Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo: Kết quả xây dựng văn minh đô thị chưa như mong đợi

Cần triển khai sâu rộng hơn
Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo: Kết quả xây dựng văn minh đô thị chưa như mong đợi

LTS: Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ VIII, trong 5 năm qua, TP đã đạt tiến bộ trên nhiều mặt: quy mô kinh tế trên địa bàn tăng 1,7 lần; không gian đô thị không ngừng mở rộng, kết cấu hạ tầng phát triển theo hướng hiện đại; điều kiện dân sinh từng bước được cải thiện; vai trò, vị trí của TP đối với cả nước và khu vực tiếp tục được nâng lên…

Tuy nhiên, nhìn lại một cách công bằng, quá trình phát triển của TP vẫn còn nảy sinh nhiều bất cập: hạ tầng ngày càng quá tải, gây bức xúc cho nhân dân, cản trở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện dân sinh; quy hoạch và quản lý đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển, dẫn đến nhiều hệ lụy. Đặc biệt, Cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh đô thị được xem là chủ trương đột phá, sáng tạo của TP triển khai từ hơn 2 năm qua, dù đạt được kết quả bước đầu, song vẫn còn nhiều bất cập.

Kể từ số báo hôm nay 5-7, Báo Sài Gòn Giải Phóng khởi đăng chuyên mục: “CHUNG TAY XÂY DỰNG văn minh đô thị”, nhằm ghi nhận những kết quả đạt được cũng như chỉ ra những thiếu sót, tồn tại, từ đó gợi mở những giải pháp hiện thực hóa chủ trương lớn này, góp phần xây dựng TPHCM xã hội chủ nghĩa văn minh, hiện đại và phát triển bền vững. Ban Biên tập rất mong nhận được những đóng góp, phản hồi của bạn đọc, các nhà nghiên cứu và cơ quan chức năng... 

Với quyết tâm xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, liên tục trong 3 năm 2008, 2009 và  2010, HĐND TPHCM đã ban hành nghị quyết chọn chủ đề các năm này để xây dựng nếp sống văn minh đô thị (NSVMĐT). Sau hơn 2 năm thực hiện, cuộc vận động đã mang lại kết quả nhất định. Tuy nhiên bước sang năm thứ 3, nhiều người băn khoăn, cho rằng cuộc vận động này bắt đầu “hụt hơi”. Trước thềm kỳ họp HĐND TPHCM diễn ra sáng nay (5-7), PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo liên quan đến vấn đề này. 

Cần triển khai sâu rộng hơn

Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo

Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo

- PV: Thưa Chủ tịch, cuộc vận động đã bước sang năm thứ 3, bà đánh giá thế nào về kết quả đạt được?

Chủ tịch HĐND TPHCM PHẠM PHƯƠNG THẢO: Thời gian qua, các quận - huyện, sở - ngành đã triển khai chỉ đạo các nội dung cuộc vận động đề ra theo từng năm. TP cũng xây dựng được 15 tuyến đường mẫu cấp TP, 69 tuyến đường trọng điểm cấp quận với tiêu chí thực hiện khá cụ thể. Ngoài ra, hơn 3.000 thùng rác, cả trăm nhà vệ sinh công cộng được lắp đặt, đường phố có nhiều mảng xanh hơn.

Các em thiếu nhi cũng có diễn đàn “Vì thành phố chúng mình”; Đoàn thanh niên thực hiện cuộc thi môi trường xanh - sạch - đẹp. Pháp luật cũng được điều chỉnh, bổ sung, thuận lợi hơn để xử lý các hành vi vi phạm NSVMĐT. TP cũng thực hiện các chính sách, chế độ đối với lực lượng xử phạt hành vi vi phạm này. Ở địa bàn dân cư, nhiều địa phương đã sáng tạo ra nhiều cách làm nên có sự chuyển biến nhất định. Nhiều nơi đã sạch đẹp hơn, tươm tất hơn. Ở những nơi đó, cuộc vận động đã đi vào nhận thức trong mỗi người dân…

Tuy nhiên, kết quả đạt được còn chưa như mong đợi. Tiến tới kỳ họp HĐND TP lần này, nhiều kiến nghị của cử tri đã gửi về yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét việc lắp đặt thêm thùng rác, nhà vệ sinh cộng cộng, trồng thêm mảng xanh sao cho hợp lý, kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt thường xuyên hơn... tạo điều kiện cho người dân thực hiện tốt nếp sống văn minh. Mong muốn này là chính đáng, hợp lý!

- Theo bà, cần phải làm gì để cuộc vận động này đạt kết quả tốt hơn?

Tôi cho rằng, thời gian tới chủ trương này cần được triển khai sâu rộng hơn. Công tác tuyên truyền phải phong phú với nhiều hình thức thể hiện (văn nghệ, tiểu phẩm hài…) và có trọng tâm, trọng điểm, tập trung tuyên truyền sâu rộng nhiều hơn nữa tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu dân cư. Công tác tuyên truyền phải thật sự đi vào từng đối tượng, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành vi. Đồng thời, công tác hậu kiểm cũng phải được quan tâm. Sau một thời gian tuyên truyền, các lực lượng chức năng phải tăng cường xử phạt.

