Chung tay xây dựng văn minh đô thị - Hụt hơi?

Phải thẳng thắn nhìn nhận, những kết quả đạt được trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị (NSVMĐT) tại TPHCM còn khiêm tốn, chưa thực sự đồng đều giữa các khu vực. Đặc biệt, bước qua năm thứ 3, không ít người băn khoăn: cuộc vận động có dấu hiệu “đuối” khi một số khu vực chuyển biến tốt trước đây có dấu hiệu trở lại như cũ.
Chung tay xây dựng văn minh đô thị - Hụt hơi?

Phải thẳng thắn nhìn nhận, những kết quả đạt được trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị (NSVMĐT) tại TPHCM còn khiêm tốn, chưa thực sự đồng đều giữa các khu vực. Đặc biệt, bước qua năm thứ 3, không ít người băn khoăn: cuộc vận động có dấu hiệu “đuối” khi một số khu vực chuyển biến tốt trước đây có dấu hiệu trở lại như cũ.

  • Thành quả cũ: Nhiều nơi không giữ được

Những ngày cuối tháng 6, ghi nhận của PV Báo SGGP tại 15 tuyến đường mẫu cấp TP cho thấy, trừ một số tuyến đường khu vực trung tâm TP như Lê Lợi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Trần Hưng Đạo (quận 1), đường Trường Sơn (quận Tân Bình), tương đối giữ được sạch sẽ, tươm tất, còn ở những tuyến khác, tình trạng vi phạm “đường mẫu” là chuyện… thường ngày!

Bán hàng rong dưới lòng đường Nguyễn Chí Thanh. (Ảnh chụp sáng 7-7-2010). Ảnh: Đ.TRÍ
Bán hàng rong dưới lòng đường Nguyễn Chí Thanh. (Ảnh chụp sáng 7-7-2010). Ảnh: Đ.TRÍ

Đường Đề Thám, Võ Văn Tần, đường 3 Tháng 2, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Chí Thanh…, rất nhiều đoạn bị chiếm dụng để giữ xe, bán hàng rong… Chưa kể, vỉa hè nhiều nơi bị bong tróc, sụp lún tạo thành những hố nước nham nhở. Nhớ lại những năm 2008, 2009, với việc kiểm tra thường xuyên của lãnh đạo TP, Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện NSVMĐT, các sở ngành chức năng nên tình hình luộm thuộm, bề bộn trên những tuyến đường này đã có chuyển biến đáng kể. Nay thì… hầu như đâu lại vào đấy!

Trên nhiều tuyến đường, mặc dù địa phương đã quy hoạch, kẻ vạch sơn giới hạn để người dân tổ chức sắp xếp làm chỗ đậu xe tự quản nhưng xe cứ để tràn lan, mất trật tự.   

Còn tại những điểm “nóng” nhếch nhác, kém văn minh trước cổng các bệnh viện, mặc dù lãnh đạo TP, các sở ngành chức năng đã có rất nhiều cuộc họp, nhiều đợt ra quân chốt chặn nhằm lập lại trật tự nhưng đến nay lại như cũ. Điển hình là trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy, tình trạng buôn bán hàng rong vẫn cứ tấp nập 24/24 giờ. Người bán, người mua đông đúc, vô tư xả rác, nước thải ra đường.

Viễn cảnh trước cổng Bệnh viện Ung bướu (đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh) cũng vậy. Cả hai bên đường đều bị trưng dụng làm nơi bán hàng rong với những thùng nước xếp thành hàng. Một số gánh hàng rong lấn chiếm luôn khu vực nhà chờ xe buýt gần cổng bệnh viện. Tại các bệnh viện khác như: Chấn thương Chỉnh hình (quận 5), Gia Định (quận Bình Thạnh), Phạm Ngọc Thạch (quận 5)… tình trạng cũng tương tự.

