Các công trình giao thông trọng điểm và cấp bách: Thiếu vốn trầm trọng

Các công trình giao thông trọng điểm và cấp bách: Thiếu vốn trầm trọng

Thiếu vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản ở TPHCM là vấn đề không mới, bởi ngân sách của thành phố thì có hạn trong khi nhu cầu xây dựng lại rất cao. Tuy nhiên, thiếu vốn cho các công trình giao thông trọng điểm và cấp bách, có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội lại là vấn đề rất đáng quan ngại.

  • Đang xây dựng cũng... thiếu vốn
Ngập nước sau một cơn mưa trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: CAO THĂNG

Ngập nước sau một cơn mưa trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: CAO THĂNG

Xa lộ Trường Sơn, đoạn trước cổng Khu chế xuất Linh Trung 1 (quận Thủ Đức), từ lâu đã có tên trong danh sách “điểm đen giao thông” của thành phố. Xóa “điểm đen” này không những là nhu cầu bức bách của địa phương, mà còn là mong muốn của hàng ngàn công nhân làm việc tại đây. Chính vì vậy, năm 2008 Khu quản lý Giao thông Đô thị Số 2 đã được giao nhiệm vụ xây dựng hầm vượt trước Khu chế xuất Linh Trung 1, nhằm tạo một con đường băng qua Xa lộ an toàn cho người dân địa phương và công nhân.

Hiện nay đường dẫn vào hầm phía khu chế xuất cùng một nửa hầm đã xây gần xong. Tuy nhiên, phần đường dẫn còn lại phía đối diện cùng một nửa hầm nữa thì lại “giậm chân tại chỗ” vì thiếu tiền thi công tiếp và vướng giải tỏa. Ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu quản lý Giao thông Đô thị Số 2 lo lắng nói: “Nếu không có thêm khoảng 17,6 tỷ đồng nữa thì công trình khó hoàn thành đúng kế hoạch”.

Cầu Nguyễn Văn Cừ, một trong những công trình giao thông trọng điểm của thành phố vừa mới được thông xe nhân dịp 30-4-2009, cũng đang thiếu vốn cho việc hoàn thành những hạng mục cuối cùng như đường gom 2 bên cầu, hệ thống chiếu sáng, kẻ vạch sơn… Một trong những nhà thầu của công trình, ông Đỗ Đình Thám, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty Xây dựng cầu 75 cho biết, thành phố còn nợ khoảng 7 tỷ đồng và điều này đang làm cho công ty  gặp nhiều khó khăn, vì phần lớn số tiền đó đều là tiền đi vay ngân hàng hoặc tiền mua vật tư chưa trả cho nhà cung cấp.

Xung quanh cầu Nguyễn Văn Cừ, còn một vấn đề nữa cần lưu tâm. Đó là, đường Bến Vân Đồn, kết nối vào cầu lại nhỏ hẹp. Theo ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu quản lý Giao thông Đô thị Số 1 - đơn vị thay mặt Sở Giao thông Vận tải làm công tác quản lý giao thông trong khu vực, nếu dự án cải tạo nâng cấp đường Bến Vân Đồn không được cấp vốn cho triển khai sớm, thì cầu Nguyễn Văn Cừ sẽ không phát huy hết hiệu quả. Thậm chí, dòng xe từ cầu Nguyễn Văn Cừ đổ dốc xuống đường Bến Vân Đồn sẽ bị tắc “cổ chai” ở ngay tại đây.

Cầu Thủ Thiêm, một công trình giao thông trọng điểm khác của thành phố cũng đang thiếu khoảng 40 tỷ đồng cho các hạng mục nút giao thông và hầm chui. Khu quản lý Giao thông Đô thị Số 1 cho biết, ngày 1-6-2009 vừa qua, UBND TPHCM đã phải họp khẩn để giải quyết vốn cho công trình này. Trước mắt, thành phố cho phép ứng trước khoảng 35 tỷ đồng cho nhà thầu.

  • Kế hoạch xây dựng nhiềunăm trước cũng... thiếu vốn

Điển hình trong trường hợp này là cầu Kinh cây cầu duy nhất đi vào bán đảo Thanh Đa (Bình Thạnh). Đây là cây cầu đã đến tuổi “cổ lai hy”, trọng tải chỉ có 13 tấn, sắp sập, mố, trụ cầu và dầm cầu đều đã nứt cần phải thay gấp. Khu quản lý Giao thông Đô thị Số 1, đơn vị quản lý địa bàn này cho biết, kế hoạch cải tạo, nâng cấp cầu đã có từ nhiều năm trước, nhưng vốn không được bố trí nên không thể triển khai thực hiện.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh, một trục đường giao thông có tính huyết mạnh trong việc giao lưu hàng hóa giữa các cảng biển của thành phố với khu vực Đông Nam bộ, miền Trung và miền Bắc, đã xuống cấp từ nhiều năm nay và ngành giao thông cũng đã có kế hoạch sửa chữa từ lâu nhưng vẫn chưa được bố trí vốn. Theo Sở Giao thông Vận tải, nếu đường Nguyễn Hữu Cảnh không được triển khai sửa chữa sớm thì cầu Thủ Thiêm hoàn thành sẽ không phát huy hết tác dụng. Chúng sẽ tương tự như tình trạng của cầu Nguyễn Văn Cừ và đường Bến Vân Đồn: cầu to, đẹp nhưng đường kết nối thì xuống cấp, có nguy cơ làm ách tắc giao thông.

Nút giao thông nối khu vực Đại học Quốc gia với Xa lộ Hà Nội đã được kiến nghị xây dựng từ rất lâu nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho sinh viên tại đây, cũng chưa có vốn xây dựng. Ban An toàn Giao thông TPHCM rất lo lắng về vấn đề này, bởi lượng xe lưu thông qua Xa lộ Hà Nội đang ngày một tăng, tạo ra những nguy cơ về tai nạn giao thông rất lớn cho khu vực.

Cũng trên Xa lộ Hà Nội, đoạn gần cầu Sài Gòn có một đoạn đường chỉ dài khoảng 600m rất nhỏ, đã xuống cấp, mà từ nhiều năm nay vẫn không có vốn xây dựng và cải tạo mới. Người dân ở đây đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng không có vốn nên ngành chức năng cũng không thể làm gì được. Khu quản lý Giao thông Đô thị Số 2 phụ trách khu vực này cho biết, tại đây hầu như ngày nào cũng kẹt xe và người dân rất bức xúc.

Tất nhiên, danh sách các công trình giao thông trọng điểm và cấp bách thiếu vốn không dừng lại ở đây. Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, toàn thành phố có đến 37 công trình giao thông thuộc loại này. Theo Sở Giao thông Vận tải, nếu không được bố trí vốn kịp thời thì công tác đầu tư xây dựng các công trình giao thông vận tải của thành phố sẽ gặp rất nhiều khó khăn, tình hình trật tự an toàn giao thông của thành phố sẽ không được cải thiện. Chưa hết, công trình thi công dở dang hay công trình đã thi công xong, nhưng thiếu các công trình khác kết nối đều là lãng phí tài sản của xã hội

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục