Triển khai ngay các biện pháp cấp bách đối phó với bão số 9

Ngày 28-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký

(SGGPO).-Ngày 28-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký Công điện khẩn số 1802/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai ngay các biện pháp cấp bách đối phó bão số 9, nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của cơn bão có sức gió giật tới cấp 14 dự báo đổ bộ vào đất liền trong trưa mai (29-9).

Nội dung Công điện số 1802 nêu rõ: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và các tỉnh Bắc Tây Nguyên chỉ đạo các ban ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp chỉ đạo các công việc như nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, hướng dẫn số tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm di chuyển tìm nơi tránh trú bão an toàn. Hoàn thành việc sơ tán dân trước 24 giờ đêm nay; hướng dẫn nhân dân chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, công sở, bệnh viện, trường học. Thực hiện triệt để việc di dời dân ra khởi vùng cửa sông, ven biển, vùng thường xuyên ngập sâu, cùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Cử người canh gác, nghiêm cấm việc đi lại qua các bến đò ngang và ngầm giao thông ngập sâu khi có bão, lũ, tránh xảy ra chết người do thiếu trách nhiệm, chủ động bố trí lương thực, thuốc men, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết tại các vùng thường xuyên bị chia cắt.

Các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam triển khai việc sơ tán dân hoàn thành trước 24 giờ ngày 28-9. Các cơ sở giáo dục cho học sinh nghỉ học trong 2 ngày 29 và 30-9. Thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương Theo Công điện khẩn, Ban Chỉ đạo tiền phương được thành lập, đặt tại TP Đà Nẵng để trực tiếp chỉ đạo các địa phương triển khai những biện pháp cấp bách đối phó với bão số 9.

Cũng trong sáng nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp khẩn với Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn bàn biện pháp đối phó bão.

* Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, vào 6h30 sáng nay, trên tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận có 31.286 tàu với 130.283 lao động đang hoạt động trên biển đã được thông báo, hướng dẫn về vị trí, diễn biến của bão số 9 để chủ động di chuyển phòng tránh.

* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 28/09, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 111,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển Thừa Thiên Huế- Quảng Nam khoảng 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15 và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và khu vực nam Vịnh Bắc Bộ.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển Bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), có gió mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Khu vực Nam vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.

Từ đêm nay (28-9), các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam gió sẽ mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Từ sáng sớm 29-9, các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kom Tum gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Các tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng. Vùng ven biển các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 5m.

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, khu vực giữa và Nam biển Đông, vùng biển các tỉnh Bình Thuận – Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh.

Đà Nẵng hối hả triển khai phòng chống bão số 9

(SGGPO). Mặc dù bão số 9 vẫn còn cách đất liền hàng trăm km, thế nhưng ngay từ tối qua đến sáng nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã có gió lớn kèm theo mưa to. Do lo lắng trước cơn bão được xem là mạnh hơn cả cơn bão Xangsane hồi năm 2006, ngay từ sáng sớm nay, người dân TP Đà Nẵng đã hối hả triển khai các biện pháp phòng chống bão số 9. 

Người dân quận Sơn Trà (Đà Nẵng) di chuyển đồ đạc phòng tránh bão số 9

Người dân quận Sơn Trà (Đà Nẵng) di chuyển đồ đạc phòng tránh bão số 9

Dọc theo tuyến đường ven biển Sơn Trà – Điện Ngọc, hàng trăm tàu thuyền của người dân đã được đưa lên bờ, để tránh bị sóng biển đánh chìm và cuốn trôi.

Ông Lê Quang Dũng, một ngư dân ở Thọ Quang, quận Sơn Trà, cho biết: “Không thể chủ quan được. Nghe tin đài, báo thông báo cơn bão ni lớn lắm nên cha con tui đã kéo được 2 chiếc thuyền công suất 20CV lên bờ an toàn rồi. Bây giờ chỉ còn lo chèn chống nhà cửa cho thật vững chắc nữa là xong”.

Cũng trong sáng 28/9, hàng trăm người dân đã đi lấy xà bần về chèn trên mái tôn. Các lực lượng thanh niên xung kích, quân đội, dân phòng… cũng được huy động giúp dân chèn chống nhà cửa. Người dân cũng mua thêm lương thực, thực phẩm cùng các nhu yếu phẩm khác để dự phòng trong thời gian mưa bão.

Một người dân Đà Nẵng mua cát để chèn mái nhà

Một người dân Đà Nẵng mua cát để chèn mái nhà

Ngay trong tối  27/9, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp nhằm triển khai các phương án phòng chống bão số 9. Chủ tịch UBND Tp Đà Nẵng, Trần Văn Minh, chỉ đạo: “Mọi công tác phòng chống bão phải hết sức khẩn trương. Mục tiêu đề ra là phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân”.

Sáng nay, cùng với các biện pháp hạn chế sự thiệt hại do bão có thể gây ra, các địa phương, các đơn vị, ngành chức năng ở Đà Nẵng đã rà soát tất cả các hộ dân sống dọc ven biển, các hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để có phương án di dời khẩn cấp khi bão mạnh đổ bộ vào đất liền. 

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, cũng trong sáng nay, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát giao thông đường thủy đã yêu cầu và bắt buộc tất cả các tàu thuyền neo đậu trên sông Hàn phải chạy vào trú bão tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà), nhằm đảm bảo an toàn khi bão lũ xuất hiện.

Theo Ban chỉ huy PCLB TP Đà Nẵng, 2 tàu đánh cá  Đna 90051 và Đna 90082 với khoảng 20 lao động của ông Hồ Văn Tình (trú tổ 8, Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng) bị nạn trên biển trong chiều hôm qua (27/9) đã được lai dắt vào bờ an toàn trong sáng nay.
 
