Chuyện dài nhiều tập về số nhà, tên đường

Bài 2: Mã nhà hay số nhà?

Những lúng túng khi biến động
Bài 2: Mã nhà hay số nhà?

Trên thực tế, phương pháp đánh số nhà truyền thống đã không thể giải quyết dứt điểm những bất cập, nhất là trong tình hình đô thị có nhiều biến động. Năm 2006, dự án “mã nhà thông minh” của Công ty Dolsoft ra đời và được UBND TPHCM đánh giá là một công trình thiết thực nên quyết định cho thí điểm tại khu Nam Sài Gòn. Mục đích là sau khi hoàn thiện, khắc phục được các nhược điểm của phương pháp đánh số nhà hiện tại thì sẽ áp dụng rộng rãi, lâu dài. Thế nhưng đến nay, việc đánh giá dự án đó có khả thi hay không vẫn còn bỏ ngỏ.

Những lúng túng khi biến động

Các đô thị mang tính hiện đại của Việt Nam, trong đó có TPHCM xuất phát cùng thời Pháp thuộc và mang nặng dấu ấn phong cách kiến trúc của người Pháp - từ hệ thống kiến trúc tổng thể đô thị (đô thị có trung tâm), đến kiến trúc xây dựng, hệ thống đường sá và cả số nhà. Theo các chuyên gia đô thị, hệ thống số nhà kiểu Pháp khi triển khai nhiều nơi trên thế giới đều ít nhiều gặp những bất cập, riêng tại Việt Nam thì đạt đến đỉnh điểm nhưng mức độ ít nhiều tùy thuộc vào khả năng quản lý của chính quyền địa phương.

Nhiều nơi không chú ý đến việc đánh số nhà, nên xảy ra tình trạng trùng lắp số nhà trên cùng một con đường khi nhập hoặc tách tên đường; một số quận, phường còn tự động đổi số nhà mà không tính đến sự liên hoàn trên cùng một con đường đi qua địa giới nhiều phường, quận; rồi việc xây dựng trái phép và cả việc tự đặt số nhà tại một số khu đô thị mới… đã tạo nên việc “loạn” tên đường và số nhà, gây không ít khó khăn cho người dân.

Theo các nghiên cứu, trong quá trình phát triển, đô thị ngày càng phình to, hệ thống giao thông ngày càng dày đặc với đường được xây dựng mới, mở rộng thêm, kéo dài ra, nối thêm hay bị chia cắt thành từng đoạn… nên sự bất cập của hệ thống số nhà cũng là điều tất yếu.

Hơn nữa, bản chất của hệ thống số nhà hiện nay là dựa vào số lượng căn nhà, trong khi số lượng nhà lại biến động liên tục nên không thể tránh khỏi những khó khăn trong việc chỉnh sửa. Đó là chưa kể việc số nhà thay đổi sẽ kéo theo hàng loạt xáo trộn trong cuộc sống của người dân. Một khoản chi phí không nhỏ mà người dân và cơ quan Nhà nước đã phải bỏ ra để thay đổi địa chỉ trong giấy tờ mang tính pháp lý như nhà đất, hộ khẩu, chứng minh nhân dân, các hồ sơ quản lý…

Xây dựng “mã nhà thông minh”

Bài 2: Mã nhà hay số nhà? ảnh 1

Trên đường Nguyễn Huy Điển, quận Gò Vấp, có nhiều số nhà ghi địa chỉ là đường Lê Đức Thọ. Ảnh: NGUYỄN NAM

Dự án “Mã nhà thông minh” của Công ty Dolsoft được xây dựng theo cách dựa vào khoảng cách từ đầu đường (nơi bắt đầu đánh số - thường là phía gần trung tâm TP) đến mép gần nhất của các ngôi nhà trên đường. Vì con đường là bất di bất dịch, trừ khi bị chia lại, nên tính ổn định của các con số sẽ rất cao. Theo đó, mỗi căn nhà sẽ được cấp một mã số gọi là “mã nhà”. Quy ước là đi từ đầu đường đến cuối đường thì bên phải là nhà số chẵn, bên trái là số lẻ.

Nhà bên chẵn có mép phải cách đầu đường bao nhiêu mét thì mã nhà sẽ là số chẵn gần nhất và không vượt quá số chỉ khoảng cách đó.

Tương tự, mã nhà bên lẻ là một số lẻ gần nhất với khoảng cách từ đầu đường đến mép trái nhà. Ví dụ: ngôi nhà bên chẵn có mép phải cách đầu đường 357,3m sẽ có mã nhà là 356; căn nhà bên lẻ có mép trái nhà cách đầu đường 468,8m sẽ có mã nhà là 467.

Với “mã nhà thông minh”, các hẻm cũng được cho mã như nhà, căn cứ theo mép hẻm gần đầu đường nhất, và cũng theo chẵn - lẻ; nhà bên trong cũng được mã hóa theo cách trên, tính từ đầu hẻm. Nếu hẻm nối 2 đường thì chia đôi hẻm và mã hóa nhà theo khoảng cách từ 2 đầu vào trong. Ghi số nhà, giữa 2 phần mã hẻm và mã nhà trong hẻm vẫn là gạch chéo “/”. Ví dụ, mã nhà 131/27 sẽ thuộc về căn nhà ở hẻm 131, cách đường chính khoảng 27m. Đối với các khu nhà dạng chung cư, việc mã hóa không có gì thay đổi, ngoại trừ phải ghi rõ địa chỉ con đường dẫn vào khu nhà. Ví dụ: 456/A/p214 Xô Viết Nghệ Tĩnh sẽ là mã của căn hộ là phòng 214 khu nhà A của chung cư thuộc đường hẻm 456 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Theo Công ty Dolsoft, với phương pháp đánh mã này, số nhà sẽ được đảm bảo tính duy nhất và theo chiều tăng dần từ đầu đường đến cuối đường, bất chấp có biến động về nhà. Phương pháp này còn có ưu điểm là chỉ nhìn vào mã, có thể biết gần chính xác khoảng cách từ đầu đường hoặc từ vị trí đang đứng đến ngôi nhà cần tìm (sai số không quá 2m). Sử dụng “mã nhà thông minh” có thể áp dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS), chỉ cần đưa ra một mã nhà là có thể định vị rõ ràng vị trí nhà trong TP, hỗ trợ đắc lực cho các công tác như cứu hỏa, cứu thương, trật tự an ninh xã hội.

Nhiều ý kiến khẳng định rằng đây là một phương án rất hay về mặt ý tưởng và có tính ưu việt so với cách đánh số nhà hiện tại. Tuy nhiên, cũng không ít băn khoăn về tính khả thi của nó vì hiện tại, người dân đã quen với cách nhìn số nhà để tính xem còn bao nhiêu căn nhà nữa sẽ đến nơi mình cần tìm, liệu người dân có đồng tình và chấp nhận cách tính mới. Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng, mã nhà nên là phần đứng thêm vào số nhà hiện hữu để trợ giúp cho việc tìm kiếm chứ không thể thay thế số nhà.

Cho dù thế nào chăng nữa, một dự án được TP đánh giá cao và cho thí điểm thực hiện nhưng mấy năm nay kết quả của nó như thế nào, có nên áp dụng và nhân rộng để giải quyết bài toán số nhà, tên đường tại TP hay không chẳng được ai quan tâm cũng là điều cần suy nghĩ.

Hạnh Nhung

Bài liên quan:

>> Bài 1: Nhà càng nhiều, số càng loạn
>> Bài 3: Loay hoay tìm lời giải

Tin cùng chuyên mục