Đồng bằng sông Cửu Long - Lũ gây nhiều thiệt hại

Trước tình hình lũ tiếp tục lên nhanh, diễn biến phức tạp, nhiều tuyến đê bị vỡ, tràn, ngày 29-9, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão  tỉnh An Giang họp khẩn bàn phương án bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân; đặc biệt là giữ vững diện tích lúa và hoa màu vụ thu đông.
Đồng bằng sông Cửu Long - Lũ gây nhiều thiệt hại

Trước tình hình lũ tiếp tục lên nhanh, diễn biến phức tạp, nhiều tuyến đê bị vỡ, tràn, ngày 29-9, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão  tỉnh An Giang họp khẩn bàn phương án bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân; đặc biệt là giữ vững diện tích lúa và hoa màu vụ thu đông.

  • Tạm đóng 2 đập kiểm soát lũ Tha La, Trà Sư

Tại cuộc họp, Thiếu tướng Lê Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân khu 9 khẳng định, sẵn sàng điều hàng ngàn quân từ các địa phương khác đến chi viện cho An Giang quyết liệt chống lũ. Tình hình sẽ còn rất căng thẳng vì lũ đang tiếp tục lên.

Bộ đội giúp dân gia cố đê bao, bảo vệ lúa thu đông tại tỉnh An Giang. Ảnh: BÌNH ĐẠI

Bộ đội giúp dân gia cố đê bao, bảo vệ lúa thu đông tại tỉnh An Giang. Ảnh: BÌNH ĐẠI

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh nhấn mạnh: “Tỉnh đang tính giải pháp tạm đóng 2 đập tràn xả lũ Tha La và Trà Sư để đảm bảo an toàn cho hơn 100.000ha lúa ở vùng Tứ giác Long Xuyên cũng như các địa phương lân cận là Kiên Giang và TP Cần Thơ”. Ông Thạnh khẳng định, trong ngày 29 hoặc 30-9 sẽ quyết định cho tạm đóng 2 đập tràn này. Nhờ việc chủ động đưa dân vào 203 cụm tuyến dân cư vượt lũ, đến thời điểm này, thiệt hại về người vì lũ tại An Giang rất ít (4 người).

Chỉ trong 2 ngày qua, đê vỡ đã nhấn chìm hơn 5.000ha lúa của tỉnh An Giang. Hiện toàn tỉnh có 2.032 căn nhà bị ngập, 627 căn xiêu vẹo, đã di dời 124 hộ, còn 255 hộ đang tiếp tục di dời tập trung ở các huyện An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Chợ Mới, Long Xuyên. Sáng 29-9, trên địa bàn huyện Châu Phú tiếp tục bị vỡ đê tại 3 điểm mới thuộc các xã Thạnh Mỹ Tây, Bình Mỹ, Bình Long; nâng tổng diện tích lúa bị nhấn chìm lên 2.900ha.

Rạng sáng 29-9, tuyến đê xã Vĩnh Trung Tại huyện Tịnh Biên bị vỡ, 540ha lúa tại khu vực này đang bị nước tràn vào. Hiện mỗi ngày có hơn 11.000 người (trong đó lực lượng quân sự, công an hơn 3.500 cán bộ, chiến sĩ) trực tiếp tham gia việc nâng cấp, gia cố 370km đê bao, giữ an toàn cho diện tích hơn 134.000ha lúa vụ 3 và gần 9.000ha hoa màu. An Giang quyết định tạm hoãn, hủy các cuộc họp không cần thiết, khẩn cấp để tập trung tối đa chống lũ.

  • Đồng Tháp: Giảm tải trọng một số tuyến giao thông

Tại Đồng Tháp, Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh, sáng 29-9, nước lũ tiếp tục lên nhanh với cường suất từ 5 - 15cm/ngày. Hàng loạt tuyến đê ở Đồng Tháp đang nằm trong tầm ngắm của lũ, buộc phải gia cố liên tục bất kể ngày đêm. Đáng lo ngại là nhiều tuyến đê ở huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, thị xã Hồng Ngự chỉ còn cách mực nước lũ khoảng 0,1 - 0,3m, nguy cơ bị vỡ rất lớn. Hàng loạt nhà dân ở thị xã Hồng Ngự, huyện Tân Hồng, Tam Nông… đã bị ngập sâu. Tại xã Tân Huề, huyện Thanh Bình vừa phát hiện 1 xác trẻ (khoảng 4-6 tuổi) chưa rõ quê quán, chết trôi sông.

Lực lượng bộ đội nỗ lực cứu đê tại huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: P. LỢI

Lực lượng bộ đội nỗ lực cứu đê tại huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: P. LỢI

Trước tình hình nước lũ lên nhanh gây ngập một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và huyện lộ trên địa bàn tỉnh, Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp vừa thông báo khẩn cấp về việc hạn chế tải trọng đối với các phương tiện lưu thông trên địa bàn.

