Chung tay xây dựng văn minh đô thị: Quyết tâm, sẽ làm được

Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo trao đổi cùng các đại biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Việt Dũng Kinh nghiệm từ phường 6, quận 5
Chung tay xây dựng văn minh đô thị: Quyết tâm, sẽ làm được

“Chung tay xây dựng văn minh đô thị” – đó là chủ đề của buổi tọa đàm do HĐND TPHCM và Báo SGGP phối hợp tổ chức vào ngày 7-8. Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo và Tổng biên tập Báo SGGP Trần Thế Tuyển đồng chủ tọa. Tham dự còn có nhà khoa học, đại diện các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, các cơ quan thông tấn, báo chí. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu ghi nhận những kết quả đạt được sau hơn 3 năm thực hiện cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh đô thị (VMĐT), đồng thời đặt ra nhiều giải pháp thiết thực…

Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo trao đổi cùng các đại biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Việt Dũng

Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo trao đổi cùng các đại biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Việt Dũng

Kinh nghiệm từ phường 6, quận 5

“Đăng đàn” trước tiên để nói về những kinh nghiệm của địa phương, Bí thư - Chủ tịch UBND phường 6 quận 5 Lê Tấn Tài cho biết, để thực hiện nếp sống VMĐT, phường thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Cụ thể, UBND phường gửi danh sách về địa phương để xử phạt hành chính, ghi tên người vi phạm VMĐT, đọc tên tại hội nghị nhân dân khu phố. Đối với các hành vi xả rác bừa bãi, phường trích kinh phí thuê một người “lao công” thu gom giữa hai giờ lấy rác của phường. Trong thực hiện mảng xanh, vận động người dân trồng cây xanh trước nhà, trong hẻm, mô hình này sẽ nhân rộng toàn phường thời gian tới. Phường thành lập bộ phận đi kiểm tra định kỳ để ghi nhận phạt, đồng thời thưởng “nóng” tập thể, cá nhân làm tốt.

Bên cạnh đó, phường còn tổ chức điều tra xã hội học về thực hiện VMĐT với nhóm đối tượng là 600 đảng viên, người dân trong phường. Kết quả, hầu hết các đối tượng đều nắm khá rõ việc thực hiện VMĐT trên địa bàn TP và cũng hiến nhiều giải pháp để phường mạnh tay xử lý, chấn chỉnh có hiệu quả. UBND phường phân công cán bộ công chức trực xử lý các trường hợp quảng cáo, rao vặt trên tường, cột điện. Khi bắt được người vi phạm, ngoài xử phạt hành chính còn yêu cầu đối tượng quét dọn, cạo sạch các quảng cáo trái phép; các trường hợp phát tờ rơi cũng được yêu cầu quét dọn sạch từ đầu đường đến cuối đường; các đối tượng đổ bậy xà bần tại các khu vực quanh đại lộ Đông Tây bị phát hiện phải thu gom lại sạch sẽ… khiến đối tượng không dám tái phạm.

Nhiều ý kiến rất đồng tình với cách làm quyết liệt của phường 6 quận 5 và còn kiến nghị nhân rộng trên các địa bàn khác ở TP. Luật gia Lê Hiếu Đằng cho rằng: 3 năm thực hiện VMĐT, bộ mặt đô thị chung của TP vẫn còn quá ngổn ngang, trách nhiệm đó một phần lớn do sự chủ quan của sở ngành có liên quan, nhưng trách nhiệm chính vẫn ở chính quyền cơ sở. “Nếu phường quyết tâm làm thì sẽ làm được” - ông Đằng khẳng định.

Nên thay đổi cách tuyên truyền?

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhưng phải xác định đúng những nhóm cần đẩy mạnh tuyên truyền. Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, nhóm đó phải là những người lao động nghèo, ít học, người dân nhập cư… bởi đây chính là đối tượng vi phạm VMĐT nhiều.

