Miền Trung khẩn trương phòng chống lụt bão

Đêm nay, “siêu bão” số 9 đổ vào miền Trung

Cơn bão nguy hiểm
Đêm nay, “siêu bão” số 9 đổ vào miền Trung

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, có thể vào đêm nay (29-9), “siêu bão” số 9 sẽ tràn vào khu vực các tỉnh miền Trung, trong đó tâm bão sẽ nằm ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Đà Nẵng. Sáng qua (28-9), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc giao ban khẩn với Ban chỉ đạo PCLB Trung ương để chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương khẩn trương sơ tán dân ở những khu vực nguy hiểm, lên phương án ứng phó bão.

Người dân phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng khiêng tài sản chạy bão số 9. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Người dân phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng khiêng tài sản chạy bão số 9. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Cơn bão nguy hiểm

Theo nhận định, khi chạm đất liền “siêu bão” có thể đạt cấp 15. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho rằng, khoảng đêm nay (29-9) bão sẽ tràn vào đất liền, sau đó di chuyển nhanh lên khu vực biên giới Việt Lào vào sáng 30-9 với hướng không đổi. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bão không chỉ đối với đất liền mà cả khu vực ngoài khơi vẫn còn kéo dài tới tận ngày 1-10.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển Bắc và giữa biển Đông đang có gió mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, giật cấp 14, 15. Biển động dữ dội. Ở trong đất liền, bắt đầu từ đêm 28 và sáng 29-9, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam sẽ có gió mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12 và giật tới cấp 13, 14.

Đây là cơn bão có phạm vi ảnh hưởng rộng nên từ sáng sớm 29-9, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kon Tum cũng sẽ có gió mạnh lên cấp 8, giật cấp 9, 10.   

Đặc biệt, theo nhận định của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, sau khi áp sát đất liền, siêu bão số 9 sẽ gây mưa to đến rất to cho các tỉnh ở khắp miền Trung. Theo đó, một đợt lũ lớn sẽ xuất hiện trên các sông thuộc khu vực từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên.

Hiện tại, mực nước ở các sông từ Quảng Bình vào Quảng Ngãi đã bắt đầu lên khá nhanh. Do đó, cùng với sự nguy hiểm về sức gió khi “siêu bão” đạt cấp 15 thì mưa lớn sẽ gây lũ dữ cô lập nhiều khu vực, cuộc sống của người dân gặp vô cùng khó khăn.

Sơ tán dân khẩn cấp

Nhận định đây là một cơn bão nguy hiểm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu chính quyền các tỉnh nằm trong tâm điểm ảnh hưởng của bão và lũ trước đêm hôm qua phải khẩn trương sơ tán toàn bộ dân đang sinh sống ở vùng bãi ngang, ven biển, vùng đầm phá vào các khu vực an toàn ở sâu đất liền.

Còn đối với các tàu thuyền, Phó Thủ tướng yêu cầu một mặt phải đưa toàn bộ các tàu còn đang lai vãng trên biển khẩn trương vào bờ, sắp xếp đúng các vị trí an toàn, chằng buộc cẩn thận, nơi nào thuận lợi thì kéo lên bờ, những nơi không có âu thuyền, bến cảng thì phải đưa vào sâu trong các sông lạch, không được cột tàu thuyền ở cửa sông, cửa biển.

Mặt khác phải yêu cầu các chủ tàu thuyền, ngư dân lên bờ, không được ở lại tàu thuyền, chòi canh, lán trại nuôi trồng thủy sản. Các địa phương có công trình đang xây dựng, đặc biệt là các công trình đê biển, các hồ chứa nước lớn như: Cửa Đạt (Thanh Hóa), Tả Trạch (Thừa Thiên - Huế), cống Ba Nõn (Nam Định) phải kiểm tra dung tích nước, độ an toàn để không gây lũ cho vùng hạ du khi mưa lớn. Từ ngày 29-9, kiểm tra chặt chẽ các bến đò, yêu cầu tạm ngưng hoạt động để phòng tai nạn xảy ra do thiếu trách nhiệm.

Phúc Hậu

Lập Ban chỉ đạo tiền phương

Trước tình hình phức tạp của bão số 9, ngày 28-9, Thủ tướng tiếp tục có công điện khẩn chỉ đạo, các bộ, ngành, tỉnh, thành: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam triển khai việc sơ tán dân hoàn thành trước 24 giờ ngày 28-9. Các cơ sở giáo dục cho học sinh nghỉ học trong 2 ngày 29 và 30-9. Thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương đặt tại TP Đà Nẵng để trực tiếp chỉ đạo các địa phương triển khai những biện pháp cấp bách đối phó với bão số 9.

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và các tỉnh Bắc Tây Nguyên chỉ đạo các ban ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp chỉ đạo các công việc như nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, hướng dẫn số tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm di chuyển tìm nơi tránh trú bão an toàn. Hướng dẫn nhân dân chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, công sở, bệnh viện, trường học. Thực hiện triệt để việc di dời dân ra khỏi vùng cửa sông, ven biển, vùng thường xuyên ngập sâu, cùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

N.Hà


Quân và dân túc trực chống bão

(SGGP).- Chiều 28-9, tin từ Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên, cho biết: tính đến nay, hầu hết tàu thuyền ở các tỉnh, thành miền Trung đã tìm được nơi trú ẩn an toàn. Hiện chỉ còn khoảng 100 tàu tiếp tục chạy vào bờ. Đáng lo nhất hiện nay là bão số 9 càng tiến vào bờ càng mạnh.

Trong khi đó, do mưa lớn liên tục trong hơn một ngày qua đã làm cho lũ trên hầu hết các sông ở miền Trung (từ Quảng Trị đến Bình Định) đang lên nhanh. Theo nhận định của Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên, khi bão đổ bộ vào miền Trung kết hợp với lũ lớn sẽ gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương này.

Tại Quảng Bình, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã dẫn đầu đoàn công tác chính phủ đến thị sát tình hình phòng chống cơn bão số 9 tại huyện Bố Trạch. Quảng Bình có phương án di dời 17.000 người dân tại các điểm nguy hiểm đến nơi an toàn.

3 tàu chở hàng có trọng tải từ 700 tấn đến 2.500 tấn đi dọc biển Quảng Bình đã phát tín hiệu cứu hộ khi sóng biển quá to. Tại Vũng Chùa (Quảng Đông, Quảng Trạch) tàu Hải Đạt 18 chở 1.000 tấn xi măng yêu cầu Hải đội 2 của cảng Gianh ra ứng cứu 9 thuyền viên lên bờ do không tìm được nơi trú bão an toàn, hiện bộ đội biên phòng Quảng Bình đang tìm cách tiếp cận tàu.

Phụ nữ và trẻ em tại quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng được sơ tán đến nơi an toàn. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Phụ nữ và trẻ em tại quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng được sơ tán đến nơi an toàn. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Tại tỉnh Quảng Trị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cùng với đại diện UBQG tìm kiếm cứu nạn, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã trực tiếp về các địa phương trong tỉnh chỉ đạo các phương án phòng chống, bảo vệ tài sản và sơ tán dân. Quảng Trị sẽ thực hiện di dời, sơ tán khoảng 2.647hộ với 11.418 người bị ảnh hưởng trực tiếp đến nơi an toàn. Dự trữ 14.000 thùng mì ăn liền, 40 tấn gạo và 6.000 lít dầu hỏa sẵn sàng cung ứng cho các địa phương khi có yêu cầu.

Tại Hà Tĩnh, đến chiều 28-9, tại khu vực cầu phao số 0, Cảng Vũng Áng, huyện Kỳ Anh hiện có 3 tàu chở hàng đang bị hỏng máy chính chưa vào nơi trú ẩn an toàn, đang gặp nguy hiểm, gồm các tàu, Vinashin Inco27, trọng tải 4.039 tấn, chở 3.500 tấn phôi thép, trên tàu có 20 người; tàu Hải Xuân 169, trọng tải 1.973 tấn, chở 1.800 tấn than từ Quảng Ninh đi Long An, trên tàu có 15 người và tàu Thuận Phước 09, trọng tải 2.475 tấn, chở 2.231 tấn than đi Đà Nẵng, trên tàu có 9 người.

Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, Hải đội 2 Biên phòng đã hành quân về các địa điểm xung yếu được giao nhiệm vụ túc trực, chuẩn bị phương án đối phó ban đầu nếu xảy ra sự cố sạt lở, vỡ đập Hòa Duân (huyện Phú Vang); một tiểu đội giúp 700 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu tại thị trấn Thuận An di dời trước khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền.

Tại Đà Nẵng, từ chiều tối 28-9, Ban chỉ đạo tiền phương phòng chống cơn bão số 9 tại khu vực miền Trung đã chính thức đi vào hoạt động với sự có mặt của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về việc sơ tán nhân dân ra khỏi vùng gặp nguy hiểm, đã có khoảng 20.000 dân được sơ tán khẩn cấp từ 14 giờ đến 20 giờ ngày 28-9. 

Chiều 28-9, UBND quận Cẩm Lệ cho biết, anh Nguyễn Thanh Bê (20 tuổi), trú tổ 16 phường Hòa Thọ Tây, trong khi chằng chống nhà cửa, bất ngờ bị đường dây điện rò rỉ giật chết. Tối 28-9 TP Đà Nẵng thông báo ngừng quay cầu sông Hàn và tạm ngừng lưu thông cầu Thuận Phước, cây cầu dây võng dài nhất Việt Nam mới vừa khánh thành và đưa vào sử dụng vừa qua cho đến hết bão số 9.

Tại Quảng Nam, chiều 28-9, tại khu vực ven biển Cẩm An - Cửa Đại (Hội An) đã xuất hiện tình trạng biển bị xâm thực sâu vào bờ gây sạt lở hàng chục mét bờ biển, chính quyền địa phương phải đưa lực lượng dân quân, bộ đội và phương tiện gồm 3 xe cẩu, chục xe tải, 4 máy hút cát hàng ngàn bao tải và xe múc để tập trung chống sạt lở tại đây.

Tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đã có gió cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Các vùng ven biển gió đã mạnh dần lên, sóng cao từ 3-4m làm 31 tàu ở khu vực biển bãi ngang Phước Thiện (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) không di chuyển được, nguy cơ sóng lớn nhấn chìm là rất cao.

Hủy toàn bộ các chuyến bay đến miền Trung

Hôm qua, Hãng hàng không Quốc gia VN (Vietnam Airlines) thông báo hủy toàn bộ các chuyến bay từ TPHCM, Hà Nội đến Đà Nẵng và Huế từ trưa 28-9 đến hết ngày 29-9 do ảnh hưởng của bão số 9. Riêng các chuyến bay trên trục Hà Nội và TPHCM và quốc tế của hãng vẫn thực hiện bình thường.

Theo thống kê, mỗi ngày Vietnam Airlines có 32 chuyến bay từ TPHCM, Hà Nội tới Đà Nẵng, Huế và ngược lại. Trong đó chặng Hà Nội, TPHCM đi Đà Nẵng có 20 chuyến. 12 chuyến còn lại là TPHCM, Hà Nội tới Huế.

Vietnam Airlines cho hay hãng chỉ hủy chuyến bay từ trưa hôm qua tới hết ngày hôm nay (29-9). Trong ngày 30-9, hãng sẽ bay trở lại nếu tình hình thời tiết ổn định, đồng thời dự kiến tăng chuyến để hỗ trợ hành khách bị kẹt bởi bão. Hành khách có thể liên hệ với các phòng vé và đại lý của hãng để đặt chỗ trên các chuyến bay tiếp theo.

Phía  Jetstar Pacific Airlines cũng có thông báo hoãn 2 chuyến từ TPHCM đi Đà Nẵng và ngược lại. Được biết, mỗi ngày Jetstar Pacific Airlines có 8 chuyến bay từ TPHCM đi Đà Nẵng, 2 chuyến tới Huế và 4 chuyến bay từ Hà Nội tới Đà Nẵng và ngược lại.

T.Tuyết

Tin cùng chuyên mục