Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng: Đặc biệt chú trọng phát triển giao thông ở các đô thị lớn

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng: Đặc biệt chú trọng phát triển giao thông ở các đô thị lớn

Phát triển hạ tầng, một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu thảo luận trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 của Đảng đề ra. Bên hành lang đại hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng (ảnh) đã có cuộc trao đổi với phóng viên SGGP xung quanh vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng
Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng

- PV: Kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là ở các thành phố lớn đang là nỗi bức xúc hàng ngày của người dân. Vậy tại Đại hội XI của Đảng, vấn đề này được đặt ra như thế nào?

Bộ trưởng HỒ NGHĨA DŨNG: Đại hội XI của Đảng chọn 1 trong 3 khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đó là ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó đặc biệt chú trọng hạ tầng giao thông ở những đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM. Để phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ theo hướng hiện đại, đầu tiên là nâng cao chất lượng công tác quy hoạch. Bên cạnh đó, cần huy động nguồn lực nhiều hơn nữa để đầu tư. Trước đây, để có vốn đầu tư cho lĩnh vực này, chúng ta dựa hoàn toàn vào ngân sách. Trên thế giới, không có quốc gia nào làm như thế cả. Do vậy, ngoài vốn ODA, còn một kênh huy động nữa là xã hội hóa nguồn lực vào kết cấu hạ tầng dưới hình thức BT, BOT hay gần đây là PPP (hợp tác công - tư). Muốn hợp tác công - tư hiệu quả phải có cơ chế thích hợp về huy động vốn với lãi suất thích hợp, chứ lãi suất cao như hiện nay (14% - 15%/năm) thì không thể đầu tư được. Thêm vào đó, để nâng cao giá trị các vùng kinh tế thì phải làm cho các nhà đầu tư khai thác quỹ đất đầu tư vào các dịch vụ phục vụ cho hạ tầng và khu công nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả thu hồi vốn khi họ bỏ vốn ra.

- Nhiều dự án hiện nay triển khai chậm tiến độ. Việc này giải quyết ra sao?

Chậm có nhiều nguyên nhân. Bên cạnh việc tổ chức thực hiện và quản lý còn nhiều thiếu sót, có nguyên nhân hết sức cơ bản, đó là chưa có vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực thị trường bất động sản, đặc biệt thị trường đất đai. Về lý luận và thực tiễn, không thể có giá bất động sản và đất đai quá cao như ở Việt Nam, vô lý tới mức giá còn cao hơn cả ở Nhật Bản và Mỹ! Với thị trường như thế, không thể phát huy hiệu quả nền kinh tế. Ngoài ra, dự án chậm còn vì chính sách đền bù, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng rất chậm do lợi ích đan xen giữa Nhà nước và nhân dân chưa ổn. Bởi vậy mới có tình trạng dự án gần xong rồi mà giải phóng mặt bằng chưa xong. Hay có dự án tiền đền bù cao hơn nhiều lần tổng vốn đầu tư dự án. Xử lý rất phức tạp, nên dự án kéo dài.

- Sao chúng ta không học tập cách làm “giải tỏa trắng” như ở Trung Quốc?

Không học nổi, vì họ không có chuyện đền bù như ở ta.

- Liệu người dân có phải đóng phí hạ tầng giao thông nếu giá trị căn nhà của họ được nâng lên do được hưởng lợi từ việc Nhà nước mở đường?

Cần phải làm như thế! Chúng ta cần nghiên cứu, xem xét kỹ vấn đề này. Thật vô lý là Nhà nước bỏ tiền ra xây một con đường đi ngang qua nhà dân, tạo ra giá trị đất đai xung quanh ngôi nhà cao gấp hàng chục, hàng trăm lần mà dân không phải đóng góp gì.

- Còn các nguồn lực để xây dựng đường giao thông?

Để có vốn làm đường, duy tu, mở rộng đường cần một loạt giải pháp trong đó có trách nhiệm của người tham gia giao thông. Phí này ở nước ta chưa huy động được. Vừa qua, khi đặt vấn đề này nhiều người phản đối. Ở các nước khác, họ thực hiện từ lâu nên về lâu dài chúng ta cũng phải theo xu hướng chung như các nước thôi. Tất nhiên, anh chạy du lịch, xe container không thể đóng phí như chạy xe máy được. Như thế không công bằng.

Còn một nguồn lực khác là thị trường bất động sản. Khi đầu tư mới hạ tầng, giá trị đất có thể tăng lên hàng chục lần nhưng vấn đề phải làm thế nào để giá trị thặng dư đó đổ vào hạ tầng chứ không lọt vào tay cá nhân nào đó. Cùng với đó, chúng ta phải chuẩn bị nguồn nhân lực cao để khi có vốn rồi có thể triển khai tốt các dự án.

- Nhưng một số dự án giao thông chưa được dân đồng thuận, như đường sắt cao tốc?

Dân không phản đối đường sắt cao tốc, vấn đề mọi người quan tâm là thời điểm đầu tư và hiệu quả đầu tư, nguồn lực thế nào. Hiện nay, Chính phủ đang nghiên cứu, lập dự án trên cơ sở tiếp thu những ý kiến khác nhau đó để phân tích, tìm kiếm đối tác và khi thấy khả thi thì Chính phủ báo cáo Quốc hội.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục