹp ngày càng tăng, với ước tính khoảng 6% dân số hiện đang dùng thường xuyên TPCN. Bắt nguồn từ nhu cầu này, thị trường TPCN không ngừng phát triển mạnh mẽ với hàng ngàn chủng loại sản phẩm đang lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế thị trường TPCN “trăm hoa đua nở”  đang làm nảy sinh những vấn đề đáng lo ngại đối với người tiêu dùng và cả cơ quan quản lý. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đáng (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam.

* Ông có thể khái quát về sự phát triển hiện nay của thị trường TPCN ở nước ta ?

PGS.TS Trần Đáng: Nếu trước đây khoảng 10 năm, cả nước có chưa đầy 50 doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh TPCN thì hiện nay có khoảng 2.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh với khoảng gần 10.000 sản phẩm TPCN đang lưu hành. Trong đó đáng chú ý các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất đang có sự phát triển mạnh mẽ, chiếm trên 50% thị trường. Hiện nay, tại Việt Nam đang có xu hướng phát triển nhiều sản phẩm, bài thuốc của y học cổ truyền thành TPCN. Cùng với đó là nhu cầu người dân sử dụng TPCN cũng gia tăng mạnh, ước tính hiện có khoảng 6% dân số nước ta sử dụng TPCN, chủ yếu là người dân thành thị, chỉ riêng tại Hà Nội và TPHCM, tỷ lệ này gần 45%. Do đó, nước ta đang trở thành một thị trường tiềm năng phát triển mạnh cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng như doanh nghiệp trong nước sản xuất và kinh doanh TPCN.

Mỗi năm, Cục An toàn thực phẩm tiếp nhận khoảng 1.000 hồ sơ đăng ký nội dung quảng cáo TPCN nhưng có tới 90% số hồ sơ có vấn đề và bị yêu cầu chỉnh sửa nội dung quảng cáo đúng với tác dụng của sản phẩm. Tất cả quảng cáo TPCN chữa khỏi bệnh này hay bệnh kia đều không chính xác vì TPCN không phải thuốc chữa bệnh. Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều website mua bán, quảng cáo, thông tin về TPCN gây bức xúc cho dư luận xã hội, khi thông tin sản phẩm không có cơ sở khoa học, không đúng với chất lượng sản phẩm, đặc biệt là không đúng thuần phong mỹ tục, nhưng rất khó kiểm soát. Theo quy định, việc giới thiệu, quảng cáo sản phẩm TPCN không đúng sự thật sẽ xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép và sản phẩm, nhưng vì mức lợi nhuận rất lớn nên nhiều đơn vị, cá nhân vẫn cố tình vi phạm gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Để nâng cao hiệu quả trong hỗ trợ sức khỏe của TPCN và chấn chỉnh những bất cập, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong quản lý kiểm soát TPCN, cũng như ban hành các văn bản quản lý phù hợp thực tế; khuyến khích hợp tác giữa nhà khoa học, nhà sản xuất, cơ quan quản lý để cho ra các sản phẩm tốt, giá thấp.

Ông Nguyễn Thanh Phong Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế

     

* Theo ông, cùng sự phát triển mạnh mẽ của thị trường TCPN ở nước ta, chúng ta đang phải đối mặt những bất cập gì?

Sản phẩm TPCN tuy khá phổ biến ở thị trường nội địa nhưng hiện vẫn là mặt hàng khá mới mẻ đối với nhiều người tiêu dùng. Theo thống kê của chúng tôi, hiện nay người tiêu dùng mới chỉ hiểu được 50% công dụng của TPCN. Do đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh mặt hàng này đã lợi dụng sự hiểu biết không nhiều của  người tiêu dùng để kiếm lợi bằng cách nâng giá bán quá mức, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm. Không ít loại TPCN đang được quảng cáo một cách thái quá, hay mập mờ về khả năng chữa bệnh khiến cho nhiều người lầm tưởng là thuốc chữa bệnh nên đã tốn nhiều tiền để mua lấy niềm hy vọng chữa khỏi một số bệnh nan y. Bên cạnh đó, giá bán nhiều loại TPCN khi đến tay người tiêu dùng đã bị nâng lên quá cao so với giá trị thực của sản phẩm bởi qua nhiều tầng lớp trung gian và phải chịu mức thuế cao. Ngoài ra, có không ít trường hợp vì lợi nhuận đã đưa ra thị trường nhiều loại sản phẩm TPCN kém chất lượng, không rõ nguồn gốc gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng.

* Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều người sử dụng TPCN với suy nghĩ đây như “thần dược” chữa bách bệnh. Ông có ý kiến gì trước suy nghĩ này?

Điều này không đúng. TPCN được biết đến với nhiều tác dụng và công dụng như: chống lão hóa kéo dài tuổi thọ, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ bệnh tật, hỗ trợ làm đẹp, tạo cho con người có sức khỏe sung mãn, hỗ trợ điều trị nhiều chứng và bệnh tật. Xu thế phát triển của thế giới hiện đại luôn kèm các nguy cơ nảy sinh nhiều dịch bệnh và bệnh mạn tính phổ biến như: tiểu đường, tim mạch, ung thư, xương khớp, dị ứng, tiêu hóa, thần kinh, tăng cân béo phì, bệnh về da, hô hấp… Các bệnh mạn tính không lây chưa thể phòng bằng vaccine mà cần thực hiện bổ sung  dinh dưỡng thông qua các vitamin, các vi chất dinh dưỡng, khoáng chất, các chất chống ôxy hóa. Mặc dù TPCN không có tác dụng chữa trị được các căn bệnh trên nhưng thông qua việc bổ sung các vitamin, vi chất dinh dưỡng, khoáng chất, các chất chống ôxy hóa có trong TPCN sẽ giúp hỗ trợ cơ thể  nâng cao sức khỏe, chống lão hóa, tăng sức đề kháng để phòng tránh và ngăn ngừa mắc bệnh. Vì vậy, có thể nói TPCN là công cụ phòng bệnh của thế kỷ 21.

* Trước nhu cầu sử dụng TPCN ngày càng tăng, ông có khuyến cáo gì để người dân sử dụng loại sản phẩm này được hiệu quả?

Tốt nhất là người tiêu dùng trước khi quyết định sử dụng một sản phẩm TPCN nào đó nên hỏi kỹ các chuyên gia tư vấn trực tiếp, cán bộ y tế hoặc hỏi cơ quan chức năng kiểm duyệt, cấp phép lưu hành sản phẩm TPCN đó. Đối với những sản phẩm TCPN được bán qua mạng hay dưới hình thức đa cấp thì người tiêu dùng cần phải cảnh giác và tỉnh táo trước khi mua, phải xem xét, kiểm tra cụ thể sản phẩm đó đã được kiểm định và thử nghiệm lâm sàng chưa, cũng như đã được cơ quan y tế trong nước cấp phép lưu hành chưa. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý việc quảng cáo sản phẩm TPCN, đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền rộng rãi cho người tiêu dùng về giá trị thực tiễn và cách sử dụng TPCN để tăng nhận thức của người dân về TPCN, từ đó có cái nhìn đúng đắn, khách quan hơn về sản phẩm này.

Cảm ơn ông!

Quốc Lập

>> Thực phẩm chức năng: Hiểu đúng để dùng đúng

Tin cùng chuyên mục