Nhà máy nước Kênh Đông - Có nước, thiếu ống

Hệ thống tuyến ống liên tục “bị” điều chỉnh
Nhà máy nước Kênh Đông - Có nước, thiếu ống

Dự án Nhà máy nước Kênh Đông tại ấp Thượng, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM với công suất 200.000m³/ngày đêm đã tiêu tốn cả ngàn tỷ đồng để xây dựng nhà máy, hồ chứa nước, lắp đặt hệ thống vận hành… Nhưng đến nay, sau hơn 2 năm trễ hẹn, nước sạch từ Nhà máy nước Kênh Đông vẫn chưa thể đến được với người dân vì thiếu đường ống dẫn. Nguyên nhân vì sao?

Các đại biểu HĐND TPHCM thị sát tiến độ xây dựng Nhà máy nước Kênh Đông.

Các đại biểu HĐND TPHCM thị sát tiến độ xây dựng Nhà máy nước Kênh Đông.

Hệ thống tuyến ống liên tục “bị” điều chỉnh

Dự án xây dựng Nhà máy nước Kênh Đông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2004 với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Thế nhưng, trong quá trình triển khai có nhiều chỉ đạo không nhất quán của các cơ quan chức năng, dẫn đến hệ thống tuyến ống dẫn nước sạch của nhà máy liên tục bị điều chỉnh.

Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TPHCM vừa qua, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Kênh Đông (chủ đầu tư dự án) Hà Văn Sang cho biết: Theo thiết kế ban đầu, tuyến ống dẫn nước sạch dài 8km sẽ đi theo hướng từ Nhà máy nước Kênh Đông (huyện Củ Chi) chạy dọc dưới mặt đường Tam Tân (kênh Thầy Cai) về Nhà máy nước Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) để hòa vào mạng lưới đường ống dẫn nước của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn.

Thiết kế này đã được Bộ Xây dựng thẩm định và phê duyệt tháng 6-2005, đồng thời cũng được sự chấp thuận của UBND huyện Củ Chi. Thế nhưng, khi dự án lắp đặt tuyến ống dẫn nước sắp triển khai thì UBND huyện Củ Chi ra thông báo tạm ngưng thực hiện dự án nâng cấp đường Tam Tân vì kênh Thầy Cai sẽ được mở rộng theo quy hoạch…

Thông báo này đồng nghĩa với việc tuyến ống dẫn nước 8km trên đường Tam Tân không thực hiện được. Công ty cổ phần Cấp nước Kênh Đông đã phải điều chỉnh lại hướng tuyến ống dẫn nước. Theo đó, sẽ có khoảng 1,8km đường ống đi qua phần đất của Ban quản lý khu đô thị Tây Bắc, nối vào đường D4 của Khu công nghiệp Tân Phú Trung. Chủ đầu tư Nhà máy nước Kênh Đông đã có văn bản thỏa thuận với các đơn vị liên quan như Ban quản lý khu đô thị Tây Bắc, UBND huyện Củ Chi, Khu Quản lý giao thông đô thị số 3… để tiến hành lắp đặt 1,8km đường ống dẫn nước này.

Thế rồi, tháng 7-2007, Ban quản lý khu đô thị Tây Bắc thông báo cần phải di dời 1,8km tuyến ống trên vì trùng dự án phát triển sân golf, mặc dù dự án này có sau dự án Nhà máy nước Kênh Đông. Công ty cổ phần Cấp nước Kênh Đông lại tiếp tục mất thêm 6 tháng, tốn hàng tỷ đồng để thực hiện khảo sát thiết kế lại hướng đi của tuyến ống dẫn nước. Hướng tuyến mới sẽ được điều chỉnh đi dọc theo ranh sân golf để nối vào đường D4. Phương án điều chỉnh lần này đã được Bộ Xây dựng và Phó Chủ tịch UBND TPHCM lúc bấy giờ là ông Nguyễn Hữu Tín chấp thuận.

Trong khi việc di dời, lắp đặt đường ống dẫn nước theo hướng điều chỉnh lần thứ 3 chưa được triển khai, thì tháng 3-2008 Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM tham mưu cho UBND TP 3 phương án về hướng tuyến ống dẫn nước của Nhà máy nước Kênh Đông, trong đó có phương án đưa toàn bộ tuyến ống ra khỏi khu công nghiệp. Trên cơ sở đó, tháng 6-2008, Văn phòng UBND TP có công văn truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND TP là “không để tuyến ống cấp nước đi trên đường D4 trong Khu công nghiệp Tân Phú Trung”…

Thiếu nước sạch, người dân huyện Nhà Bè phải mua nước từ các xe bồn. Ảnh: Đức Trí

Thiếu nước sạch, người dân huyện Nhà Bè phải mua nước từ các xe bồn. Ảnh: Đức Trí

Tiếp tục trễ hẹn... thêm 2 năm nữa?

Công ty cổ phần Cấp nước Kênh Đông cho biết, hiện nay hạng mục hồ chứa nước 1,25 triệu m³ đã hoàn thành hơn 95%, theo kế hoạch nhà máy xử lý nước sẽ hoàn thành vào cuối năm 2009 để vận hành cấp phát nước sạch với công suất 200.000m³/ngày đêm… Thế nhưng, hệ thống tuyến ống chính dẫn nước sạch từ nhà máy dài hơn 8km đang bị điều chỉnh và cũng chưa biết khi nào triển khai xong. Do đó, nguy cơ Nhà máy nước Kênh Đông xây dựng xong nhưng chưa biết khi nào có thể phát nước sạch đến người dân.

Theo chủ đầu tư, nếu theo phương án đưa toàn bộ tuyến ống dẫn nước ra khỏi Khu công nghiệp Tân Phú Trung (do Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM tham mưu cho UBND TP) thì phải khảo sát thiết kế lại toàn bộ 8km tuyến ống dẫn nước trên địa bàn huyện Củ Chi. Việc thay đổi hướng tuyến sẽ làm chiều dài, các đoạn gãy khúc của tuyến ống tăng lên, phải mua lại máy bơm, dây chuyền công nghệ và điều chỉnh cao trình của nhà máy.

Hơn nữa, muốn đưa tuyến ống ra khỏi khu công nghiệp phải giải tỏa nhiều nhà, vườn của các hộ dân… Để khắc phục những phát sinh do thay đổi hướng đi của tuyến ống dẫn nước, chủ đầu tư phải mất ít nhất 2 năm nữa mới có đủ điều kiện cho dự án triển khai và hoàn thành.

“Dự án Nhà máy nước Kênh Đông được phê duyệt và thực hiện theo đúng trình tự thủ tục pháp lý và có trước các dự án trong Khu công nghiệp Tân Phú Trung. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho TP thu hút đầu tư vào khu công nghiệp nên công ty đã chịu thiệt qua nhiều lần điều chỉnh. Nhưng nếu phải tiếp tục điều chỉnh thêm một lần nữa thì dự án này có nguy cơ phá sản, bởi hiện nay công ty phải trả lãi vay cho ngân hàng 2 tỷ đồng/tháng và có thể sẽ tăng lên 5 tỷ đồng/tháng vào cuối năm 2009. Nếu dự án kéo dài thêm 2 năm thì tiền lãi phát sinh hơn 120 tỷ đồng. Do đó, công ty tiếp tục có văn bản kiến nghị UBND TP chấp thuận theo phương án điều chỉnh tuyến ống dẫn nước lần 2 để dự án sớm được triển khai đồng bộ”, ông Sang cho biết.

Lê Long

Tin cùng chuyên mục