Báo Đà Nẵng và nhiệm vụ góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại

Với diện tích 1.255km², trong đó riêng huyện Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm bất hợp pháp năm 1974 hơn 305km², dân số gần 1 triệu người, Đà Nẵng đã phát triển mạnh mẽ trong 15 năm qua. Từ một thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, qui mô và cơ chế quản lý đô thị cơ bản giống một đơn vị hành chính cấp huyện, năm 1997 được tách ra trực thuộc trung ương.
Báo Đà Nẵng và nhiệm vụ góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại

Với diện tích 1.255km², trong đó riêng huyện Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm bất hợp pháp năm 1974 hơn 305km², dân số gần 1 triệu người, Đà Nẵng đã phát triển mạnh mẽ trong 15 năm qua. Từ một thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, qui mô và cơ chế quản lý đô thị cơ bản giống một đơn vị hành chính cấp huyện, năm 1997 được tách ra trực thuộc trung ương.

Trong quãng thời gian ngắn ngủi đó, Đà Nẵng có sự thay đổi sâu sắc. Có lẽ, từ vùng đất "chưa mưa đã thấm" này được biết đến bởi những câu chuyện từ thành phố “5 không” (không có hộ đặc biệt nghèo; không có trẻ em bỏ học vì nghèo; không có người lang thang xin ăn; không có người nghiện ma túy trong cộng đồng; và không có giết người để cướp của) đến chương trình “3 có” (có nhà ở, có việc làm và có nếp sống văn hóa văn minh đô thị), chuyện “chiêu hiền đãi sĩ” với các chính sách đặc biệt để thu hút người tài, đến chuyện Bí thư thành ủy gặp mặt những ông chồng đánh vợ, các thanh thiếu niên chậm tiến; và mới đây là chuyện tạm dừng đăng ký nhập cư…

Dù có những vấn đề còn gây tranh cãi, thậm chí cho rằng Đà Nẵng phạm luật; nhưng có lẽ đã đến lúc cần nghiêm túc trả lời những câu hỏi của thực tế bức bách về quản lý đô thị, nhất là các biện pháp mới nhằm xây dựng một thành phố văn minh. Thực tế phát triển đô thị mới đòi hỏi sự quản lý mới. Những gì Đà Nẵng làm đều hướng đến một thành phố văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng sống, như Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố đặt ra mục tiêu là xây dựng Đà Nẵng trở thành “một trong thành phố hài hòa, thân thiện, an bình; một thành phố hấp dẫn và đáng sống”.

Sông Hàn về đêm

Sông Hàn về đêm

Xin được chia sẻ một câu chuyện. Tại kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VIII (12-2011), một đại biểu cho biết, trong thời gian diễn ra Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 31 ở Đà Nẵng (tức cũng vào tháng 12-2011), hơn 470 nhà báo hình trên cả nước đã đến tham quan Bà Nà. Hầu hết các nhà báo đều yêu mến Đà Nẵng vì sự bình yên, vẻ thoáng đãng và vì cả sự thanh lịch, mến khách của người dân.

Song, khi đi cáp treo Bà Nà lên đến đỉnh cao, các nhà báo một phen hốt hoảng vì điện bỗng dưng bị cúp. Cáp treo đột ngột dừng lại, nhiều người chao đảo. Sự cố mất điện chỉ thoáng trong 20 giây nhưng cũng đủ làm vơi đi cảm giác hào hứng, vui vẻ của du khách. Một nhà báo đã điện thoại cho vị đại biểu này và thuật lại câu chuyện, đồng thời chia rẻ rằng, sẽ tốt biết bao nếu Công ty cổ phần cáp treo Bà Nà thông báo trên loa để du khách biết về sự cố, tránh tâm lý hoang mang, lo sợ. Công ty này cũng cần làm việc với ngành điện lực để việc cúp điện không tái diễn trong lúc du khách thưởng ngoạn vẻ đẹp của Bà Nà trên hệ thống cáp treo vốn được quảng bá là hiện đại này.

Câu chuyện này được đăng tải trên Báo Đà Nẵng ngay sau đó. Và trong phiên bế mạc kỳ họp HĐND, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng đã trích thông tin từ báo và nhấn mạnh rằng, trong việc xây dựng, phát triển thành phố theo hướng văn minh, hiện đại thì không có yếu tố nhỏ nào bị bỏ qua, bởi nếu bỏ qua - dù là yếu tố nhỏ nhất - cũng có thể dẫn đến việc mất “thương hiệu”.

