Vụ sạt lở bờ kè Phong Điền, TP Cần Thơ

Hàng chục căn nhà tiếp tục sụp đổ

Trước mắt phải ổn định cuộc sống cho người dân
Hàng chục căn nhà tiếp tục sụp đổ
  • Sạt lở ăn sâu vào tim đường Lộ Vòng Cung
  • Các đơn vị liên quan đổ trách nhiệm cho nhau
Hàng chục căn nhà tiếp tục sụp đổ ảnh 1

Hàng chục căn nhà đồng loạt sụp đổ, lún sâu hơn mặt đường từ 0,5 đến 1,5m trong sáng 26-2.

9 giờ 20 phút sáng 26-2, trong khi lãnh đạo TP Cần Thơ, huyện Phong Điền và các đơn vị có liên quan đang họp tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục hậu quả vụ sạt lở thì tiếp tục có hàng chục căn nhà sụp đổ, xiêu vẹo nghiêm trọng theo bờ kè. Trong khi đó các đơn vị có liên quan trực tiếp đến công trình này lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Có mặt tại hiện trường, người viết ghi nhận hơn 200m trong tổng số 739,5m bờ kè kiên cố (có vốn đầu tư 13 tỷ đồng, mới xây dựng, chưa được nghiệm thu) tại khu vực chợ Phong Điền đã tuột xuống sông. Phần còn lại có nhiều dấu hiệu tiếp tục sụp ra bờ sông. Dãy nhà bị sạt lở lún thấp hơn khoảng 0,5 - 1,5m so với mặt đường, nghiêng ra bờ sông. Vết sạt lở đã ăn sâu vào đất liền khoảng 15m, đến tim đường Lộ Vòng Cung - trục đường chính từ trung tâm TP Cần Thơ vào huyện Phong Điền, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giao thông.

Đáng quan ngại nhất là rất nhiều người dân vẫn còn ở lại trong “vùng nguy hiểm”. Nguyên do là những hộ dân này không có chỗ di dời, hàng hóa còn chứa trong nhà. Chị Đỗ Thị Thùy Ngân, chủ tiệm tạp hóa An Ngân, số nhà 77A, cho biết: Ngày 29 Tết gia đình được “lệnh” di dời khỏi khu vực nguy hiểm. Nhưng vì không có nơi buôn bán và không có chỗ di dời trong khi hàng hóa rất nhiều nên chị đành dọn về chỗ cũ. Nhiều hộ khác tại số nhà 075, 079, 080… (Lộ Vòng Cung - thị trấn Phong Điền) cũng nằm trong “vùng nguy hiểm”.

Trong khi mức độ sạt lở bờ kè ngày càng nghiêm trọng thì tại cuộc họp sáng 26-2, các đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp về dự án này vẫn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Các đơn vị thiết kế, giám sát, thi công, tư vấn đều cho rằng trình tự thủ tục của mình đều đúng nhưng không đưa ra một văn bản chính thức nào chứng minh việc làm của mình. Ông Trịnh Thanh Xuân, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và đầu tư xây dựng Tây Đô (đơn vị thiết kế công trình bờ kè), lý giải: “Do tốc độ đô thị hóa quá nhanh.

Trong lúc bờ kè đang thi công và sau thi công xong thì có khoảng 50 nhà dân được cải tạo và xây mới. Tải trọng của các nhà này gây áp lực rất lớn lên bờ kè. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự phá hoại bờ kè. Đơn vị quản lý đô thị đã không có văn bản tham khảo ý kiến đơn vị thiết kế về việc cấp giấy phép xây dựng công trình bờ kè”. Nhưng cuối cùng, ông Xuân cũng nhìn nhận: “Do đơn vị tư vấn thiết kế không lường trước được nên dẫn đến sự cố. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan quản lý đô thị và đơn vị tư vấn thiết kế”.

BÌNH ĐẠI

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ
Trước mắt phải ổn định cuộc sống cho người dân

4 đơn vị: tư vấn thiết kế, xây dựng, giám sát, thi công phải làm văn bản cụ thể, rõ ràng quá trình thi công của từng đơn vị; nhanh chóng đề ra giải pháp khắc phục. UBND huyện Phong Điền phải thuê cơ quan kiểm định độc lập giám sát công trình này. Lãnh đạo huyện Phong Điền phải có phương án cụ thể trình lên UBND TP Cần Thơ về việc sắp xếp, di dời những hộ dân có nhà bị sụp hoàn toàn vào khu trung tâm thương mại huyện; từ đó có chính sách đền bù thỏa đáng…

Tin cùng chuyên mục