Về vụ Công ty Vedan xả nước thải ra sông Thị Vải, Bộ trưởng Bộ TN - MT Phạm Khôi Nguyên: Đình chỉ hoạt động của nhà máy và xử lý ở mức cao nhất

Vi phạm kép!

Đó là thông tin mới nhất được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đưa ra tại cuộc gặp gỡ với báo giới để thông báo về kết quả điều tra và hướng xử lý đối với hành vi xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý vào sông Thị Vải của Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam.

Vi phạm kép!

Vi phạm diễn ra trong một thời gian dài của Vedan đã được lãnh đạo Bộ TN-MT đánh giá là hết sức nghiêm trọng. Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên hơn một lần nhận định: “Hành động của Vedan là sự gian dối một cách hết sức tinh vi. Những lợi ích kinh tế và xã hội mà một doanh nghiệp lớn như Vedan đem lại trong nhiều năm qua thực ra không thấm vào đâu so với những gì họ đã gây ra cho môi trường của chúng ta. Chỉ đến khi bị “bắt tận tay” sai phạm thì họ mới hết chống chế, viện lý do này nọ”.

Thiệt hại có thể đến hàng ngàn tỷ đồng!

Việc lượng hóa những thiệt hại kinh tế mà Vedan đã gây ra do hành vi vi phạm của mình trong một thời gian dài là bài toán kinh tế hết sức phức tạp! Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, căn cứ vào tổng lượng nước thải, hàm lượng chất thải (kinh phí để xử lý 1m3 dịch thải sau lên men như của công ty này lên tới gần chục triệu đồng), mức phí bảo vệ môi trường để “cứu chữa” sông Thị Vải… thì Nhà nước có thể đã bị thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Đó là chưa kể việc chất lượng nước sông kém đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế nông nghiệp, thủy sản của người dân sinh sống trong lưu vực.

Theo phân tích của đoàn công tác liên ngành, hành vi của Vedan là “vi phạm kép”: không chỉ trốn tránh trách nhiệm bảo vệ môi trường theo luật định mà Vedan còn gian dối khi tự đăng ký chất lượng nước thải loại B, trong khi thực tế chất lượng nước thải qua hệ thống xử lý của họ còn lâu mới đạt mức đó! Công ty cũng không lập hồ sơ, đăng ký có phát sinh amiăng thải (là chất thải nguy hại) với cơ quan quản lý.

Thậm chí, trong quá trình kiểm tra, đoàn công tác còn phát hiện một… trại nuôi heo với quy mô hơn 200 con trong khuôn viên hoạt động của công ty. Trại không có cam kết bảo vệ môi trường và cũng xả thải trực tiếp ra sông không qua xử lý!

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên còn cho biết, Vedan còn có những nhà máy sơ chế nguyên liệu ở nhiều địa phương khác và tới đây công tác thanh tra đối với các nhà máy này cũng sẽ được tiến hành rốt ráo.

“Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất quan tâm đến vụ việc này và coi đây là một vụ cần xử lý điển hình, nhằm ngăn chặn những hành vi tương tự, bất kể là doanh nghiệp có quy mô nào, thuộc thành phần kinh tế trong nước hay có vốn nước ngoài”, ông nói.

Theo quy định hiện hành, trước mắt, Vedan sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với tình tiết tăng nặng theo Nghị định số 81/2006 của Chính phủ với hình thức xử phạt chính là phạt tiền tối đa của các khung hình phạt.

Công ty cũng sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, đình chỉ hoạt động để khắc phục ô nhiễm môi trường. Vedan có trách nhiệm đền bù thiệt hại về kinh tế và môi trường đối hành vi gây ô nhiễm của mình.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng cho biết đã chỉ đạo hoàn tất hồ sơ chuyển cơ quan công an điều tra, đã có thể truy tố vi phạm hình sự trong vụ việc này.

Có hay không sự dung túng, thiếu trách nhiệm?

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng từ địa phương đến Cục Bảo vệ môi trường và Bộ TN-MT khi để sai phạm của Vedan kéo dài hơn 10 năm (giấy phép xả thải trên 5.000m3/ngày đêm do bộ cấp), Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, ở thời điểm cấp phép, các thủ tục thẩm duyệt đã được thực hiện đúng.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) Lê Bắc Huỳnh giải thích thêm, việc Vedan sai phạm là “do họ tự vượt quá điều kiện cấp phép, tương tự như xin xây nhà 2 tầng nhưng lại làm đến 5 tầng”. Để doanh nghiệp không sai phạm thì phải giám sát, kiểm tra thường xuyên, sát sao.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ TN-MT cũng thừa nhận năng lực kiểm tra, giám sát môi trường của VN hiện còn rất yếu do thiếu nhân lực, công nghệ, thiết bị và kinh nghiệm… nên doanh nghiệp đã dễ dàng “qua mặt”. Cũng phải thừa nhận một thực tế là việc đấu tranh bảo vệ môi trường có thể gây khó khăn cho công tác thu hút đầu tư nên nhiều khi không được chính quyền địa phương ủng hộ, phối hợp đúng mức.

“Thậm chí, có địa phương còn yêu cầu giảm bớt các chỉ tiêu môi trường để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Đó là đi ngược với chủ trương chung và sai lầm nghiêm trọng. Chúng ta sẽ phải trả giá đắt khi môi trường bị phá hủy và thiệt hại về kinh tế để phục hồi môi trường là vô cùng lớn”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên kết luận.

Anh Thư

  • UBND tỉnh Đồng Nai sẽ xem xét trách nhiệm từng cá nhân, đơn vị có liên quan

Chiều 17-9, trao đổi với phóng viên Báo SGGP qua điện thoại, ông Ao Văn Thinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, sắp tới tỉnh Đồng Nai sẽ xem xét lại quy trình kiểm tra về môi trường cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị có liên quan nhằm khắc phục những thiếu sót và nâng cao tính hiệu lực của hệ thống pháp lý.

Trả lời câu hỏi vì sao các lực lượng chức năng của tỉnh không phát hiện được vi phạm nghiêm trọng của Công ty Vedan, ông Thinh cho biết do Vedan là một doanh nghiệp mà các hoạt động liên quan đến môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, từ việc đánh giá tác động môi trường, cấp phép xả thải… nên địa phương gặp rất nhiều hạn chế trong việc quản lý và kiểm tra.

Riêng về lực lượng cảnh sát môi trường tỉnh, ông Thinh thừa nhận thời gian qua lực lượng này hơi chậm trong việc kiểm tra xử lý các vụ việc liên quan đến môi trường, nhưng đồng thời ông cũng cho rằng do mới thành lập, thời gian qua lực lượng cảnh sát môi trường tỉnh lại đang tập trung cao điểm kiểm tra xử lý môi trường tại các khu công nghiệp trên địa bàn, còn Vedan là nhà máy đơn lẻ nên chưa nằm trong danh sách phải kiểm tra trong thời gian vừa qua.

  • Cơ quan quản lý môi trường Đồng Nai né tránh trách nhiệm

Sau những thông tin của báo chí về vụ Vedan, những ngày qua, bạn đọc tiếp tục gọi đến Báo SGGP đặt vấn đề về việc có hay không sự bao che của một vài cá nhân tại các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai? Tại sao một thực tế vi phạm đã tồn tại bao nhiêu năm qua nhưng phải đến khi Cục Cảnh sát môi trường vào cuộc thì mới được phát hiện? Một số vấn đề mà bạn đọc thắc mắc, chúng tôi đã trao đổi với ông Hoàng Văn Thống, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai – được coi là người nắm rất rõ các hoạt động về môi trường của tỉnh Đồng Nai nói chung, của Công ty Vedan nói riêng và đã làm công tác thanh tra môi trường nhiều năm liền.

Nhìn chung, các câu trả lời của ông rất chung chung và chủ yếu là né tránh trách nhiệm. Ví dụ như trả lời báo chí về việc vì sao các cơ quan quản lý môi trường Đồng Nai không phát hiện được vi phạm của Vedan, ông Thống cho rằng, nguyên nhân chính là do trình độ nghiệp vụ của các cơ quan chức năng địa phương có hạn (?). Còn lực lượng cảnh sát môi trường thực ra quá non trẻ về “tuổi nghề và kinh nghiệm”.

Về việc nước sông Thị Vải ô nhiễm đến mức báo động nhiều năm qua, tại sao các cơ quan quản lý môi trường của tỉnh Đồng Nai vẫn tin vào chất lượng nước xả thải của Công ty Vedan qua các con số xét nghiệm, ông Thống cho rằng do nước sông Thị Vải tích tụ lâu ngày không chảy nên ô nhiễm là đương nhiên không thể vì thế mà nghi ngờ doanh nghiệp (!).

Cũng theo ông, năm 2006 Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai có kiểm tra và đề nghị điều chỉnh một số hạng mục; từ đó đến nay, không có thêm hành vi vi phạm nào của Công ty Vedan bị phát hiện.

Ch.Dũng

 

Vụ Công ty Vedan xả nước thải ra sông Thị Vải

- Công ty Vedan bị đình chỉ hoạt động

- 23 triệu đồng tiền phạt cho hơn 10 năm xả thải “vô tư”

- Có đủ hành lang pháp lý xử lý vụ Vedan

- Bắt quả tang Công ty Vedan xả chất thải ra sông Thị Vải

Tin cùng chuyên mục