Chung tay xây dựng văn minh đô thị - Rối tên đường, khó có lối ra

Nhà chờ số vì... phố chờ tên!

Chuyện dài nhiều tập về tình trạng loạn số nhà những tưởng đã đến hồi kết, khi mà tại hội nghị tổng kết 10 năm cấp và chỉnh sửa số nhà theo Quyết định 1958 của UBND TPHCM (tổ chức vào tháng 11-2008), các ngành chức năng và 24 quận, huyện đã mổ xẻ những nguyên nhân khiến số nhà còn bát nháo và bàn giải pháp để thành phố có thể chấm dứt tình trạng loạn số nhà. Thế nhưng, đã gần 2 năm trôi qua, đến nay câu chuyện số nhà vẫn còn rối như canh hẹ. Nguyên nhân vì sao?

Nhà chờ số vì... phố chờ tên!

4 địa phương có tình trạng số nhà phức tạp nhất là các quận 12, Gò Vấp, Bình Tân và huyện Bình Chánh (tổng cộng 148.661 căn nhà) được thành phố chọn làm thí điểm trong việc cấp số nhà và đặt đổi tên đường, với kinh phí 3,2 tỷ đồng. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến hết năm 2010 những nơi này không còn tình trạng “đánh đố” số nhà, vốn đã dẫn đến nhiều câu chuyện dở khóc dở cười, gây khó khăn cho việc quản lý của cơ quan chức năng và sinh hoạt của người dân. Thế nhưng, hiện nay tuy đã đến giữa năm 2010, số lượng nhà đã cấp đổi số cũng chỉ đạt được… con số lẻ của tổng số gần 150.000 căn nói trên.

Ngay cả quận Gò Vấp – nơi đã lập phương án điều chỉnh số nhà từ năm 2003 và là một trong những quận, huyện đầu tiên của thành phố có bản đồ cấp số nhà - đến thời điểm này khối lượng công việc đã hoàn thành vẫn còn rất “khiêm tốn”.  Chọn phường 12 làm thí điểm, quận Gò Vấp tiến hành triển khai cấp mới và cấp đổi số nhà gắn với việc đổi tên đường. Sau bước thu thập hồ sơ pháp lý của căn nhà (do chủ nhà nộp qua hệ thống tổ dân phố), Phòng Quản lý đô thị xác định có 8.324 căn đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận số nhà (sau đây gọi tắt là GCN). Tuy nhiên, đến nay quận mới chỉ cấp được hơn 3 ngàn GCN, còn khoảng gần 5.000 căn nhà chưa giải quyết được.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết các công đoạn chuẩn bị cho việc cấp đổi số nhà tại phường 12 quận Gò Vấp đã được thực hiện gần như hoàn tất, điều khiến công việc bị ngưng trệ chỉ vì do phải đợi tên đường.

Chậm vì... tự cột chân mình

Như trên đã nói, sau 10 năm thực hiện QĐ 1958, tình trạng số nhà vẫn bát nháo và thành phố đã bàn giải pháp để làm sao trong 2 năm (tức đến cuối năm 2010) có thể chấm dứt tình trạng này. Thế nhưng, không hiểu vì sao các ngành chức năng lại quyết định thực hiện thí điểm việc cấp số nhà gắn với đặt, đổi tên đường? Điều này giống như chúng ta tự cột chặt chân mình trong khi đã đặt ra mục tiêu là phải về đích nhanh!

Bởi lẽ, quy trình duyệt tên đường thì “dài dằng dặc” và được thực hiện với… vận tốc rùa bò! Là đô thị đặc biệt nên theo quy định tại Nghị định 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ, tên đường tại TPHCM sau khi được Hội đồng đặt, đổi tên đường thành phố thông qua thì phải gởi lấy ý kiến của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) trước khi trình HĐNDTP xem xét ra nghị quyết, sau đó UBNDTP mới có thể ký quyết định đặt tên đường.

HĐNDTP thì 6 tháng họp 1 lần, còn ý kiến trả lời của Bộ VH-TT-DL thì… vô thời hạn! Dù Thông tư 36/2006/TT-BVHTT của bộ này quy định rất rõ “Cục Di sản văn hóa có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ và trình bộ trưởng để có văn bản trả lời trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ, trường hợp cần kéo dài thời gian cũng không quá 15 ngày” nhưng trong thực tế, không hiểu vì lý do gì mà việc này thường rất lâu mới có hồi âm. Thực tế này thì ai cũng biết.

