Báo Hà Nội Mới với nhiệm vụ xây dựng thủ đô văn minh hiện đại

Báo Hà Nội Mới với nhiệm vụ xây dựng thủ đô văn minh hiện đại

Trước tiên, tôi thay mặt báo Hànộimới xin chúc các qúy vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc, chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn Báo Sài Gòn Giải Phóng đã đăng cai tổ chức Hội thảo quan trọng này.

Xây dựng đô thị văn minh, hiện đại trong thời kỳ hội nhập hiện nay đang là vấn đề nóng tại các diễn đàn từ trung ương đến địa phương. Vì vậy, hội thảo của chúng ta  với nội dung “Báo Đảng và nhiệm vụ góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại” hôm nay rất có ý nghĩa, đặc biệt đối với công tác tuyên truyền, định hướng thông tin của báo Đảng. Trong hội thảo này, tôi muốn đề cập trách nhiệm của Báo Hànộimới đối với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại.
        
Xây dựng thành phố văn minh, hiện đại là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài. Mỗi thành phố, có đặc trưng riêng, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa cũng khác nhau dù đó là 5 đô thị tiêu biểu của Việt Nam kể từ thời kỳ chuyển giao giữa đô thị cổ phương Đông sang đô thị hiện đại. Sự khác biệt ấy phải có lộ trình, phương pháp, cách thức phù hợp với nhiệm vụ xây dựng đô thị văn minh ở mỗi nơi.  

Ngã tư Phố Huế, Đại Cồ Việt, Bạch Mai, Trần Khát Chân. Ảnh: Bá Hoạt

Ngã tư Phố Huế, Đại Cồ Việt, Bạch Mai, Trần Khát Chân. Ảnh: Bá Hoạt

Thủ đô Hà Nội, trong quá trình phát triển cũng có thuận lợi, khó khăn, những hệ lụy không mong muốn bên cạnh thành tựu đáng phấn khởi. Có nhiều việc lớn đã được thực hiện thành công, nhưng cũng có những thất bại tạm thời để lại bài học kinh nghiệm sâu sắc, thậm chí hệ quả nặng nề. Từ những vấn đề của Hà Nội, và nhất là bài học kinh nghiệm của báo Hànộimới trong việc tham gia thực hiện nhiệm vụ chung của thành phố, chúng tôi hy vọng được đồng nghiệp báo Đảng địa phương ghi nhận, bổ sung, góp ý thêm, giúp chúng tôi tiếp tục hoàn thiện công việc của mình.

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa các bạn đồng nghiệp!

Thủ đô Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, đến nay vẫn còn lưu lại nhiều chứng tích lịch sử của đất nước, của Thủ đô. Mỗi địa danh, mỗi tên phố, tên đường, công trình kiến trúc lưu dấu công lao của ông cha, những giai đoạn lịch sử quan trọng thể hiện chủ nghĩa anh hùng và nền văn hiến được hun đúc qua hàng nghìn năm... Và nét thanh lịch của người Hà Nội vừa là nét đặc trưng thể hiện văn hiến Thăng Long - Hà Nội, vừa là hồn cốt của của mảnh đất văn vật đã nức tiếng là nơi " lắng hồn núi sông ngàn năm" . 

Thủ đô Hà Nội vẫn đang trong quá trình phát triển, hướng tới văn minh, hiện đại. Bên những công trình hoành tráng mang dấu ấn thời đại mới là màu sắc cổ xưa, những thành quách, đền đài cổ kính tạo dấu nối giữa quá khứ - hiện tại và bổ sung cho nét đẹp Hà Nội trong tiến trình hội nhập sâu rộng, giúp cho vẻ đẹp ấy không bị hòa tan. Tuy thế, xét về tiêu chí hiện đại, văn minh, trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra gấp gáp, Thủ đô vẫn còn nhiều việc phải làm.

Văn minh đô thị là một khái niệm rộng. Một thành phố được coi là văn minh, hiện đại theo đúng nghĩa của từ này chỉ khi nó có đầy đủ điều kiện tạo ra môi trường sống thỏa mãn nhu cầu của  cư dân ở mức độ cao, từ điều kiện sống và làm việc, học tập, sinh hoạt giải trí, giao thông… Và khi sống trong thành phố ấy, bằng sự tự ý thức, trong con người ta rất khó xuất hiện lối ứng xử đi ngược lại lề lối được duy trì bởi số đông, dựa trên những định chế xã hội. Để xây dựng một thành phố hiện đại, văn minh, ngoài tiềm lực vật chất thì yếu tố con người giữ vai trò đặc biệt quan trọng, thể hiện ở ý thức tự giác tham gia xây dựng cộng đồng văn minh của mỗi cư dân đô thị và đề ra giải pháp quản lý, phát triển đô thị. 