Thiên chức của báo chí và người làm báo là phản ánh sự thật đương diễn ra cách chính xác, nhanh và khách quan. Cái khó là phải bảo đảm các yêu cầu đó trong điều kiện sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và bảo đảm tính định hướng góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Báo Đà Nẵng trong thời gian qua đã cố gắng đáp ứng yêu cầu đó. Với các ấn phẩm: Báo Đà Nẵng ngày, Báo Đà Nẵng cuối tuần, Báo Đà Nẵng điện tử (tiếng Việt) và Báo Đà Nẵng điện tử tiếng Anh (Danang Today) cùng các ấn phẩm đặc biệt khác, Báo Đà Nẵng đều xác định phải mang hơi thở của nhịp điệu thành phố vào mỗi trang báo, để tờ báo không những phản ánh chủ trương, chính sách, hoạt động của Đảng, Chính quyền, mà còn là diễn đàn của dân trên tất cả mọi phương diện, từ chính trị, đến văn hóa, kinh tế, xã hội…
 
Với nhiều chuyên mục như Cải cách hành chính, Người tiêu dùng, Lao động và việc làm, Du lịch, Xây dựng văn hóa - văn minh đô thị,Xã giao thường thức, Văn minh thương mại, Những điều nghe thấy, An ninh trật tự, Bạn đọc với Báo Đà Nẵng…, các sổ tay kinh tế, văn hóa, giáo dục… Rồi phải kể đến các diễn đàn để người dân chia sẻ quan điểm, suy nghĩ, cảm xúc trước một chủ trương, chính sách hoặc một sự kiện quan trọng của cả nước nói chung và của Đà Nẵng nói riêng. Có thể xem là hạnh phúc cho chúng tôi khi có một vấn đề chưa đúng, chưa hay xảy ra trên địa bàn được phản ánh trên Báo Đà Nẵng đều được lãnh đạo thành phố ghi nhận và xử lý.

Đó có thể chỉ là một việc nhỏ như bảng tên đường bị mờ, một tấm băng-rôn bị rơi chữ, sai chính tả hoặc đặt chưa đúng chỗ, một đống rác hay xà bần tồn tại giữa phố hoặc ở khu dân cư mà không được thu dọn... cho đến những vấn đề lớn như  việc phê phán sự chậm cải cách hành chính; chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm để xây dựng các tuyến đường ở khu dân cư; việc đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố vào cuộc sống; sự sẻ chia với người nghèo, hướng đến xóa nghèo bền vững, gần đây như việc Đà Nẵng bị tụt hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh sau 3 năm liền đứng thứ nhất, nhưng đến 2011 xuống hậng 5 được báo Đà Nẵng phản ánh và có nhiều bài phân tích đậm nét. 

Đà Nẵng từ chỗ cả thành phố chỉ có hơn 360 con đường có tên, sau 15 năm tăng lên hơn 1.260 con đường có tên. Hầu như tất cả con đường nội thị đều được cải tạo, mở rộng, hàng trăm con đường rộng và đẹp được xây mới. Các tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Trường Sa được xem là một trong số những con đường ven biển đẹp nhất nước hiện nay. Diện mạo của thành phố thay đổi, cuộc sống của người dân được cải thiện. Cái khó nhất có lẽ không phải là việc chỉnh trang đô thị, dù đó là công việc khổng lồ.

Đồng chí Mai Đức Lộc - Tổng Biên tập báo Đà Nẵng đọc tham luận tại hội thảo. Ảnh: TRẦN THANH
Đồng chí Mai Đức Lộc - Tổng Biên tập báo Đà Nẵng đọc tham luận tại hội thảo. Ảnh: TRẦN THANH

Trong hơn 15 năm trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã di dời, giải tỏa, bố trí lại chỗ ở mới cho gần 98.000 hộ, chiếm 1/3 tổng số hộ thành phố. Đã có hàng trăm khu dân cư mới được hình thành. Cái khó nhất có lẽ là việc xây dựng nếp sống thị dân, văn minh. Câu “quê em từ xã lên phường” một mặt nói lên sự thay đổi nhanh chóng của vùng đất này, mặt khác phản ánh yêu cầu mới hình thành phong cách, văn hóa đô thị không thể một sớm một chiều tự nhiên mà có được. Nhiều chủ trương đã được ban hành, nhiều biện pháp đã được triển khai để có sự ngăn nắp, trật tự.

