Mưa kết hợp triều cường tại TPHCM: Tắc đường, tắc cả sông

Nội ngoại thành đều ngập
Mưa kết hợp triều cường tại TPHCM: Tắc đường, tắc cả sông

Cơn mưa lớn kéo dài từ 15 giờ đến 19 giờ hôm qua 7-11 cùng với triều cường dâng cao khiến nhiều khu vực thuộc các quận 2, 5, 6, 7, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Thủ Đức... bị ngập sâu từ 0,3 - 0,5m.

Đường Hậu Giang (quận 6) bị ngập nặng sau cơn mưa chiều 7-11.

Đường Hậu Giang (quận 6) bị ngập nặng sau cơn mưa chiều 7-11.

Nội ngoại thành đều ngập

Hầu hết các tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nơ Trang Long, Văn Thánh, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Hữu Cảnh và các khu vực cầu Đỏ, chợ Bà Chiểu, Thanh Đa bị ngập sâu trong nước khiến sinh hoạt người dân trong những ngày vừa qua gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều phương tiện xe máy lưu thông trên các tuyến đường này đã bị chết máy, nhất là khu vực hẻm tại các phường 17, 19, 21, 22, 25, 28 (quận Bình Thạnh) do nước ngập sâu. Ghi nhận của chúng tôi, gần một tuần qua triều cường liên tục lên cao tại quận Bình Thạnh, nước lên từ 2 giờ sáng đến 7-8 giờ sáng mới rút, chiều lại lên, đến 23 giờ mới rút. Cuộc sống của người dân ở những khu vực này bị đảo lộn.

Mưa kết hợp triều cường tại TPHCM: Tắc đường, tắc cả sông ảnh 2

Khoảng 7 giờ 30 sáng nay 7 - 11, tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn trước cổng Bến xa Miền Đông) quận Bình Thạnh bị ngập sâu trong nước làm nhiều phương tiện lưu thông qua lại gặp khó khăn. Ảnh: Đ.Lý

Ngoài ra, trên một số tuyến đường như: Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ngô Tất Tố (Bình Thạnh), Kha Vạn Cân, Gò Dưa (Thủ Đức), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Lương Định Của (quận 2)… triều cường dâng cao cũng làm đường bị ngập sâu khiến nhiều phương tiện lưu thông trên các tuyến đường trên bị chết máy dắt bộ trên đường. 

Chiều 7-11, đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) trở thành biển nước khiến hàng đoàn xe container, xe máy, xe hơi nối đuôi nhau xếp hàng nhiều giờ liền. Giao thông trên đường này và toàn khu vực cầu Sài Gòn trở nên hỗn loạn do nhiều xe máy sợ “lội” vào biển nước nên chạy chung làn đường với xe ô tô, cùng với xe từ cầu Sài Gòn đổ về mỗi lúc một đông khiến giao thông tắc nghẽn. Hàng trăm phương tiện đứng yên một chỗ do không thể di chuyển. Trên lề, xe chết máy hàng loạt. Ùn tắc lan tới cầu Sài Gòn và các đường nhánh gần đó.

Tại các tuyến đường Lương Định Của, Nguyễn Duy Trinh ở quận 2; Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Thập của quận 7; đường Kha Vạn Cân; các phường Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh... của quận Thủ Đức cũng bị ngập nước.

Mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao chiều 7-11 khiến đường Thoại Ngọc Hầu (quận Tân Bình) ngập trong biển nước.

Mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao chiều 7-11 khiến đường Thoại Ngọc Hầu (quận Tân Bình) ngập trong biển nước.

Cùng chung cảnh ngộ trên, nhiều khu vực ở quận 5, 6, 11, Tân Bình…, các tuyến đường biến thành sông, nước nhấn chìm các phương tiện giao thông và tràn vào nhà dân. Bùng binh Đầm Sen, vòng xoay Phú Lâm như ngập trong biển nước.

Vừa đẩy xe vật lộn qua đoạn sông này, nhiều người quần áo ướt nhem vì mưa vẫn không ngớt phải tiếp tục đương đầu với những con sóng tại tuyến đường Lạc Long Quân, Lũy Bán Bích, Hồng Bàng. Xe gắn máy chỉ còn cách đẩy bộ, trong khi đó xe ô tô chết máy nằm la liệt.

“Tôi không thể tưởng tượng được cảnh này. Đường TP bây giờ không khác gì các khu vực ngập lụt ở miền Trung vừa qua, sóng đánh ầm ầm”, vừa lồm cồm dắt xe, anh Tùng vừa nói trong nỗi ấm ức vì không có cách nào thoát khu vực giao lộ Lạc Long Quân và Hàn Hải Nguyên (quận 11).

Tương tự anh Tùng, nhiều người khi đi bộ qua đường phải dắt tay nhau nếu không muốn bị… sóng đánh ngã. Gần đó, đường Lũy Bán Bích gần cầu Ông Buông cũng chịu cảnh tương tự.

Khu vực Bến xe Miền Đông tình hình không khá hơn, hàng loạt phương tiện đổ dồn từ Thủ Đức và Bình Dương về thành phố gây kẹt xe nghiêm trọng. Những trạm xăng ở tuyến này cũng bị nước “nuốt chửng” khiến việc mua bán phải dừng lại. Cảnh sát giao thông cũng đành bó tay. Tại những khu vực trên, nước ngập sâu gây nên ùn tắc nghiêm trọng dù lực lượng cảnh sát giao thông liên tục hướng dẫn lưu thông cho người dân.

Khoảng 100 sà lan bị mắc kẹt

Hơn 100 sà lan kẹt kéo dài từ Bình Dương về TPHCM.

Hơn 100 sà lan kẹt kéo dài từ Bình Dương về TPHCM.

Khoảng 7 giờ sáng 7-11, trên sông Sài Gòn (đoạn thượng và hạ lưu cầu Bình Lợi, giáp ranh quận Bình Thạnh và Thủ Đức, TPHCM), khoảng 100 chiếc sà lan chở cát, đá lưu thông từ hướng Bình Dương về TPHCM và ngược lại đã bị ùn tắc kéo dài nhiều giờ liền.

Theo ghi nhận, đến trưa nhiều chủ sà lan cố cho phương tiện lưu thông qua cầu nhưng khi đến gầm cầu thì bị mắc kẹt nên đành phải lùi lại gây ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng trên sông Sài Gòn. Đến 13 giờ cùng ngày, triều cường xuống các sà lan bắt đầu lưu thông qua cầu bình thường, tình trạng ùn tắc trên sông Sài Gòn mới vãn hồi trở lại.

 Nhiều chủ sà lan cho biết, nguyên nhân gây ra tình trạng kẹt sà lan tại khu vực trên là do vào sáng qua đỉnh triều cường dâng cao, trong khi độ tĩnh không của cầu Bình Lợi thấp nên các sà lan không thể lưu thông qua cầu Bình Lợi. Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, số lượng sà lan chở vật liệu xây dựng từ Bình Dương về TPHCM và ngược lại để phục vụ các công trình xây dựng là rất nhiều. Trong khi đó, mực nước đỉnh triều cường thường xuyên dâng cao và kéo dài nên khả năng xảy ra ùn tắc giao thông thủy trên sông Sài Gòn tại khu vực này là rất cao. 

Triều cường tràn qua bờ bao thuộc phường Thạnh Lộc (quận 12) gây ngập nhà và 200ha hoa màu, vườn mai kiểng của khoảng 50 hộ dân. Nhiều người dân cho biết, trong sáng 7-11, các đường nhỏ trong khu phố đều bị ngập tới 0,5m. Hai ngày trước đã xảy ra tràn bờ bao nên ai cũng ở tư thế sẵn sàng đối phó nhưng nước dâng cao và tràn quá nhanh làm mọi người không kịp trở tay. Tại hiện trường, nhiều điểm nước dâng cao khiến giao thông trong khu vực bị chia cắt. Với triều trường đạt đỉnh như những ngày qua, nguy cơ bể bờ bao ở quận 12 là khó tránh khỏi.

Theo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP, trong đợt triều cường vào ngày 5, 6 và 7-11 đã xuất hiện gần 30 điểm ngập, nhiều khu vực ngập trên 0,5m. Đỉnh triều xuất hiện ngày 6-11 tại trạm Phú An là 1,53m, ngày 7 đỉnh triều vượt mức báo động 3 với mức đỉnh là 1,56m và ngày 8 sẽ đạt đỉnh 1,58m tại trạm Phú An, mức đỉnh triều cao nhất trong hơn 50 năm qua.

 

Quốc Hùng – Đình Lý 

Đ.Lý

>> Cầu Bình Lợi gây tắc nghẽn giao thông đường thủy vì tĩnh không quá thấp 

Tin cùng chuyên mục