Chung tay xây dựng văn minh đô thị

Lề chưa thông, đường chưa thoáng

Chuyển biến chưa căn cơ

Chuyển biến chưa căn cơ

Kể từ sau ngày 1-7-2010 (ngày bắt đầu thực hiện Nghị định (NĐ) 34) với mức xử phạt tăng nặng hơn, người tham gia giao thông đã chấn chỉnh hành vi của mình. Anh Nguyễn Văn Tình, 37 tuổi ở quận 6, cho biết: “Tôi mua chiếc ô tô và đăng ký với Hợp tác xã vận tải hành khách. Lúc trước, nghề này còn sống được, nhưng nay hồi hộp lắm. Bất cẩn một chút xíu là “dính” biên bản liền. Mà mức phạt đâu có thấp. “Ra đường sợ nhất… 34!”.

Tiếc thay sự điều chỉnh trong ý thức (và cả hành vi) là do “ngại” mức xử phạt được quy định rất nặng, chứ không phải sự an toàn cho mình và người khác.

Sau gần 2 tháng thực hiện NĐ34, người tham gia giao thông không thể không biết các quy định mới nhưng cũng không ít người khá thờ ơ trong việc chấp hành Luật Giao thông: Đèn đỏ vẫn không dừng, đậu không đúng vạch và thậm chí phóng nhanh, vượt ẩu; đến ngã tư không nhìn bảng hướng dẫn; chuyển hướng không cần phát tín hiệu; lưu thông lấn phần đường của phương tiện khác bất chấp nguy hiểm; thậm chí đến ngã tư, ngã ba hay làn đường ưu tiên cho người đi bộ cũng không giảm tốc độ.

Đây chính là những hành vi gây ra tai nạn giao thông cao nhất.

Xe ba gác, xe thô sơ giải quyết chưa dứt điểm thì người dân thành phố lại phải gánh chịu một vấn nạn khác. Đó là lực lượng thanh niên vận chuyển hàng hóa tại các chợ đầu mối; người giao nước đá, nước ngọt, gas… cho hộ gia đình. Đó là loại phương tiện không kèn, đèn, biển số và thậm chí giấy tờ xe, nhưng vẫn lưu thông bình thường trên đường phố. Hình như không có giấy tờ nên chủ phương tiện cũng không quan tâm đến Luật Giao thông (?!).

Việc xử lý các loại phương tiện này không khó, nếu như các cơ quan chức năng thực hiện đúng chức năng của mình!

Vấn nạn lấn chiếm lòng lề đường

Sau khi thực hiện NĐ34, trật tự an toàn giao thông tại một số tuyến đường ở trung tâm thành phố có chuyển biến nhưng nhiều tuyến đường khác tình hình trật tự giao thông vẫn chưa thật sự khả quan.

Ùn tắc giao thông trước các cổng trường, bệnh viện từ lâu đã là chuyện bình thường! Tại những nơi này, người ta dường như quên khái niệm về lề đường. Hàng rong, hàng ăn, uống, tạp hóa nhỏ lẻ, xe ôm… đã chiếm hết lề đường dành cho người đi bộ. Khách bộ hành phải “nhảy” xuống lề đường, lấn phần đất khiêm tốn của các phương tiện.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, 62 tuổi, nhà ở phường 8 quận 5, cho biết: “Các gánh hàng rong, quầy tạp hóa nhỏ lẻ, xe ôm… thường có nhiều ở phía trước bệnh viện, trong khi các bệnh viện đều có tổ chức căn tin khá nghiêm chỉnh và tương đối sạch sẽ. Việc giải quyết làm thông thoáng lề đường trước các bệnh viện, trường học không khó nếu chính quyền địa phương thật sự quan tâm. Tại sao khu vực ở trung tâm quận 1 thông thoáng mà các địa phương khác chưa làm được?”.

Có vẻ như ở mọi thời điểm, khái niệm tiện thể và tiện dụng đều được một số người khai thác triệt để, nhất là dân lao động, dân nhập cư. Mua một mớ rau hay con cá không lẽ phải gửi xe, vào siêu thị hay các chợ? Có cung ắt có cầu. Điều đó lý giải vì sao, tiểu thương không mặn mòi dời về những chợ khang trang mà chính quyền thành phố và quận, huyện vừa mới xây dựng. Chợ nhỏ, chợ tạm vẫn còn nhiều tại các địa phương.

Vấn đề còn lại là một số chợ tự phát bán trái cây trên lề đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Lê Hồng Phong, Lý Thường Kiệt, Cách Mạng Tháng Tám… có thật sự giải quyết nhu cầu của người dân hay không? Việc giải quyết các chợ tạm này là trong tầm tay của chính quyền địa phương chứ không ai khác.

Và khi lề chưa thông thì làm sao đường thoáng?

Đoàn Hiệp

Chung tay xây dựng văn minh đô thị

- Hàn Quốc giải quyết vấn nạn đại đô thị

- Kinh nghiệm từ Singapore

- Trật tự lòng lề đường chưa thông

- Xây dựng và kiến trúc ở TPHCM còn lộn xộn

- Rối tên đường, khó có lối ra

- Mê hồn trận số nhà

- Tình trạng ngập nước và kẹt xe: Do thiếu kiểm tra, phá vỡ quy hoạch

- Hụt hơi?

- Điểm sáng địa bàn dân cư

- Đột phá

Tin cùng chuyên mục