Chung tay xây dựng văn minh đô thị - Xây dựng và kiến trúc ở TPHCM còn lộn xộn

Từ chuyện gờ đường, tấm kiếng...

Những năm gần đây, TPHCM xây dựng không ít nhà mới, đường mới, cầu mới… Nhưng theo nhiều kiến trúc sư, bộ mặt thành phố nhìn chung vẫn chưa đẹp, chưa toát lên vẻ văn minh, hiện đại.

Từ chuyện gờ đường, tấm kiếng...

Tại TPHCM, các quy định về bảo vệ hệ thống thoát nước ghi rất rõ: không được xây dựng công trình chặn ngang dòng chảy của nước. Các quy định về an toàn giao thông cũng ghi rõ: không cho phép xây dựng các chướng ngại vật trên đường hoặc trong các con hẻm có xe lưu thông. Tuy nhiên, ở nhiều khu phố, những quy định ấy đang bị phớt lờ. Chúng không những ảnh hưởng đến việc thoát nước, an toàn giao thông mà còn làm xấu đi bộ mặt đô thị.

Hẻm 217/13 đường Thích Quảng Đức, phường 4, quận Phú Nhuận là một trong những khu phố như vậy. Đơn giản, chỉ là để tiện việc dắt xe ra vào nhà, nhiều hộ dân nơi đây đã vô tư xây gờ lên xuống nhô hẳn ra lòng đường. Đứng từ đầu hẻm nhìn vào, những cái gờ lổm nhổm này trông chẳng khác gì những chướng ngại vật trên đường, rất nguy hiểm cho người đi về khuya và chắc chắn chúng cũng là vật cản dòng nước chảy xuống hố ga mỗi khi mưa xuống.

Quy chế về quản lý kiến trúc của Bộ Xây dựng có 2 điều quy định về việc sử dụng vật liệu xây dựng: “Không được dùng vật liệu gây chói mắt, ảnh hưởng đến sức khỏe của người”. Thế nhưng ánh sáng ở mức độ nào là ánh sáng gây chói mắt, ảnh hưởng đến sức khỏe? Chưa có văn bản pháp quy qui định rõ điều này, nên hiện có rất nhiều công trình xây dựng đang sử dụng nhiều loại kính hoặc vật trang trí phản quang, phản chiếu ánh sáng gây nhức mắt mà không hề bị nhắc nhở.

Những tấm kính trang trí bên ngoài của một tòa nhà mới xây dựng trên đường Võ Văn Tần quận 3, nằm gần giao lộ Võ Văn Tần với Trương Định, khi nắng là phản chiếu thẳng xuống mặt đường. Rất nhiều người qua đường thấy khó chịu nhưng… biết khiếu nại ở đâu?

Theo một cán bộ của Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, trách nhiệm quản lý xây dựng trong các khu dân cư chủ yếu thuộc về chính quyền địa phương. Tuy nhiên, có lẽ do họ quá nhiều việc nên không thể bao quát hết được (?).

Mặc dù chính quyền một số địa phương cũng rất nỗ lực trong việc nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các quy định về xây dựng, nhưng dường như sự nhắc nhở ấy chưa đủ… mạnh nên hiệu quả không cao. Đích thân tổ trưởng tổ dân phố của hẻm 217/13 cùng cán bộ phường 4 đã xuống làm việc với một số hộ dân trong hẻm về những cái gờ gây cản trở giao thông, cản trở thoát nước. Tuy nhiên chúng vẫn “bất di bất dịch”.

...đến những khu nhà lộn xộn

TPHCM đã ban hành được một số quy định về quản lý kiến trúc như Quyết định 135 về quản lý xây dựng nhà ở liên kế trong khu dân cư hiện hữu, quy chế quản lý kiến trúc ở 4 ô phố gần Dinh Độc Lập… Trong đó, Quyết định 135 có một ý nghĩa rất lớn đối với việc quản lý không gian đô thị tại TPHCM vì những quy định đó nhắm đến một loại công trình chiếm đa số trong các công trình xây dựng tại TPHCM.

 “Thế nhưng, nhìn chung kiến trúc thành phố vẫn có phần hỗn loạn, thiếu trật tự và thiếu sự sắp xếp bài bản, thiếu tổ chức một cách tổng thể hài hòa đồng bộ, nên chưa tạo dựng được hình bóng của một đô thị văn minh, hiện đại”, TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nói.

Sự hỗn loạn, thiếu trật tự như TS Nguyễn Trọng Hòa đề cập hiển hiện ở rất nhiều khu phố,  của TPHCM. Ngay các công trình vừa được xây dựng trên trục đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - trục đường quan trọng nối trung tâm thành phố với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng không có trật tự nào. Có những ngôi nhà to lớn, nhưng cũng có những ngôi nhà mỏng, dẹp trông không khác gì một tấm ván dựng đứng. Nhà cao, nhà thấp, nhà sơn xanh, nhà sơn vàng…

“Nếu đặt những công trình này gần nhau như những nốt nhạc thì chúng cũng khó tạo thành hợp âm chứ chưa nói đến một giai điệu hay”, TS Nguyễn Trọng Hòa nhận xét. Đặc biệt, vỉa hè của con đường này vừa mới được mở rộng và xây mới, nhưng nhiều đoạn đã trở thành nơi đậu xe, buôn bán của người dân. Sự hỗn loạn đã xuất hiện ngay sau khi con đường hoàn tất việc cải tạo và mở rộng với tổng chi phí lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, trục đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa vẫn còn “may mắn” hơn nhiều con đường mới xây dựng hoặc vừa cải tạo lại của TPHCM. Cho đến thời điểm này, đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa chưa bị đào xới trở lại. Trong khi đó, nhiều con đường, nhiều con hẻm ở thành phố vừa được làm mới đã bị đào xới lên để lắp đặt hoặc sửa chữa hệ thống hạ tầng ngầm bên dưới.

Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TPHCM có lần bức xúc khi thấy quá nhiều đơn vị quản lý công trình hạ tầng ngầm xin đào những con đường vừa mới làm xong, cho dù trước khi làm đường Sở GTVT đều thông báo đến các đơn vị này, đề nghị họ phối hợp sửa chữa, thay mới công trình của mình cùng với việc làm đường của sở.

Việc tái lập mặt đường của phần lớn các đơn vị đào đường đều có vấn đề. Rất nhiều công trình khi tái lập mặt đường không đảm bảo chất lượng, mặt đường sau khi được tái lập đã bị lún sụt hoặc nổi u lên, vừa làm mất mỹ quan đô thị vừa ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Tất cả những việc này không mới.

Điều đó chứng tỏ công tác quản lý xây dựng và kiến trúc địa phương, các đơn vị, ban ngành liên quan còn lỏng lẻo.

Nguyễn Khoa

Chung tay xây dựng văn minh đô thị

- Rối tên đường, khó có lối ra

- Mê hồn trận số nhà

- Tình trạng ngập nước và kẹt xe: Do thiếu kiểm tra, phá vỡ quy hoạch

- Hụt hơi?

- Điểm sáng địa bàn dân cư

- Đột phá

Tin cùng chuyên mục