Có rất nhiều chủ trương, hoạt động, sự kiện đã mang “thương hiệu Đà Nẵng”: Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế; nghiêm cấm bán hàng rong trên một số tuyến phố du lịch, giải quyết dứt điểm tình trạng người lang thang xin ăn dưới mọi hình thức; cán bộ, công chức không được đi học trong giờ hành chính; giúp người dân làm nghề nhặt rác chuyển đổi ngành nghề… tất cả nỗ lực của chính quyền và người dân đều không nằm ngoài việc xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Và chúng tôi có thể tự hào để nói rằng, Báo Đà Nẵng là kênh thông tin quan trọng góp phần đáng kể làm nên sự thay đổi sâu sắc trên.

Có những câu chuyện rất cảm động như: Đà Nẵng là nơi đầu tiên dành hàng chục tỷ đồng cho những người hoàn lương vay không lãi để hòa nhập cộng đồng. Năm 2010, lãnh đạo thành phố gặp mặt tất cả các ông chồng hay đánh vợ, giải thích và buộc cam kết “chừa” cái việc xấu hổ là đánh mẹ của các đứa con của mình. Tổ chức cho gần 300 thanh thiếu niên chậm tiến đi thăm trường Giáo dưỡng số 3 và khu du lịch Bà Nà; rồi cho các em lựa chọn: hoặc vào trường giáo dưỡng, hoặc được tiếp tục vui chơi, thì hơn một nửa các em sau đó có chuyển biến tốt...

Bí thư Thành ủy đã chia sẻ với các em rằng: “Thành phố luôn dang rộng vòng tay với các em. Không mong các em ai cũng trở thành bác sĩ, kỹ sư nhưng mong rằng các em trưởng thành sẽ có cuộc sống ổn định, làm người lương thiện”. Sự chia sẻ chân tình đó dường như thức tỉnh các thanh thiếu niên chậm tiến vốn phần lớn có hoàn cảnh khó khăn, phải nghỉ học, bị bạn bè lôi kéo, hoặc thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình, quay về với cuộc sống bình thường. Những câu chuyện mang tính an dân như thế khi được thể hiện trên Báo Đà Nẵng đã được đông đảo người dân thành phố đón nhận với niềm kỳ vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn, và thấy được trách nhiệm của mình trước yêu cầu phát triển của thành phố.

Việc hạn chế nhập cư của Đà Nẵng đang gây nhiều tranh cãi, nhưng hầu hết người dân thành phố này đều ủng hộ chủ trương hướng đến một thành phố có môi trường đô thị văn minh, giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành và đời sống văn hóa. Ai cũng biết mức sống quyết định lối sống, nhưng lối sống văn minh là kết quả tổng hòa của rất nhiều yếu tố, trong đó chính quyền phải có các biện pháp cụ thể, quyết liệt, bởi thực tế đương đặt ra một cách bức bách. Có ý tưởng mới nhưng phải được sự hưởng ứng của người dân, và người dân chỉ đồng tình khi họ bảo đảm được quyền lợi chính đáng trong các biện pháp của chính quyền. Mười lăm năm từ sau ngày trực thuộc Trung ương, nếu hỏi cái “được” lớn nhất của Đà Nẵng là gì? Câu trả lời là được lòng dân. Mọi thành quả phát triển đều hướng về phục vụ nhân dân. Phải chăng đó là cội nguồn của một đô thị văn minh?

Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng đặt mục tiêu phải xây dựng thành phố Singapore trở thành nơi lý tưởng để sống và nuôi dạy trẻ em. Bởi lẽ, ông cho rằng muốn xây dựng lòng tin lâu dài ở các nhà đầu tư, trước hết phải tạo cho họ sự tin tưởng vào tương lai phát triển. Khái niệm “thành phố văn minh" sẽ trở thành sự mỉa mai nếu tệ nạn xã hội không được kiểm soát, cuộc sống không bình yên, người dân không tìm thấy hạnh phúc. Báo Đà Nẵng với trách nhiệm của mình đã không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, đồng thời tự hào là đã tích cực trong việc thông tin kịp thời, chính xác, góp phần hình thành dư luận và tâm trạng, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Thành phố văn minh không thể tách rời hoạt động báo chí, và bản thân báo chí cũng phải không ngừng tự hoàn thiện, nhất là đối với hoạt động của báo Đảng hiện nay.

BAN BIÊN TẬP BÁO ĐÀ NẴNG

Tin cùng chuyên mục