Bão vào đất liền nhanh hơn dự báo

Bão vào đất liền nhanh hơn dự báo

* Quảng Ngãi: Vỡ đê quay thượng hồ Nước Trong

(SGGP).- Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, đêm qua (11-9), cơn bão số 7 đã đi vào địa phận của các tỉnh Nam Định-Thanh Hóa, trong đó tâm bão nằm ở khu vực Bắc Thanh Hóa và một phần tỉnh Ninh Bình.

Tuy nhiên, sau khi đi vào đất liền, bão đã giảm nhanh cường độ và trong hôm nay,12-9, trên đường đi lên biên giới Việt-Lào, bão sẽ suy yếu thành vùng áp thấp, tiếp tục gây mưa lớn trên diện rộng ở đồng bằng Bắc bộ và Trung bộ.

Sạt lở đê quay hồ Nước Trong

Sạt lở đê quay hồ Nước Trong


Trong khi trước đó, tại cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, nhận định rằng phải chiều 12-9, bão mới tràn vào đất liền. Như vậy, cơn bão số 7 đã đi nhanh hơn dự báo trước đó khoảng 1 ngày.

Nhận định về diễn biến mới, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho rằng, sau khi bão đi qua đảo Hải Nam (Trung Quốc), cường độ của nó không giảm mà còn mạnh hơn, có lúc đạt tới vận tốc 25km/giờ, trong khi trước đó chỉ là 15-20km, nên bão đã vào đất liền sớm hơn cả dự tính.

Do ảnh hưởng của bão, từ chiều qua, ở đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã bắt đầu có mưa vừa, vùng ven biển có mưa to và rất to. Ở một số khu vực như Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình có lượng mưa ước lên tới 200-300mm.

Theo Ban chỉ huy PCLB Hải Phòng, trong mưa lớn, các lực lượng đã kêu gọi được hơn 3.000 phương tiện tàu thuyền vào trú tránh bão an toàn. Hải Phòng cũng huy động 43.300 người, 35 xe ô tô tải, 28 tàu và xuồng cao tốc thường trực chủ động hộ đê, phòng chống lụt bão và thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn. Khu du lịch đảo Cát Bà-Cát Hải cũng đã dừng đưa đón khách ra vào vì có gió lớn. Từ trưa qua, ở khu vực vịnh Bắc bộ đã có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10, biển động mạnh.

Còn ở Ninh Bình, từ sáng sớm qua, lãnh đạo địa phương và các cơ quan chức năng đã tập trung chỉ đạo bà con khẩn trương xuống đồng thu hoạch lúa mùa đã chín. Đến chiều qua, bà con ở đây đã thu hoạch xong 400ha lúa. Để chống úng cho các diện tích còn lại, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thủy nông mở 69 cống tiêu thoát nước để tiêu kiệt lượng nước đệm và chuẩn bị hàng trăm máy bơm dã chiến sẵn sàng tiêu úng. UBND huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cũng đã yêu cầu đưa hơn 400 người dân thu hoạch và nuôi cua ngao ở ngoài vùng bãi nổi về đất liền. UBND tỉnh cũng đã triển khai công việc cho các đơn vị đảm bảo an toàn các tuyến đê hữu sông Vạc, khẩn trương hàn khẩu đê Bình Minh 3, đóng cọc rải bạt chắn sóng tại tràn Gia Lạc (nơi năm ngoái nước lũ từ sông Hoàng Long đã tràn vào khu dân cư), đề phòng lũ sông Hoàng Long lên lại khi mưa lớn.

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cũng cho biết thêm, trong ngày hôm nay,12-9, do vùng áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 7 tan ngay trên địa phận biên giới Việt-Lào nên sẽ gây hoàn lưu mưa cho hai khu vực là phía Tây của các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và khu vực Nam đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt, khu vực phía Tây các tỉnh ở Bắc Trung bộ và tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên phải chủ động đề phòng mưa lớn gây ra lũ quét, sạt lở núi.

* Ngày 11-9, BQL dự án hồ chứa Nước Trong (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: đê quay thượng công trình đầu mối hồ Nước Trong bị vỡ, nước lũ phá vỡ luôn đê quay hạ, cuốn trôi nhiều thiết bị đang thi công, gây thiệt hại hơn 4,3 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Đồng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng 47 - đơn vị thi công phần đập dâng công trình hồ Nước Trong cho biết, thiệt hại do thiên nhiên gây ra đã làm chậm tiến độ thi công từ 3 tháng đến 4 tháng. Do phần đê quay đã bị vỡ nên không thể thi công phía bờ Bắc, nếu thời tiết thuận lợi thì hơn 1 tháng rưỡi nữa mới tập kết được phương tiện cơ giới qua bờ Bắc để thi công.

Được biết, dự án hồ chứa nước Nước Trong có tổng diện tích 460km², diện tích mặt hồ gần 12km², dung tích chứa được gần 300 triệu m³ nước, có tổng vốn đầu tư gần 1.900 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự kiến dự án hồ chứa nước Nước Trong sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2011.

Đến chiều tối 11-9, các địa phương của tỉnh Nghệ An như Cửa Lò, Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu đã kêu gọi được 4.473 tàu thuyền với trên 18.650 lao động về nơi trú tránh bão an toàn, riêng huyện Quỳnh Lưu còn 9 thuyền đang trên đường vào bờ và vẫn giữ được liên lạc bình thường.

P.HẬU - A.VINH - H.MINH - D.CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục