“Siêu bão” hướng thẳng miền Trung

(SGGP).- Hiện nay, bão số 9 đang tiến sát bờ với cường độ “siêu bão”. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hôm nay (28-9), bão số 9 sẽ di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn tiếp tục mạnh thêm 1 cấp, có thể đạt cấp 12, 13 và có gió giật cấp 14, 15.
“Siêu bão” hướng thẳng miền Trung

(SGGP).- Hiện nay, bão số 9 đang tiến sát bờ với cường độ “siêu bão”. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hôm nay (28-9), bão số 9 sẽ di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn tiếp tục mạnh thêm 1 cấp, có thể đạt cấp 12, 13 và có gió giật cấp 14, 15. 

Theo Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, tính đến hôm qua (27-9), mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 9 trên địa bàn các tỉnh miền Trung đã làm ít nhất 17 người chết và 6 người mất tích, gần 10.000 nhà bị ngập, tốc mái, hư hỏng cùng với 30.000m³ đất đá bị sạt lở, làm ngập gần 9.000ha lúa và hoa. 

Do ảnh hưởng của bão, ngay từ sáng nay (28-9), vùng biển Bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) sẽ có gió mạnh cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, giật cấp 14, cấp 15, biển động dữ dội. Từ hôm nay, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

Theo nhận định, bão có thể đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Trị đến Đà Nẵng. 

Để chủ động đối phó với “siêu bão” với cường độ lớn và hướng di chuyển phức tạp, ngày 27-9, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương nằm trong tầm ảnh của bão số 9. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị tiếp tục khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục lại các cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, phục hồi sản xuất, tổ chức động viên thăm hỏi và hỗ trợ các gia đình có người bị chết, bị thiệt hại, sớm ổn định đời sống nhân dân. UBND các tỉnh Bắc Trung bộ và Bắc bộ trong 2 ngày tới tạm hoãn các cuộc hội họp chưa cần thiết, huy động lực lượng khẩn trương thu hoạch các trà lúa chín cho nhân dân. Đồng thời, chủ động di dời những hộ dân đang sinh sống trong vùng nguy hiểm do lũ quét, sạt lở đất và vùng thường xuyên bị ngập đến nơi an toàn, hướng dẫn nhân dân trong vùng có nguy cơ bị chia cắt do mưa lũ dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm thiết yếu, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với tình huống bị mưa lũ, bão chia cắt dài ngày...

Sơ đồ đường đi bão số 9.

Sơ đồ đường đi bão số 9.

Cũng trong ngày hôm qua, 27-9, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương lại ra thêm một công điện khẩn gửi tất cả các địa phương từ  Thanh Hóa đến Quảng Ngãi yêu cầu nhanh chóng tổ chức chằng chống nhà cửa cho dân, lên phương án sẵn sàng sơ tán dân ra khỏi những vùng ven biển, ven sông suối, những nhà yếu có nguy cơ bị đổ; Bộ NN-PTNT thành lập ngay đoàn công tác vào các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế; Bộ Quốc phòng thành lập đoàn vào các tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh để phối hợp với các địa phương kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão số 9. 

Ngư dân phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng khẩn trương đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão. Ảnh chụp chiều 27-9. Ảnh: Nguyên Khôi

Ngư dân phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng khẩn trương đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão. Ảnh chụp chiều 27-9. Ảnh: Nguyên Khôi

Cùng ngày, Bộ TT-TT có Công điện số 08 gửi Sở TT-TT các địa phương và các doanh nghiệp BC-VT yêu cầu khẩn trương triển khai ngay công tác đảm bảo tuyệt đối an toàn thông tin liên lạc của lãnh đạo cấp ủy, UBND và Ban Chỉ huy PCLB các cấp phục vụ sự chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống cơn bão số 9. Đặc biệt tăng cường thông tin liên lạc (bằng các phương thức cố định, di động, vô tuyến sóng ngắn và vệ tinh) và thiết bị dự phòng để đáp ứng thông tin liên lạc cho công tác chỉ đạo điều hành phòng chống cơn bão số 9.

P.HẬU - T.BÌNH


Hơn 4.000 tàu thuyền còn trên biển

Tin từ Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên, cho biết: tính đến chiều 27-9, các địa phương ở miền Trung đã kêu gọi được trên 2.000 tàu thuyền vào trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 4.242 tàu với 30.932 lao động hoạt động trên biển. Điều đáng quan tâm là hiện có 23 tàu với 326 lao động của Quảng Ngãi đang hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa khó có khả năng chạy vào bờ kịp; 23 tàu với 372 lao động của Đà Nẵng cũng hoạt động quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa.  Ngư dân các tỉnh Bắc Trung bộ từ Thừa Thiên-Huế trở ra Nghệ An hầu hết đã tìm được chỗ trú ẩn.