  • Kế hoạch mới: Chậm triển khai

Sở TN-MT TP đã kiến nghị xây dựng 26 khu phố không rác ở các quận 1, 3, 4, 5 và 10. Chỉ tiêu để đạt khu phố không rác là đăng ký đổ rác đúng nơi quy định, không đổ nước bẩn ra đường… Thế nhưng, kết quả khảo sát mới đây của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT TP) tại 26 khu phố không rác làm điểm cấp TP thì mức độ thực hiện các nội dung như: đăng ký giao rác tận tay người thu gom, sử dụng nhà vệ sinh công cộng, dọn phân súc vật khi chúng phóng uế ra đường, trồng thêm cây xanh cũng chỉ đạt ở mức tương đối - trên 60%.

Riêng năm 2010, trên cơ sở hiến kế của giới khoa học xã hội TPHCM, Nghị quyết của HĐND TPHCM đề ra 6 hành vi không văn hóa, gây bất bình trong nhân dân để giải quyết dứt điểm gồm: không bán hàng rong trước cổng trường học; không phát tờ rơi và sử dụng âm thanh quảng cáo quá lớn trên đường; không xả rác và nước thải ra đường; không rải vàng mã khi đám tang đi qua trên đường; không nói tục hay chửi thề, phóng uế bừa bãi; không chạy xe trên vỉa hè và dừng đúng vạch sơn quy định.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo SGGP, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa (Trường ĐH KHXH-NV TPHCM), người chủ trì đề án nghiên cứu này nhận định: “Việc triển khai thực hiện quá chậm, bản thân tôi cũng thấy nản chí. Đã nửa năm trôi qua, các bộ phận chức năng giúp việc cho ban chỉ đạo mới triển khai kế hoạch xóa bỏ 6 hành vi bằng văn bản, chỉ thị xuống đến cấp quận - huyện, phường mà chưa ngấm xuống dân, cũng như chưa có giải pháp cụ thể để giải quyết từng hành vi. Nếu cứ như vậy thì chẳng khác nào chúng ta chỉ nói suông”.

Một Chủ tịch UBND phường bày tỏ: Ngay năm đầu tiên (2008), cuộc vận động đã đi vào trong nhận thức một bộ phận lớn nhân dân. Đến năm 2009, phong trào đã tạo được sức bật với những kết quả nhất định. Lẽ ra, đến thời điểm này, cuộc vận động thực hiện NSVMĐT phải đi vào chiều sâu. Tuy nhiên cuộc vận động có vẻ lắng xuống nên địa phương muốn thực hiện nhiều hơn cũng không có động lực.

Trong khi đó, một đại biểu HĐND TPHCM thẳng thắn chia sẻ: Một số nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia họ phải kiên trì cả chục năm trời để triển khai chương trình giáo dục công dân cho học sinh, sinh viên và người dân về ý thức tôn trọng luật giao thông, vệ sinh công cộng, NSVMĐT. “TP đã xây dựng một chủ trương đúng đắn thì cần kiên trì đeo bám thực hiện, không nên dừng lại kiểu phong trào, khuấy động một thời gian lại… hụt hơi, bỏ lửng!”, vị đại biểu này bộc bạch

ANH – HIỆP

Ông Trần Tiến Nhanh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin kiêm Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo NSVMĐT quận 3 cho rằng: Hiện nay vẫn còn một bộ phận người dân vì lợi ích cá nhân, thiếu ý thức tôn trọng lợi ích cộng đồng và quy định của pháp luật nên còn tình trạng chiếm dụng trái phép lề đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, gây ảnh hưởng trật tự, vệ sinh và mỹ quan đô thị. Do vậy, để công tác thực hiện văn minh đô thị đạt hiệu quả, nhất là trên các tuyến đường mẫu, đòi hỏi phải có thời gian để thay đổi nhận thức của người dân.

Một số tiêu chí tuyến đường mẫu về văn minh đô thị gồm: Không có bán hàng rong, ăn xin; không treo, vẽ, dán quảng cáo trái phép; không phơi quần áo và vật dụng trước nhà; không được lấn chiếm vỉa hè để sử dụng ngoài mục đích dành cho người đi bộ; việc lắp đặt thùng rác, nhà vệ sinh công cộng phải đảm bảo mỹ quan, thuận lợi cho người dân sử dụng…

Đ.LÝ

Thông tin liên quan:
>> Chung tay xây dựng văn minh đô thị - Đột phá
>> Chung tay xây dựng văn minh đô thị - Điểm sáng địa bàn dân cư

Tin cùng chuyên mục