Công trình hầm Thủ Thiêm: Ngày 5-6, dìm và kết nối đốt hầm cuối cùng

* Công trình đảm bảo chất lượng, uy tín
Công trình hầm Thủ Thiêm: Ngày 5-6, dìm và kết nối đốt hầm cuối cùng

* Công trình đảm bảo chất lượng, uy tín

(SGGPO).- Đúng 7 giờ ngày 4-6, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài bắn phát súng lệnh cũng là thời điểm đoàn tàu lai dắt đốt hầm cuối cùng từ khu vực bể đúc Nhơn Trạch (Đồng Nai) nhổ neo về vị trí dìm hầm Thủ Thiêm (gần bến tàu Mỹ Cảnh, quận 1, TPHCM) với chiều dài 22km.

Đúng 11 giờ 30 trưa, đốt hầm đã được đoàn tàu lai dắt kéo về đến khu vực lắp đặt và dìm hầm Thủ Thiêm. 15 giờ chiều cùng ngày, đốt hầm số 4 vào đúng vị trí dìm - nằm sát bên bến Nhà Rồng phía quận 1.

Đốt hầm khó khăn nhất

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban QLDA Đại lộ Đông Tây cho biết, quy trình dìm đốt số 4 khác xa với 3 đốt trước đây. Khoảng cách dịch chuyển để vào vị trí đốt hầm cuối cùng rất hẹp (khoảng cách 1,25m còn các đốt trước có khoảng cách không gian dịch chuyển rất rộng nằm ở khu vực giữa sông).

Trong quá trình dìm, một đầu đốt hầm số 4 sẽ được neo vào bờ phía quận 1 và đầu còn lại sẽ được neo vào 2 phao rùa dưới đáy sông. Khi dìm đốt hầm đi xuống lòng sông theo phương thẳng đứng, đến độ sâu an toàn sẽ được kéo sát vào đốt 3. Trong khi đó tốc độ dòng chảy mạnh nên việc dìm hầm khó khăn hơn nhiều. Mặt khác, việc lắp đặt mặt cắt ngang giữa đốt hầm số 4 vào đốt số 3 ở dưới đáy sông cũng hết sức phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao (sai số không vượt quá 10mm). Chỉ cần sơ sót nhỏ cũng có thể dẫn đến gãy ngàm kết nối giữa 2 đốt hầm. Thời gian kết nối giữa đốt hầm số 4 và số 3 mất khoảng 5 - 6 giờ đồng hồ.

Về phương án hợp long 4 đốt hầm (tức nối liền phần cuối đốt hầm số 4 với đầu hầm dẫn phía quận 1) bao gồm 24 bước với 4 giai đoạn chính (sẽ triển khai thực hiện từ nay đến tháng 9-2010). Cụ thể, lắp đặt hệ thống khuôn để đổ bê tông đoạn hợp long (khoảng cách 1,25m) nối liền đốt 4 vào đường hầm dẫn phía quận 1. Công đoạn này hoàn tất, đơn vị thi công tiến hành cắt các tấm thép bịt đầu hầm, nối thông toàn bộ đường hầm. Sau đó tiến hành lắp đặt các thiết bị cơ điện trong đường hầm.

Theo kế hoạch, 7 giờ sáng ngày 5-6, các lực lượng thi công thực hiện việc dìm đốt hầm số 4 nặng 27.000 tấn xuống vị trí sâu nhất trong lòng sông Sài Gòn. Công việc này dự kiến kéo dài đến 23 giờ cùng ngày.

Đồt hầm Thủ Thiêm số 4 đã được lai dắt an toàn về vị trí dìm. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Đồt hầm Thủ Thiêm số 4 đã được lai dắt an toàn về vị trí dìm. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Đảm bảo chất lượng, uy tín

Tại bể đúc Nhơn Trạch, Đồng Nai, trả lời báo chí về những vấn đề xoay quanh các vết nứt gây ẩm, thấm trong các đốt hầm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài cho biêt: Từ khi khởi động dự án này, thành phố xác định đây là công trình trọng điểm rất phức tạp về kỹ thuật. Vì thế, ngay từ lúc đầu TP theo dõi sát, bên cạnh sử dụng các chuyên gia, đặc biệt là Hội đồng Nghiệm thu nhà nước theo dõi những diễn biến của quá trình đúc cho đến công đoạn lai dắt và dìm hầm. Tất cả mọi vấn đề xảy ra, nằm trong quá trình trong công trình đang xây dựng, TP theo dõi quan trắc rất nghiêm túc và khoa học, không xem thường và cũng không quá cường điệu đối với vấn đề đang xảy ra.

Đến thời điểm này, theo các chuyên gia cũng như TP kiểm tra thực tế về các thông số kỹ thuật đều nằm trong phạm vi kỹ thuật cho phép. Vừa qua TP đã báo cáo chi tiết cho Hội đồng Nghiệm thu nhà nước và Chính phủ phối hợp theo dõi đánh giá và phân tích những diễn biến xảy ra. Như vậy đến thời điểm này mọi vấn đề đều nằm trong tầm kiểm soát.

Tại khu vực dìm và lắp đặt đốt hầm, trả lời Báo SGGP về chuyện “lùm xùm” xung quanh việc các vết nứt gây ẩm, thấm trong các đốt hầm làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình mà báo chí phản ánh trong thời gian qua, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho biết: Do việc dịch thuật một số từ chưa chuẩn xác, sau đó báo chí đăng tải làm dư luận hiểu nhầm, như chữ “thấm” mà dịch thành “dột” thì nghe rất là ghê gớm. Nhưng tôi đi kiểm tra thực tế thì không phải như vậy. Tất cả vấn đề kỹ thuật đều nằm trong tầm kiểm soát như chúng ta đã dự báo. Về mặt kỹ thuật chúng ta phải theo dõi chặt trong quá trình lắp đặt. Nhưng khi công trình hoàn thành còn phải tổng rà soát, quan trắc cả một quá trình vận hành tiếp theo.

Vấn đề này TP giao cho Ban Quản lý dự án họp báo và giải thích thêm cho anh em báo chí hiểu. Vấn đề kỹ thuật rất phức tạp, nhưng người dân an tâm vì tất cả các đơn vị nhà thầu, công ty tư vấn, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước thường xuyên theo dõi từng việc trong quá trình lắp đặt và kết nối 4 đốt hầm, đảm an toàn tuyệt đối và chất lượng công trình khi đưa vào sử dựng với tuổi thọ trên 100 năm.

Lãnh đạo trung ương cũng như Hội đồng Nghiệm thu nhà nước đã giúp đỡ TP theo dõi sát sao trong quá trình thi công công trình, làm sao hạn chế thấp nhất các sự cố gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình, đảm bảo đúng yêu cầu như dự án ban đầu. Đây là công trình rất phức tạp về kỹ thuật, tuy nhiên đến nay, TP và nhiều chuyên gia đánh giá rất cao về chất lượng công trình.

Mọi vấn đề liên quan về bảo hành, bảo dưỡng khi đưa vào vận hành đều nằm trong hợp đồng giữa hai bên với những điều khoản rất cụ thể, không phải xong là hết trách nhiệm. Chính những nhà thầu, đơn vị thi công  và công ty tư vấn cũng muốn làm tốt, chất lượng để giữ uy tín của họ và quốc gia họ nữa.  

Quốc Hùng

Thông tin liên quan: 

- Hầm Thủ Thiêm: Đốt hầm số 3 cũng bị thấm nước

Tin cùng chuyên mục