Tại hội nghị tổng kết nói trên, Trưởng phòng QLĐT quận Tân Bình phản ánh: Quận Tân Bình xin đặt một số tên đường từ năm 2003 nhưng đến tháng 10-2008 mới được giải quyết, mất 5 năm cho một thủ tục. Trong khi đó, theo số liệu do chính Sở Xây dựng khảo sát thì tại 4 quận, huyện được chọn làm thí điểm, số lượng đường chưa có tên hoặc phải đổi tên lên đến… vài trăm. Có thể nói, khi gắn việc cấp số nhà phải thực hiện cùng lúc với đặt, đổi tên đường là chúng ta đã chọn cách làm khó nhất.

Rối vì... có “thuốc” nhưng không xài

Tại các quận, huyện còn lại, do không phải đợi tên đường (được dùng số thứ tự để làm tên tạm cho con đường) nên công tác cấp số nhà có phần thuận lợi hơn. Tuy nhiên, vẫn tồn tại tình trạng rối ren khi mà số mới và số cũ (thậm chí là tên đường cũ, đa số là ở bảng hiệu trên cửa nhà ở mặt tiền đường) vẫn treo lẫn lộn. Trách nhiệm này thuộc về ai?

Các cơ quan chức năng (ngành quản lý đô thị và chính quyền phường, xã, thị trấn) giải thích nguyên nhân là do người dân ngại vẽ lại bảng hiệu vì vừa tốn kém lại vừa mất hình ảnh quen thuộc đối với khách hàng. Thông thường, người dân không thay bảng hiệu mà chỉ gắn thêm bảng số nhà mới ở vị trí bờ tường phía trên hoặc cạnh cửa ra vào (tức thấp hơn bảng hiệu cũ). Hoặc có những nhà gắn cả 2 bảng số ở hai bên cửa nhưng không chú thích rõ số nào là số cũ, số mới. Tình trạng này khiến cho người đi đường có cảm giác số nhà lộn xộn. Về việc này, nhiều cán bộ địa phương cho biết chủ yếu chỉ vận động người dân tháo bỏ bảng số cũ hoặc vẽ lại bảng hiệu mới, còn việc chấp hành thì trông vào sự tự giác chứ không có quy định nào xử lý, chế tài hành vi này.

Tuy nhiên, tìm hiểu QĐ 1958 – vẫn đang có hiệu lực – của UBND TPHCM, chúng tôi thấy tại Điều 11 Chương III có quy định: Số nhà cũ được giữ lại (gắn bên dưới số nhà mới) trong thời hạn 2 năm để đảm bảo ổn định các quan hệ hành chính, dân sự liên quan tới căn nhà. Còn Điều 27 Chương VII thì quy định: Trường hợp vi phạm, tùy theo mức độ hậu quả sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, việc các hộ dân không chấp hành đã vi phạm quy chế về số nhà, lẽ ra các cơ quan chức năng phải kiểm tra, xử lý. Có “thuốc” nhưng lại không dùng, chính vì vậy nên dù ngành quản lý đô thị đã tốn công sức để sắp xếp, “đặt tên” cho từng căn nhà trên đường phố nhưng đến nay trật tự số nhà vẫn còn rối rắm.

Phường 12 có 4 tuyến đường đang mang tên bằng số thứ tự, theo quy định của Liên sở Xây dựng và Văn hóa – Thể thao – Du lịch thì phải đổi thành tên chữ. Quận đã có văn bản đề nghị tên của 4 danh nhân và Hội đồng đặt, đổi tên đường thành phố đã thống nhất, Sở VH-TT-DL đã có tờ trình từ ngày 14-5-2009 nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm! Đó là chưa kể đến ở 15 phường còn lại của quận có đến 29 con đường cần phải đặt tên trong quá trình sắp xếp lại số nhà.

PHONG LAN

Thông tin liên quan:

>> Mê hồn trận số nhà

Tin cùng chuyên mục