Theo đó, đối với đường bộ, hạn chế xe có tải trọng trên 10 tấn trên các tuyến đường: QL 30 đoạn từ Trần Quốc Toản đến ngoại ô thị xã Hồng Ngự; các tuyến tỉnh lộ nối các huyện phía Bắc, ĐT 848 đoạn từ phà Cao Lãnh đến ranh giới tỉnh An Giang. Tuyến ĐT 844 đoạn từ An Long đến Tam Nông cấm ô tô trên 4 chỗ ngồi lưu thông. Các tuyến đường nông thôn phía Bắc sông Tiền chỉ cho phép mô tô 2 bánh lưu thông.

Đối với đường thủy, Sở GTVT yêu cầu chính quyền các địa phương lắp đặt tín hiệu ở các khu vực có nước chảy xiết, giảm tải 25% đối với các phương tiện bến khách ngang sông, trang bị phao cứu hộ và áo phao cho người sử dụng phương tiện thủy và hành khách. Hiện tại, ngành GD-ĐT đã cho 87 điểm trường gồm 474 lớp, với 11.705 học sinh nghỉ học tránh lũ.

Tại Long An hiện có 5 huyện đang bị thiệt hại do lũ. Nước lũ đã làm sạt lở, nhấn chìm nhiều đoạn đường giao thông nông thôn tại một số xã nằm trên vùng biên giới ở huyện Tân Hưng. Nước lũ cũng đã làm sạt lở đường 79 và tràn qua ĐT 831 và làm vỡ đê, nhấn chìm khoảng 30ha lúa thu đông.

Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Long An, đến nay toàn tỉnh đã có 183ha lúa bị nước lũ gây hại làm cho năng suất bị giảm từ 30% - 70% và diện tích bị mất trắng khoảng 70ha, làm 3 người chết, nhà cửa, trường học bị thiệt hại ước tính khoảng 4 tỷ đồng.

Tại TP Long Xuyên và Cần Thơ, trong các ngày qua, mưa lớn kết hợp triều cường làm ngập sâu cục bộ nhiều tuyến đường chính trên địa bàn nội ô, nhưng sau đó rút dần theo hạ triều. 

B.ĐẠI - H.LỢI - K.QUỐC

Một dân quân tham gia chống lũ bị rắn cắn chết

Đó là anh Huỳnh Văn Tùng, công tác tại BCH quân sự xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Trong đêm 28-9, trong lúc cùng người dân đang thực hiện việc bảo vệ đê chống lũ, bảo vệ lúa tại địa phương, anh Tùng đã bị rắn hổ cắn chết. Hiện chính quyền cùng đoàn thể địa phương đang lo việc an táng cho anh.

Tại Đồng Tháp, trong lúc nỗ lực gia cố các tuyến đê bao xung yếu tại xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, chiến sĩ Nguyễn Thành Trung thuộc Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Đồng Tháp bất ngờ bị cây to rơi trúng làm gãy chân. Anh Trung đã được đồng đội đưa về bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu.

B.ĐẠI

Đắc Lắc: 3 người chết và bị thương do lũ

Ngày 29-9, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Đắc Lắc cho biết, mưa lũ trong những ngày qua cuốn trôi 3 người (trong đó 1 người chết, 2 người bị thương) ở huyện Ea H’leo. Mưa lớn cũng làm hư hỏng, sạt lở 4 hồ đập thủy lợi ở huyện này (đập A Riêng, Ea Poh, Ea Lun, Ea Ksam).

Cũng tại Ea H’Leo, gần 50km đường giao thông (trong đó, 6km đường TL10 bị xói lở tạo thành hố sâu từ 0,5-0,8m, 9km đường TL15, gần 3km đường giao thông nông thôn bị xói lở, hư hỏng mặt đường). Lũ quét cũng đã làm hỏng nhiều diện tích lúa, bắp, cà phê tại địa phương.

C.HOAN

Nghệ An: Hai vợ chồng đi hái măng bị nước cuốn trôi

Chiều 29-9, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão  huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, tại địa bàn huyện vừa xảy ra một vụ nước cuốn thương tâm khiến hai vợ chồng thiệt mạng.

Trước đó, chiều 28-9, hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Nễ và chị Hoa Y Loi (trú bản Xốp Pe, xã Mường Típ) lên rừng hái măng. Khi đang bơi qua sông Nậm Mộ (không có áo phao) thì bị nước lũ từ thượng nguồn đổ về cuốn hai vợ chồng trôi xa. Tuy được mọi người phát hiện tìm cách cứu nhưng do nước chảy xiết nên vợ chồng anh Nễ và chị Loi đã chết đuối.

D.CƯỜNG

- Thông tin liên quan:

>> Khẩn cấp ứng phó với lũ lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long

>> Đồng Tháp chống chọi lũ lớn

Tin cùng chuyên mục