Ban chỉ huy PCLB miền Trung – Tây Nguyên, cho biết, đến nay, hầu hết các tàu thuyền ở miền Trung đã vào bờ hoặc tìm được nơi trú ẩn an toàn.

* Nghệ An hiện có 4.482 phương tiện với 23.000 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Hiện còn 18 phương tiện với 162 lao động đang hoạt động trên biển. Các phương tiện này hiện đang giữ được liên lạc và đang trên đường vào nơi tránh trú bão.

Tỉnh Nghệ An triển khai nhanh các biện pháp ứng phó với cơn bão số 9. Tỉnh đang chuẩn bị lực lượng, phương tiện để sơ tán hàng trăm hộ dân thuộc các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Hưng Nguyên là những địa phương có nguy cơ lũ quét cao ra khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Bộ đội biên phòng Nghệ An huy động tàu thuyền của Hải đội 2 (đóng tại thị xã Cửa Lò) và các đồn biên phòng tuyến biển chuẩn bị sẵn tàu cao tốc để cứu hộ, cứu nạn các tàu có thể bị tai nạn trên vùng biển Nghệ An.

* Toàn bộ 2.177 tàu thuyền khai thác hải sản của tỉnh Quảng Trị đã vào nơi trú ẩn an toàn; trong đó vào trú ẩn an toàn trên địa bàn tỉnh là 2.091 tàu, và trú ẩn tại Cửa Hội (Nghệ An) 2 tàu với 17 thuyền viên, trú ẩn tại đảo Bạch Long Vĩ 6 tàu với 35 thuyền viên.

Các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Sở Giao thông-vận tải, Ngành Thuỷ sản, Sở Công thương và các huyện tích cực liên lạc với các tàu thuyền đánh bắt thuỷ sản và các phương tiện vận tải trên biển, trên sông, thông báo khẩn cấp tình hình bão số 9, cùng hướng dẫn và tạo điều kiện để các tàu thuyền cập bến và vào nơi trú ẩn an toàn.


Chiều 28-9, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức tổ chức sơ tán dân cư ở các vùng nguy hiểm thuộc 22 xã, thị trấn của 4 huyện ven biển là Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, và sơ tán 11 hộ với 113 người nơi vùng nguy hiểm huyện đảo Cồn Cỏ. Tỉnh giao cho các cơ quan chức năng tổ chức dự trữ 14.000 thùng mì ăn liền, 40 tấn gạo, 6.000 lít dầu hoả, để sẵn sàng cung ứng cho các địa phương khi có yêu cầu. Tỉnh cũng chỉ thị cho các ngành và các địa phương tạm hoãn tất cả các cuộc hội họp để tập trung chống bão số 9; tạm hoãn đến trường học đối với học sinh các cấp trong ngày bão đổ bộ vào Quảng Trị.

* Tỉnh Quảng Nam đang tập trung lực lượng để sơ tán khoảng trên 77 ngàn dân ở những vùng nguy hiểm thuộc các huyện Điện bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Núi Thành, thành phố Hội An và thành phố Tam kỳ đến nơi an toàn. Đồng thời, tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm và các hàng hoá thiết yếu khác đủ dùng trong 7 ngày đề phòng lụt bão kéo dài và bị cô lập, nhất là ở các huyện miền núi và đồng bằng ven biển.

Các lực lượng Quân đội, bộ đội Biên phòng của tỉnh đã điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, cùng các phương tiện tàu thuyền sẵn sàng ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Tỉnh cũng đã có phương án cho học sinh các trường nghỉ học bắt đầu từ ngày 29/9, đồng thời đình chỉ tất cả các bến dò ngang hoạt động trong thời điểm cơn bão số 9.

* Trưa 28-9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Xuân Huế có Công điện khẩn gửi các cơ quan, đơn vị trong tỉnh về việc phòng tránh, chủ động đối phó với diễn biến của bão số 9. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tạm hoãn các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung triển khai các phương án phòng chống bão số 9 và mưa, lũ do hoàn lưu bão số 9 gây ra. Nghiêm cấm tất cả các hoạt động trên sông khi nước lũ dâng cao; tổ chức cắm biển báo và phân công người canh gác 24/24 giờ tại các khu vực có nguy cơ nước chảy xiết, vùng ngập sâu đề phòng tai nạn xảy ra; hướng dẫn người qua lại ở các bến đò, ngầm, tràn để đảm bảo an toàn. Kiểm tra, rà soát, chằng chống nhà cửa; di dời ngay các hộ dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở đất, nứt núi, lũ quyét đến nơi an toàn. Đối với những vùng ngập sâu ở các lưu vực hạ lưu các sông phải chuẩn bị đầy đủ lực lượng hỗ trợ để khi nước dâng cao khẩn trương đưa dân đến nơi an toàn. Dự trữ lương thực tại những vùng xung yếu trong thời gian tối thiểu 15 ngày...

* Hãng Hàng không Vietnam Airlines cho hay hãng hủy toàn bộ các chuyến bay từ Hà Nội và TPHCM đến Huế và Đà Nẵng, từ trưa 28/9 đến hết ngày 29-9 do ảnh hưởng của bão số 9. Hãng cũng cho biết trong ngày 30/9 hãng sẽ bay trở lại nếu tình hình thời tiết ổn định, đồng thời dự kiến tăng chuyến để hỗ trợ hành khách bị kẹt bởi bão.

N.A- TTX- B.T.A - Nguyễn Hùng

Tin cùng chuyên mục