TS Nguyễn Hữu Nguyên phân tích: Chủ trương chính sách ở phía trên rơi xuống “ào ạt” nhưng chưa chắc “ngấm” đến nhóm đối tượng cần tuyên truyền. Toàn TP có gần 30.000 tổ dân phố (TDP) nhưng hàng quý hoặc tháng mới họp một lần, thành phần không đầy đủ, đa số không phải là đối tượng cần tuyên truyền, họp xong ít người tuyên truyền lại cho gia đình… nên dẫn đến hiệu quả tuyên truyền không cao. Nếu tính bình quân mỗi cuộc họp TDP có khoảng 100 người, sẽ có tổng cộng hơn 1 triệu người được phổ biến thông tin qua các cuộc họp này, thêm khoảng 5-6 triệu người khác biết thông tin qua báo chí.

Trong khi đó, nhóm dân nghèo nhất, trình độ dân trí thấp nhất lại không xem tivi, không đi họp TDP, không có tiền mua báo thì nghiễm nhiên họ cũng chẳng biết gì nhiều về chủ trương này. “Bài học ở các đô thị lớn trên thế giới cũng đều chọn nhóm đối tượng này để tập trung tuyên truyền, tạo chuyển biến rồi từ đó mới tính tiếp những mục tiêu cao hơn. Ngoài ra, lãnh đạo TP cũng cần đăng đàn trên truyền hình báo cáo với dân một số tiến độ dự án, kế hoạch dân sinh của TP như các nước đã làm, sẽ tác động mạnh hơn đến người dân” - TS Nguyễn Hữu Nguyên nhấn mạnh.

Đồng tình với các ý kiến này, PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân cho rằng: “TP cần phải có một cuộc điều tra xã hội học nghiêm túc như cách làm của phường 6 quận 5, từ đó rút ra bài học, tập trung thực hiện từng bước một cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn”.


Chịu chi, chịu làm và chịu trách nhiệm

Hai địa phương vất vả nhất là quận 1 và quận 3 đã mang đến tọa đàm những cách làm hiệu quả từ quận mình, nhất là trong công tác tuyên truyền.

Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Chủ tịch UBND quận 1 cho biết: Toàn TP có 15 tuyến đường điểm cấp TP thực hiện VMĐT, quận 1 chiếm đến 9! Bộ mặt của TP phụ thuộc phần lớn vào nỗ lực của quận. Khi thực hiện VMĐT, quận xác định 3 vấn đề chủ yếu cần làm “đậm”: Tuyên truyền sao cho hiệu quả, chỉnh trang đường sá sao cho đẹp mà người dân cũng ưng, cuối cùng là tăng cường xử phạt vi phạm hành chính để nghiêm. Khi tuyên truyền, quận lồng ghép thông tin cần thiết nhất vào các bản tin; phản ánh mặt được lẫn chưa được của từng khu phố, từng phường lên bản tin; cử người đi quay phim, chụp hình các nơi vi phạm để xử lý mạnh tay, quy trách nhiệm cho lãnh đạo phường đó.

Trong chỉnh trang đô thị, TP và quận đã đầu tư trên 100 tỷ đồng nâng cấp đường sá, vỉa hè khang trang, sạch sẽ hơn. Con số trên 36.000 vụ xử lý vi phạm với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng cũng nói lên phần nào nỗ lực và quyết tâm của quận, phường trong xử lý những vi phạm VMĐT để giữ cho trung tâm TP luôn đẹp.

Còn cách làm của quận 3 là thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Chuyển thu gom rác từ ngày sang đêm; xây dựng nhiều mảng xanh ở các tuyến đường rộng; xây dựng quy chế quản lý quảng cáo rao vặt; tăng cường công tác xử phạt (giao Thanh tra xây dựng phối hợp các ban ngành đoàn thể thực hiện). Đối với người bán hàng rong trước cổng trường, trường học phải đăng ký, cam kết với địa phương (như trường Lê Quý Đôn, Thăng Long).

Bên cạnh đó, quận 3 “chịu chi” khi bỏ ra hơn 60 triệu đồng in 120.000 tờ rơi với các nội dung thiết thực gửi cho từng hộ dân…

Các bạn thanh niên dọn dẹp làm sạch đường phố trên đường Bến Vân Đồn, quận 4. Ảnh: Đức Trí

Các bạn thanh niên dọn dẹp làm sạch đường phố trên đường Bến Vân Đồn, quận 4. Ảnh: Đức Trí

V.ANH – H.VIỆT – H.HIỆP

Thông tin liên quan

Tọa đàm “Chung tay xây dựng văn minh đô thị” 

Tin cùng chuyên mục