Muốn được như vậy thì vấn đề đầu tiên và cũng tối quan trọng là  vấn đề quản lý phát triển Thủ đô Hà Nội. 

Hà Nội là thủ đô văn hiến, truyền thống văn hóa ngàn đời. Điều đó rất đúng. Tuy nhiên, nếu xét theo tiêu chí đô thị văn minh, hiện đại thì Hà Nội còn nhiều hạn chế. Những khiếm khuyết đã bộc lộ từ lâu, đặc biệt là khi có sự thay đổi về cơ chế quản lý, xóa bỏ bao cấp và bước vào thời kỳ hội nhập mạnh mẽ.

Thủ đô đã và đang phải đối mặt với  những khiếm khuyết - những khiếm khuyết có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cơ bản là tư duy mang tính lịch sử.

Chẳng hạn như về lĩnh vực quy hoạch và quản lý đô thị, có liên quan đến tư duy phát triển. Vào cuối triều Nguyễn và trong thời kỳ Pháp thuộc tiếp sau đó, những chính sách cơ bản về phát triển đô thị đã để lại hệ lụy, đặc biệt là về  quy hoạch tổng thể phục vụ cho việc quản lý đô thị. Sự thiếu quan tâm đầy đủ của nhà nước phong kiến và chính quyền thực dân đã vô tình dung dưỡng những yếu tố tiền đề hình thành lối tư duy phát triển tự phát, manh mún và nếp sống tùy tiện. 

Sau này, khi hòa bình lập lại rồi qua thời chống Mỹ, thậm chí là sau hơn 20 năm đổi mới, Thủ đô Hà Nội vẫn còn loay hoay với vấn đề quy hoạch tổng thể. Trên phương diện quản lý, dù mục tiêu phát triển Hà Nội, với vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học của cả nước thành một đô thị thực sự hiện đại, văn minh, đã xuất hiện từ lâu nhưng thực tế là Hà Nội thiếu một cơ sở xã hội đầy đủ để thực hiện điều đó. Về cơ bản, những yêu cầu quản lý đô thị một cách chủ động, hướng tới mục tiêu văn minh, hiện đại chỉ đạt được ở mức độ khiêm tốn.

Quản lý và phát triển Thủ đô trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh như trong hơn hai thập niên vừa qua, những yếu kém nảy sinh là điều khó tránh khỏi. Trên thực tế, sự bất cập về quản lý đô thị thể hiện trên nhiều phương diện, không cứ gì quy hoạch, mà ngay từ quản lý xây dựng, đất đai, môi trường, giao thông đến văn hóa, nếp sống, lối sống. Bởi vậy, nâng cao chất lượng quản lý đô thị ở Hà Nội để phục vụ định hướng phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài. Công tác ấy phải được đặt đúng vị trí là một khoa học liên ngành, mang tính tổng hợp và rõ tính dự báo nhằm bảo đảm cho Hà Nội phát triển ổn định, bền vững. 

Có nhiều cách đặt vấn đề về nội hàm quản lý đô thị nhưng về cơ bản, trước mắt cần và nhất thiết phải nâng cao hiệu quả quản lý trên những lĩnh vực quan trọng như quy hoạch xây dựng, cải cách hành chính, phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa, trong đó coi trọng việc xử lý khéo léo mối quan hệ thành thị - nông thôn, đặc biệt là khi Hà Nội đã có sự mở rộng địa giới hành chính một cách đáng kể từ 4 năm trước. Để các giải pháp quản lý và phát triển Hà Nội thu được hiệu quả thì điều quan trọng không chỉ là đề ra giải pháp đúng, mà còn là huy động sức mạnh tổng hợp để tổ chức thực hiện, lọai trừ những yếu tố gây hệ lụy xấu đến việc thực hiện định hướng, đặc biệt là nạn tham nhũng, sự cồng kềnh, chồng chéo về thủ tục hành chính.

