Hoa tiêu kể chuyện dắt hầm

Hoa tiêu kể chuyện dắt hầm

Đốt hầm thứ nhất của hầm Thủ Thiêm đã vào đúng vị trí, việc lai dắt thành công. Mặc dù thuê tàu Thái Lan lai dắt nhưng chịu trách nhiệm chính dẫn đường để đốt hầm “đi đến nơi về đến chốn” là hoa tiêu “lão làng” của TPHCM. Đó là ông Bùi Hồng Cánh (ảnh), Công ty Hoa tiêu khu vực 1, thuộc Cục Hàng hải Việt Nam.

Gặp lại sau ngày làm hoa tiêu chính lai dắt hầm Thủ Thiêm, trông ông Bùi Hồng Cánh thật phấn chấn. 30 năm trong nghề, ông thuộc lòng từng nhánh sông, dòng chảy, nước lớn nước ròng ở mảnh đất Sài Gòn, nhưng chưa bao giờ thấy căng thẳng và áp lực như vậy.

“Vinh dự vì được tham gia công trình trọng điểm của quốc gia, nhưng đó cũng là nhiệm vụ nặng nề. Bởi sự kiện này thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân TP nói riêng và cả nước nói chung, nên tôi mất ngủ, rất căng thẳng. Rồi bị sức ép về chuyên môn, vì lần đầu tiên lai dắt đốt hầm nặng 27.000 tấn, không có hình dạng thủy lực gì cả …” – ông Bùi Hồng Cánh tâm sự.

Bắt tay vào công việc, từng câu chuyện cụ thể buộc ông phải tính toán. Đầu tiên, đó là vị trí quan sát, nếu đứng trên bề mặt đốt hầm làm sao thấy đường chỉ huy? Nhưng khi đến bãi đúc, thấy vị trí chỉ huy hoa tiêu trên tháp cao 26m nằm trên đốt hầm, ông hoàn toàn an tâm, vì tầm nhìn rộng, thoáng, không khác gì khi ở trên cabin trên tàu lớn. Từ đây, ông Bùi Hồng Cánh bắt đầu chính thức vào vị trí, mọi sự tính toán đều phải chính xác. Việc xử lý đầu tiên của hoa tiêu chính, đó là con nước lớn hơn so với dự tính, khi kéo hầm ra khỏi bể đúc.

Đốt hầm dìm Thủ Thiêm đang được các hoa tiêu lai dắt vào vị trí.Ảnh: Cao Thăng
Đốt hầm dìm Thủ Thiêm đang được các hoa tiêu lai dắt vào vị trí.Ảnh: Cao Thăng

Kinh nghiệm cho thấy, nước lên mạnh sẽ khó đi, anh yêu cầu nhà thầu ra giữa sông đo lại cho chính xác. Kết quả trùng khớp, anh yêu cầu thời điểm xuất hành chậm lại để chờ nước êm hơn. Một lát sau, nhận thấy thời điểm thích hợp, đoàn lai dắt khởi hành. Sông Nhà Bè rộng, thuận lợi cho đoàn tàu nên đi nhanh.

Tuy nhiên, đến mũi Đèn Đỏ, khúc cua gấp, lòng sông hẹp lại cạn, do đó buộc tàu lai dắt thu bớt dây lại, giảm tốc độ. Nhưng đó là chuyện nhỏ, theo ông Bùi Hồng Cánh, khó khăn nhất vẫn là đoạn sông dọc cảng Bến Nghé. Lòng sông hẹp, dòng nước chảy ngược, khúc cua gấp rất dễ xảy ra các sự cố như đứt dây kéo, hoặc tăng tốc độ áp nước sẽ mạnh dẫn tới bể mặt chắn phía trước của đốt hầm.

“Đứt dây là sự cố ngán nhất. Đốt hầm có thể bị quay trên mặt nước, tàu ứng cứu rất chậm, sẽ dẫn đến hậu quả khó lường” – ông Bùi Hồng Cánh phân tích. Đó chính là lý do giải thích vì sao đây là đoạn đường đoàn lai dắt chạy rất chậm. Thế rồi, cuối cùng sự dự báo chính xác của hoa tiêu đã góp phần quan trọng đảm bảo đoàn lai dắt về đích an toàn.

Dù được nhiều lời chúc mừng nhưng rất khiêm tốn ông nói rằng, chỉ mới hoàn thành một phần tư công việc, vì 3 đốt hầm còn lại đang chờ phía trước…

Q. HÙNG - L. THIỆN

Thông tin liên quan:

>> Dìm an toàn đốt hầm đầu tiên

>> Hành trình lai dắt thành công đốt hầm 27.000 tấn

Tin cùng chuyên mục