Nan giải quản lý rác dân lập. Bài 2: Chuyển dần lên chính quy

Phân loại đường dây rác
Nan giải quản lý rác dân lập. Bài 2: Chuyển dần lên chính quy

Không chỉ không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường, 100% lực lượng thu gom rác dân lập hiện nay sử dụng trang thiết bị lạc hậu. Muốn cải thiện chất lượng vệ sinh và đồng bộ hóa trang thiết bị thu gom rác, nhất thiết phải chuyển đổi lực lượng này theo hướng chính quy. Tuy nhiên, việc thực hiện lại không đơn giản.

Phương tiện thu gom rác dân lập cần được đầu tư nhiều hơn. Ảnh: Cao Minh

Phương tiện thu gom rác dân lập cần được đầu tư nhiều hơn. Ảnh: Cao Minh

Phân loại đường dây rác

Theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Tổ chức hành động vì môi trường và phát triển Việt Nam, để có thể quản lý được lực lượng thu gom rác dân lập, cần phải công nhận quyền chuyển nhượng đường dây rác và phân loại hình thức hoạt động của các đường dây rác để chuyển hóa tổ chức quản lý. Cụ thể, đối với việc công nhận sang nhượng đường dây rác, đây là cách nhà nước công nhận công sức gây dựng lên đường dây rác như một tài sản vô hình của người thu gom rác dân lập. Việc công nhận này cần bổ sung luôn vào văn bản “quy định quản lý và tổ chức hoạt động lực lượng thu gom chất thải rắn thông thường tại nguồn trên địa bàn thành phố” mà Sở TN-MT TPHCM đang trình HĐNDTP phê duyệt. Cách làm này sẽ là cơ sở để chủ đường dây rác đăng ký chính thức với chính quyền để được bảo vệ quyền lợi và cũng dễ dàng cho chính quyền quản lý khi họ thực hiện sang nhượng.

Đối với việc phân loại hình thức hoạt động, hiện có loại hình chủ yếu như hợp tác xã, nghiệp đoàn, tổ thu gom rác, công ty tư nhân thu gom rác và chủ đường dây rác hoạt động tự do. Trong đó, chủ đường dây rác hoạt động tự do chiếm đa số. Từ cơ sở này, trước hết có thể chọn những đường dây rác có quy mô lớn, đủ khả năng tài chính liên kết hoặc tự thành lập công ty tư nhân. Công nhân được thuê làm tại công ty sẽ được đảm bảo điều kiện chính sách lao động. Về phía chính quyền sẽ hỗ trợ họ bằng những giải pháp kinh tế như miễn giảm thuế, hỗ trợ thủ tục hành chính và tài chính để mua lại đường dây rác và tái đầu tư trang thiết bị phù hợp. Riêng với những chủ đường dây rác quy mô nhỏ hoặc vừa, không có khả năng lập công ty thì có thể định hướng để chuyển đổi sang những hình thức như tổ hợp tác, tổ tự quản, hợp tác xã, nghiệp đoàn… dưới sự quản lý của chính quyền địa phương.

Ông Ngô Thông Định, Chủ tịch Hợp tác xã dịch vụ thương mại Thông Hiệp Phát cho biết, bản thân những người hoạt động trong lĩnh vực thu gom rác dân lập cũng rất mong các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội quan tâm hỗ trợ để được chuyển đổi lên lực lượng chính quy. Bởi xét cho cùng, đây là một ngành nghề khó nhọc, nhiều nguy hiểm và nếu không dần chuyển sang chính quy thì thiệt thòi vẫn là người thu gom rác dân lập. Tuy nhiên, ngoài các chính sách hỗ trợ thiết thực như trên, kiến nghị cơ quan chức năng nâng mức phí thu gom lên cao hơn so với mức phí thực tại là 15.000-20.000 đồng vì mức phí này đã lỗi thời, nhất là khi giá cả tăng.

Gỡ khó từng bước

Ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN-MT cho biết, sở đang thí điểm chính quy hóa từng bước lực lượng thu gom rác dân lập bằng cách thành lập mô hình hợp tác xã và nghiệp đoàn rác. Hiện đã hình thành 15 hợp tác xã và 5 nghiệp đoàn rác. Tuy nhiên, bước đầu do chính sách còn nhiều bất cập nên các hợp tác xã thành lập không được hỗ trợ chi phí thành lập là 30 triệu đồng như các hợp tác xã nông nghiệp. Một số hợp tác xã vừa mới hình thành nhưng đang có nguy cơ giải thể vì không đảm bảo chi phí thực hiện. Có những hợp tác xã thời gian đầu còn đóng bảo hiểm y tế cho xã viên nhưng về sau chỉ hỗ trợ hoặc không đóng luôn vì nguồn thu phí quản lý không đủ.

Hiện ban quản lý hợp tác xã chỉ được giữ lại 2% trong 10% phí quản lý, số còn lại phải đóng cho phường. Đến nay đã có 3/15 hợp tác xã và 3 nghiệp đoàn rác đã giải thể. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ chính quy hóa lực lượng thu gom rác dân lập. Về phía sở đã trình UBND TP chính sách hỗ trợ vốn cho các xã viên thay đổi trang thiết bị thu gom rác. Đồng thời cho phép thay đổi mức phí thu gom rác vốn đã lạc hậu, tạo điều kiện tăng nguồn phí quản lý cho các hợp tác xã hoạt động. Tuy nhiên, đến nay những chính sách hỗ trợ trên chưa được thông qua.

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền nhấn mạnh thêm, ngoài việc khắc phục những bất cập trên, cần chuẩn hóa vai trò và trách nhiệm của UBND phường xã, quận và thành phố trong công tác quản lý, thống nhất hoạt động thu gom rác trên địa bàn. Trong đó, vai trò UBND phường xã là quan trọng nhất. UBND phường xã thực hiện giám sát việc thực hiện hợp đồng, chất lượng và mức phí thu gom rác giữa chủ đường dây rác và hộ gia đình. Đồng thời, giải quyết tốt tranh chấp giữa các tổ chức, cá nhân thu gom rác trên địa bàn mình quản lý.

Với cấp quận huyện cần đảm bảo cơ chế phối hợp giữa công ty công ích quận huyện và các lực lượng thu gom rác dân lập. Từng bước giảm dần đầu mối quản lý thu gom rác dân lập và chuyển sang hoạt động chính quy thông qua chính sách hỗ trợ kinh tế nêu trên. Về phía thành phố sớm có chính sách hỗ trợ để các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này được đầu tư, cải tạo trang thiết bị, tăng nguồn thu để bù đắp chi phí hoạt động. Nếu có sự phối hợp đồng bộ như vậy thì mới mong có thể chuyển đổi dần mô hình thu gom rác thải tự phát sang có tổ chức và quản lý của cơ quan chức năng. Từ đó, nâng chất lượng quản lý, thu gom và xử lý rác thải.

MINH XUÂN - THI HỒNG

- Bài 1: Rối như tơ vò

Tin cùng chuyên mục