Khẩn trương phòng chống bão

Trước diễn biến phức tạp của bão số 9, ngay trong ngày 27-9, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang quân khu chuẩn bị các trang thiết bị y tế, lương thực, thuốc men…. Chủ động chèn chống hệ thống nhà cửa, kho tàng, bến bãi... ở những nơi trọng yếu bão lũ. Vùng C Hải quân tổ chức bắn pháo hiệu báo bão và huy động 400 cán bộ chiến sĩ cùng 17 xe ô tô, hàng chục nhà bạt, 200 áo phao sẵn sàng ứng cứu vùng bão lũ. Đoàn Phòng không B75 cũng huy động 450 cán bộ chiến sĩ cùng 3 ca nô, 20 xe tải, xe con, 50 nhà bạt, gần 300 áo phao và phao cứu sinh sẵn sàng ứng cứu.

UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo cho chủ tịch UBND các huyện ven biển sơ tán khẩn cấp 86.928 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước 6 giờ đồng hồ khi bão đổ bộ vào đất liền với sức gió cấp 10. Nếu bão trên cấp 11, sẽ di chuyển 178.278 người dân tại các vùng ven biển và vùng ven sông có nguy cơ sạt lở và lũ quét.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế bố trí 4 tàu tuần tra gồm 2 chiếc 1.100CV và 2 chiếc 345CV, chịu trách nhiệm tuần tra và ứng cứu tại khu vực phá Tam Giang- Cầu Hai và cụm cảng Chân Mây; phối hợp với lực lượng cứu nạn thuộc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II, Vùng 3 Hải Quân. CSGT đường thủy đã chuẩn bị 16 phương tiện cứu hộ gồm ca nô, tàu thủy và 25 chiến sĩ, sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra tình huống xấu đối với tất cả các phương tiện đang hoạt động trên sông Hương. Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã huy động tối đa lực lượng ràng chống, gia cố bằng gỗ chắc tại các di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế để hạn chế tối đa thiệt hại khi bão số 9 gây mưa to, gió lớn.

UBND tỉnh Quảng Trị đã có công điện khẩn yêu cầu lãnh đạo huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng…..thành phố Đông Hà có kế hoạch di dời dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở đất, vùng ngập sâu, vùng ảnh hưởng lớn của bão thì cho học sinh nghỉ học. Các địa phương phải chuẩn lương thực dự trữ đủ ăn trong 10 ngày.

Đại tá Nguyễn Quốc Trị, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự Quảng Bình cho biết, ngay trong ngày 27-9 đã điều chuyển 3 ca nô cứu hộ án ngữ tại các huyện trọng yếu của mưa lũ như Lệ Thủy, Quảng Trạch, Tuyên Hóa nhằm giúp dân khi lũ lên.

Tại Hà Tĩnh, duy nhất tàu của ông Nguyễn Văn Mão, trú tại xã Thạch Kim, mang số ký hiệu HT 2035 TS, trên tàu có 7 thuyền viên đi đánh bắt cá ngoài khơi từ sáng ngày 23-9 đến nay đã mất liên lạc hoàn toàn.

Đến chiều tối 27-9, Nghệ An đã kêu gọi được hầu hết tàu thuyền về tránh trú bão, chỉ còn 18 phương tiện với 162 lao động đang còn hoạt động trên biển. Các phương tiện này đã được liên lạc và hướng dẫn vào trú tránh tại Hải Phòng, đảo Hòn Mê (Thanh Hóa), đảo Mắt, đảo Ngư (Nghệ An).

Tiếp tục khắc phục lũ

Hiện tại, một số vùng như huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) vẫn ngập trong lũ do nước sông Ngàn Sâu dâng cao vượt báo động 2, ít nhất 4.500 hộ dân ở các xã Đức Quang, Đức Lĩnh, Ân Phú, Đức Hương, Đức Bồng, Hương Quang, Hương Điền, Hương Thọ thuộc huyện Vũ Quang đang bị cô lập hoàn toàn trong nước lũ.

Để hỗ trợ dân, lực lượng quân đội, công an và bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cùng với lực lượng cứu hộ của huyện Vũ Quang đang triển khai đưa lương thực, thực phẩm vào các xã bị cô lập.

Tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, trong khi đi qua đập tràn tại xã Thanh Tùng, 3 cán bộ của Công ty Viễn thông quân đội-Viettel bị nước cuốn trôi. 2 người được người dân cứu sống, riêng anh Phan Văn Đính (26 tuổi, quê Thanh Giang, Thanh Chương, Nghệ An) bị mất tích vẫn chưa tìm thấy thi thể. Như vậy trong đợt mưa lũ vừa qua, Nghệ An có 7 người chết và 2 người mất tích. Thiệt hại về vật chất ước tính ban đầu trên 66 tỷ đồng.

Trong ngày 27-9, 9 xã của huyện miền núi Vũ Quang và 3 xã thuộc huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh trước đó bị nước lũ cô lập hoàn toàn, nước đã rút nên chính quyền và nhân dân các xã này đã tập trung khắc phục hậu quả lũ và đang sẵn sàng đối phó với cơn bão mới.

Lũ tại Quảng Bình chưa rút nhưng người dân đã phải lo chống bão.

Lũ tại Quảng Bình chưa rút nhưng người dân đã phải lo chống bão.


Tính đến ngày 27-9, tại Quảng Bình có thêm 2 người chết, một người đàn ông ở xã Quảng Xuân (Quảng Trạch) trong lúc ra bờ biển xem tàu có được neo chặt không đã đột quỵ khi thấy tàu bị sóng cuốn trôi. Một nạn nhân khác ở xã Vạn Ninh 39 tuổi khi đi đánh cá, bị lật thuyền gây tử vong do không biết bơi đã nâng số người chết tại địa phương này lên 4 người.

Đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa bị lũ chia cắt hoàn toàn trong 5 ngày qua, huyện Minh Hóa cùng Đồn Biên phòng 585 đã trợ cấp 5 tấn gạo giúp bà con chống đói. Lũ vẫn chưa rút hết khỏi các địa phương tại Quảng Bình nhưng các cấp chính quyền đã chỉ đạo nhân dân nước rút đến đâu khắc phục đến đó. Tổng thiệt hại tại Quảng Bình lên đến hơn 33 tỷ đồng.

Tối 27-9, UBND TP Đà Nẵng đã họp khẩn cấp để triển khai các phương án phòng chống bão số 9. Theo đại diện Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ, nhiều khả năng bão số 9 sẽ đổ bộ vào TP Đà Nẵng hoặc giữa TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên-Huế trong khuya ngày 29-9 đến sáng ngày 30-9. Khi bão đổ bộ vào đất liền với sức gió mạnh cấp 12, 13, giật cấp 14, 15 nên có sức tàn phá rất lớn, lớn hơn cả cơn bão Xangsane năm 2006. TP Đà Nẵng dự kiến phải di dời trên 25.000 hộ dân với khoảng 150.000 người tại các vùng sạt lở, khu vực ven biển, vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Tại cuộc họp, Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng cho biết hiện có 2 tàu đánh cá Đna 90051 và Đna 90082 với khoảng 15 lao động của ông Hồ Văn Tình (trú tổ 8, Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng) trong khi chạy vào đất liền để tránh bão thì gặp nạn. Tàu BP 081101 cùng 10 cán bộ, chiến sĩ được cử đi cứu nạn và chỉ có thể lai dắt được 1 tàu Đna 90051.

Nghệ An: Một trung úy cứu 2 người thoát khỏi lũ cuốn

Ngày 27-9, Ban Chỉ huy Đoàn kinh tế- Quốc phòng 4 (Quân khu 4) cho biết, đơn vị này đang hoàn chỉnh hồ sơ để đề nghị cấp trên khen thưởng đối với trung úy Vũ Đình Tân (đội viên Đội sản xuất 3) vì đã có hành động dũng cảm cứu người trong mưa lũ.

Vào khoảng 7 giờ 30 phút ngày 26-9, thầy Nguyễn Văn Hải và cô Nguyễn Thị Thủy (giáo viên Trường Tiểu học Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) trên đường từ trường về, khi qua đập tràn thuộc xã Nậm Càn đã bị nước lũ cuốn trôi.

Ngay khi phát hiện có người bị nạn, trung úy Tân đã lao xuống dòng nước xiết đưa được thầy Hải lên bờ, sau đó tiếp tục lao theo dòng nước và cứu được cô Thủy khi cô đã hoàn toàn kiệt sức. Đoàn kinh tế- Quốc phòng 4 đã phát động cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị học tập và làm theo tấm gương của trung úy Tân.

D.CƯỜNG

NHÓM PV

Đường phố Marikina, phía Đông Manila ngập trong nước
Đường phố Marikina, phía Đông Manila ngập trong nước

Tin cùng chuyên mục