Trong quá trình thực hiện, chúng ta phải có sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân điển hình. Sự chuyển động này phải thật đồng bộ từ lãnh đạo UBND TP đến các ngành, các cấp và địa phương. Quan trọng là mỗi người dân, gia đình, cơ quan, đơn vị đều có trách nhiệm cùng chung sức xây dựng thành phố ngày càng văn minh, sạch đẹp.

Mạnh dạn đề xuất hình thức phạt lao động

- Có ý kiến cho rằng, nửa năm nay hoạt động giám sát của HĐND TP đối với cuộc vận động này im ắng hơn những năm trước. Bà nghĩ sao về nhận định này?

Từ đầu năm đến nay, Thường trực HĐND TPHCM, các ban chuyên trách HĐND TPHCM thực hiện nhiều đợt giám sát về các vấn đề của thành phố, trong đó có giám sát việc thực hiện NSVMĐT, dù không rầm rộ. Năm 2010, với trách nhiệm của mình, HĐND TP sẽ lưu ý UBND TP tập trung chỉ đạo xử lý 6 hành vi không văn minh gồm: bán hàng rong trước cổng trường; phát tờ rơi và sử dụng âm thanh quảng cáo quá lớn trên đường; xả rác và nước thải ra đường; rải vàng mã trên đường phố; nói tục, chửi thề, phóng uế bừa bãi; chạy xe trên vỉa hè và dừng không đúng vạch quy định. Chúng ta phải đề ra từng giải pháp để từng bước khắc phục các hành vi này.

Các em tham gia vẽ tranh với chủ đề bảo vệ môi trường. Ảnh: Việt Dũng

Các em tham gia vẽ tranh với chủ đề bảo vệ môi trường. Ảnh: Việt Dũng

- Nhưng thưa bà, có nhận định rằng, cuộc vận động thực hiện NSVMĐT TPHCM chưa bài bản. Lẽ ra, TP phải xây dựng đề án với sự tham gia của các nhà xã hội học, quy hoạch - kiến trúc, sử học… và có bước tham khảo kinh nghiệm của những nước đã làm tốt vấn đề này với những điều kiện giống như TPHCM để từ đó chúng ta triển khai có lộ trình, bước đi phù hợp?

Tôi đồng tình với nhận định này. Để triển khai cuộc vận động, chúng ta cũng đã lắng nghe các nhà khoa học, đã khảo sát, tham vấn ý kiến của nhân dân, đã nghiên cứu đề ra những quy định, quy chế, tiêu chí cụ thể làm cơ sở để thực hiện, đánh giá kết quả... Đồng thời, phải phát huy tốt vai trò tự quản, giám sát của nhân dân.

Nhiều người cho rằng vừa coi trọng việc tuyên truyền, nâng cao ý thức và tính tự giác của người dân, vừa phải kiên quyết xử lý thật nghiêm các hành vi vi phạm. Tại sao Singapore làm được mà chúng ta không làm được? Họ không chỉ phạt tiền mà có các hình thức phạt khác như lao động công ích... Tôi nghĩ rằng, từ thực tiễn, chúng ta mạnh dạn có những đề xuất phù hợp, khả thi. Hình thức phạt lao động đôi khi mang lại hiệu quả nhiều hơn so với phạt tiền, ví dụ như hành vi đua xe trái phép, tiểu tiện, xả rác bừa bãi...

- Xin cảm ơn bà!

Chậm quan tâm đầu tư các vấn đề xã hội

6 tháng đầu năm 2010, kinh tế TPHCM tăng trưởng khá (GDP tăng 11%) và đã có bước chuyển dịch về cơ cấu. Nhưng còn không ít những vấn đề về xã hội, môi trường liên quan đến sự phát triển bền vững, chất lượng sống của người dân chưa được tập trung xử lý như ô nhiễm môi trường, ngập nước, kẹt xe, thiếu trường lớp, bệnh viện quá tải, dịch bệnh, công trình thi công kéo dài…

Điều này cho thấy sự phát triển xã hội đã chậm một bước so với phát triển kinh tế. Các số liệu phản ánh việc thực hiện các chỉ tiêu về các vấn đề xã hội cũng không đến nỗi nào nhưng vẫn chưa làm cho người dân cảm thấy bớt lo. Khi kinh tế có khó khăn, Trung ương và địa phương có những cơ chế, chính sách đột phá tạo điều kiện để phát triển. Trong khi đó, các cơ chế chính sách và các vấn đề xã hội chưa thật sự quan tâm đầy đủ nên khi xử lý gặp không ít khó khăn. Vấn đề này không chỉ đòi hỏi thành phố phải quan tâm đầu tư mà cần có những cơ chế, chính sách mang tính đòn bẩy từ Trung ương…

Chủ tịch HĐND TPHCM PHẠM PHƯƠNG THẢO

Vân Anh thực hiện

Tin cùng chuyên mục