Hà Nội với tư cách là Thủ đô của cả nước, công tác quản lý đô thị cần có sự phối hợp ăn ý giữa cơ quan quản lý địa phương và các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn. Trên thực tế, sự phối hợp không tốt làm hạn chế hiệu quả quản lý phát triển Thủ đô. Phân tích thực trạng hợp tác, ta dễ dàng  nhận thấy tình trạng trông chờ, đùn đẩy "lên trên"; sự chồng chéo, "làm thay"… có thể xuất hiện nếu sự phân cấp quản lý, phối hợp quản lý không được tốt. Một số bộ, ban, ngành trung ương chưa nhận thức sâu sắc và thể hiện đầy đủ trách nhiệm trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Việc phân công, phân cấp ở một số lĩnh vực chưa rõ ràng, còn chồng chéo nên chưa khai thác tốt tiềm năng trên địa bàn. Một số địa phương, trước hết là các tỉnh lân cận Hà Nội, chưa chủ động phối hợp với Hà Nội để xây dựng và thực hiện các chương trình kế hoạch hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa một cách hiệu quả.  

Chất lượng mô hình tổ chức và quản lý, phân cấp quản lý, vai trò liên kết vùng có ý nghĩa quan trọng. Thực tế xây dựng đô thị - thủ đô ở nhiều nước cho thấy có thể tính đến sự hình thành vùng thủ đô, với một hội đồng gồm những người đứng đầu về hành chính của Hà Nội và các tỉnh phụ cận để tạo ra sự thống nhất trong quy hoạch không gian đô thị phục vụ nhu cầu phát triển Hà Nội theo chiến lược dài hạn. Cần tiếp tục phân cấp quản lý mạnh mẽ trên cơ sở tổng kết thực tiễn, rút ra bài học cần thiết. 

Trong bối cảnh ấy, báo chí cả nước và báo chí Thủ đô, trong đó có Hànộimới có thể và cần phải làm gì để góp phần nâng cao chất lượng phát triển Thủ đô một cách bền vững?

Đó là một câu hỏi lớn, một nhiệm vụ nặng nề với Hànộimới nói riêng, một đơn vị báo chí có bề dầy lịch sử hơn nửa thế kỷ và trong suốt quá trình đó đã đạt được thành quả đáng tự hào.

Về mặt định hướng tuyên truyền, chúng tôi xác định rõ quan điểm hoàn toàn ủng hộ định hướng lớn về phát triển Thủ đô, những giải pháp cơ bản đã được Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo TP Hà Nội thông qua. Vấn đề là theo sát quá trình tổ chức thực hiện, những biện pháp cụ thể cần bổ sung cho phù hợp thực tế. Quan điểm là cổ vũ, động viên những việc làm đem lại lợi ích cho cộng đồng, trực tiếp góp phần tạo hiệu quả quản lý đô thị; nêu tiếng nói phản biện mang tính xây dựng với những hành vi gây bất lợi cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Trong quá trình thông tin tuyên truyền, với những vấn đề nóng về quản lý đô thị hiện nay, như hạn chế về tổ chức giao thông đô thị, quản lý đất đai, cải cách hành chính công, bảo đảm môi trường, xây dựng nếp sống…, Báo Hànộimới đã và đang thực hiện nhiều lọat bài, đưa ra cái nhìn tương đối toàn diện về vấn đề dư luận quan tâm, gợi ý cách thức giải quyết vấn đề. Những lọat bài quan trọng ấy được thực hiện theo kế hoạch cụ thể, sự phân công rõ ràng và thường là do nhiều ban chuyên môn phối hợp thực hiện.

Báo Hànộimới có một số ấn phẩm như Hànộimới hằng ngày, Hànộimới cuối tuần, Hà Nội ngày nay, Hànộimới điện tử. Sự đa dạng về ấn phẩm giúp chúng tôi có được sự chủ động trong tuyên truyền, trong đó có tuyên truyền về lĩnh vực quản lý đô thị.

Từ lâu, đội ngũ PV đã hình thành sự phân định hình thức thông tin phù hợp với đặc điểm riêng của từng ấn phẩm trong quá trình tuyên truyền: nếu ấn phẩm Hànộimới hằng ngày theo sát sự kiện với tiêu chí nhanh, kịp thời, chính xác thì các ấn phẩm khác, với điều kiện về dung lượng, thời gian, có thể thông tin một cách sâu hơn. Các ấn phẩm Hànộimới thường xuyên có hệ thống chuyên mục ổn định về Thăng Long - Hà Nội, trong đó có nội dung tuyên truyền về lĩnh vực quản lý đô thị như “Thăng Long - Hà Nội”, "Chuyện quản lý", "Qua đường dây nóng", "Mỗi ngày một chuyện", “Phóng sự - Điều tra”…Nhiều chuyên mục mới, quan trọng được hình thành như “Luận bàn và hành động”, “Suy ngẫm đầu tuần”, “Đối thoại chủ nhật” có dung lượng tương đối lớn, đề cập những vấn đề quan trọng nảy sinh trong đời sống xã hội. Những cuộc thi viết như "Cả nước cùng Thủ đô hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" diễn ra trong 10 năm (kết thúc năm 2010), “Nét đẹp người Thủ đô” hay cuộc thi viết về môi trường – do báo Hànộimới và Quỹ Môi trường Hà Nội mới phát động trong tháng 2-2012 đã có những bài viết bổ ích, góp phần vào thực hiện nhiệm vụ chung của thành phố.

Báo Hànộimới tổ chức những chiến dịch truyền thông với sự tham gia của các PV chuyên viết về các lĩnh vực khác nhau trong phát triển đô thị và các cộng tác viên là những học giả, nhà báo có tên tuổi. Những chiến dịch truyền thông như vậy đã mang lại hiệu quả nhất định trên phương diện tuyên truyền, định hướng dư luận.

Đồng chí TÔ QUANG PHÁN - Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới đọc tham luận tại hội thảo. Ảnh: TRẦN THANH

Đồng chí TÔ QUANG PHÁN - Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới đọc tham luận tại hội thảo. Ảnh: TRẦN THANH

Bên cạnh những bài viết khuyến khích động viên những nhân tố mới trong quá trình xây dưng phát triển Thủ đô theo hướng văn minh hiện đạo, Báo Hànộimới cũng tăng cường đăng những bài viết phê phán, đấu tranh với những biểu hiện mòn cũ về tư duy, ngăn cản sự phát triển, đặc biệt là đấu tranh với thói quen cũ theo lỗi "lâu nay nó vẫn thế" của không ít thành viên trong cộng đồng, kể cả những cán bộ, công chức. Thói quen cũ dù đã không phù hợp với yêu cầu mới của một Thủ đô văn minh, hiện đại, nhưng để thay đổi lại là việc rất khó khăn.  Báo Hànộimới cũng đã phải tranh luận, đấu tranh gay gắt với những cá nhân, cơ quan nhà nước các cấp trong việc bảo vệ quan điểm mới về xây dựng, quản lý đô thị. Bởi vì những cá nhân đó, cơ quan đó khi làm ngược lại xu thế phát triển thường nhân danh truyền thống. Mà sự nhân danh truyền thống lại có vẻ có sức nặng. Nhưng cuối cùng, với sự kiên trì, ý thức trách nhiệm cao,  Báo Hànộimới đã thành công trong cuộc đấu tranh đó. 

Rất mừng là lãnh đạo TP Hà Nội đã rất ủng hộ Báo Hànộimới, thường xuyên yêu cầu các đơn vị, cơ quan phải kiểm tra, làm rõ để trả lời thành phố và Báo Hànộimới  về những vấn đề báo nêu. Đồng thời lãnh đạo thành phố cũng coi báo Hànộimới là một kênh thông tin quan trọng trong công tác quản lý, điều hành xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. 

Tuy nhiên, phải thẳng thắn ràng, trong tình mới, báo Hànộimới nhận thấy còn nhiều điều phải bổ khuyết. Chẳng hạn như hệ thống tin, bài, chuyên mục cần phải sắp xếp lại cho phù hợp hơn; nội dung gần đời sống hơn nữa, thiết thực và sinh động, hướng tới điều mà bạn đọc đang cần. Để đạt tới điều đó thì ngoài các giải pháp về chuyên môn, chúng tôi đang tiến hành một lọat biện pháp về mặt tổ chức, như xây dựng đề án tòa sọan điện tử tích hợp, xây dựng đề  án quy hoạch phát triển báo tầm nhìn đến năm 2020 trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện, đa sản phẩm của Thành ủy Hà Nội. 

Hôm nay, nhân hội thảo báo Đảng 5 thành phố trực thuộc Trung ương, chúng tôi xin nêu một số vấn đề liên quan đến chủ đề hội thảo, từ trường hợp quản lý đô thị phát triển Thủ đô cũng như vài nét về công tác tuyên truyền của Báo Hànộimới nhằm góp phần phục vụ phát triển đô thị văn minh, hiện đại. Mong được sự góp ý của các bạn đồng nghiệp để công tác tuyên truyền của chúng tôi ngày một tốt hơn.

Xin cảm ơn quý vị đại biểu đã chú ý lắng nghe. Chúc hội thảo thành công tốt đẹp!

TÔ  QUANG PHÁN
Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục