Bão Haiyan lướt dọc biển Trung bộ, ảnh hưởng đến Bắc bộ

Hôm qua 9-11, siêu bão Haiyan đã tiến vào biển Đông và cơ quan dự báo khí tượng - thủy văn xây dựng một đường di chuyển của bão theo dự báo rất “kỳ quái”. Theo đó, bão sẽ đổi hướng so với dự báo ban đầu và có thể lướt dọc bờ biển các tỉnh từ Nam Trung bộ lên tận Bắc Trung bộ, đồng thời còn ảnh hưởng tới cả khu vực Bắc bộ.
Bão Haiyan lướt dọc biển Trung bộ, ảnh hưởng đến Bắc bộ

Hôm qua 9-11, siêu bão Haiyan đã tiến vào biển Đông và cơ quan dự báo khí tượng - thủy văn xây dựng một đường di chuyển của bão theo dự báo rất “kỳ quái”. Theo đó, bão sẽ đổi hướng so với dự báo ban đầu và có thể lướt dọc bờ biển các tỉnh từ Nam Trung bộ lên tận Bắc Trung bộ, đồng thời còn ảnh hưởng tới cả khu vực Bắc bộ.

Dự báo đường đi của siêu bão Haiyan (nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 20 giờ 45 phút ngày 9-11).

Dự báo đường đi của siêu bão Haiyan (nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 20 giờ 45 phút ngày 9-11).

        Đe dọa các tỉnh phía Bắc

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, dự báo mới nhất cho thấy cơn bão Haiyan sẽ không chỉ đe dọa tới các tỉnh ở miền Trung mà cả miền Bắc. Với diễn biến như hiện nay, các tỉnh ven biển từ Phú Yên đến Quảng Nam cần phải đề phòng bão có cường độ từ cấp 7 đến cấp 9 và giật cấp 10 đến cấp 12. Còn các tỉnh trực diện khi bão áp sát là Đà Nẵng đến Hà Tĩnh thì phải đề phòng bão mạnh từ cấp 9 đến cấp 12, thậm chí có thời điểm lên tới cấp 13 giật 14, cấp 15. Tại các tỉnh từ Thanh Hóa và Nghệ An cũng đề phòng gió bão mạnh cấp 6 đến cấp 8 và giật cấp 9 cho đến cấp 11. Khi bão lướt ngược lên phía Bắc, toàn bộ vịnh Bắc bộ sẽ chịu ảnh hưởng của cả hoàn lưu bão Haiyan và gió mùa Đông Bắc tăng cường xuống vào ngày 10-11.

Dự báo sáng 10-11, bão Haiyan sẽ áp sát vùng biển Quảng Ngãi và Đà Nẵng, sau đó men theo bờ biển nước ta và tiến dần vào bờ cho đến phía Bắc địa phận tỉnh Quảng Bình, tâm bão sẽ nằm hoàn toàn trên đất liền. Do ma sát trong quá trình di chuyển từ khu 5 lên khu 4, bão sẽ giảm cấp. Nhưng cũng vì vậy mà gây mưa lớn cho Trung bộ và Bắc bộ.

Ngoài các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp bão Haiyan thì hiện có thêm dự báo mới là tàn dư của bão sẽ đi vào vịnh Bắc bộ và gây ra đợt mưa lớn bao trùm toàn bộ khu vực Bắc bộ. Mưa bắt đầu từ trưa và chiều 10-11 có thể kéo dài tới ngày 11-11, thậm chí có một số nơi kéo dài đến ngày 12-11. Dự kiến lượng mưa ở nơi thấp nhất cũng trên dưới 100mm, nơi nhiều lên tới trên 300mm, một số nơi mưa lớn có thể lên tới 400 - 500mm. Do đó, lũ trên các sông ở Bắc bộ và miền Trung sẽ lên nhanh, vùng núi cần đề phòng lũ quét sạt lở đất.

        Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè

Ngày 9-11, Thủ tướng Chính phủ có công điện thứ 2 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động đối phó với siêu bão Haiyan. Theo đó, các bộ, ngành, cơ quan và UBND các tỉnh từ Bình Thuận đến Quảng Ninh tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trên biển về bờ hoặc đến nơi trú ẩn an toàn; tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền; di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè…

Thủ tướng cũng yêu cầu tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, công trình, kho tàng, bến bãi; có phương án cụ thể để sơ tán dân vùng cửa sông, ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở, nhà ở không đảm bảo an toàn; chủ động cho học sinh nghỉ học, hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo phòng chống bão lũ. Các tỉnh miền núi phía Bắc triển khai và rà soát ngay các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống để chủ động sơ tán, di dời dân đảm bảo an toàn.

Thủ tướng cũng yêu cầu Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương phải cập nhật liên tục diễn biến của bão Haiyan (1 giờ/lần) thông tin cho các cơ quan truyền thông biết; các đài truyền hình, đài phát thanh Trung ương và địa phương phải cập nhật thường xuyên (1 giờ/lần) diễn biến của cơn bão để thông báo cho nhân dân.

        Đồng loạt chuẩn bị ứng phó siêu bão

Hôm qua 9-11, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã họp Ban chỉ đạo ứng phó với siêu bão và có công điện khẩn gửi 63 tỉnh, thành hội chuẩn bị và ứng phó nhanh với siêu bão. Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng cử cán bộ trực 24/24, mở đường dây nóng tiếp nhận thông tin về bão; chuẩn bị 5.000 thùng hàng, tiền và cơ số vật chất thiết yếu sẵn sàng cứu trợ kịp thời nhân dân.

Sau khi đi kiểm ta công tác phòng chống bão Haiyan tại các vùng xung yếu ở Quảng ngãi, Quảng Nam và TP Đà Nẵng, chiều tối 9-11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc họp khẩn với các bộ, ngành và Quân khu 5 nhằm triển khai tiếp các biện pháp ứng phó khẩn cấp với bão đang áp sát các địa phương miền Trung.

Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, đến thời điểm này đã huy động gần 22.000 bộ đội, dân quân tự vệ, lực lượng hiệp đồng cùng với 56 ô tô, 24 xe đặc chủng, 88 ca nô, 2 máy bay trực thăng... giúp dân chèn chống nhà cửa, sơ tán dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Sẵn sàng cơ động xử lý những tình huống khẩn cấp. Đến 18 giờ cùng ngày, đã tiến hành sơ tán được khoảng 80% số hộ dân cần di dời đến nơi an toàn.

Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương thành lập 99 đoàn với khoảng 19.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp sơ tán nhân dân. Đồng thời bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông tại những khu vực bị ngập sâu, chảy xiết do lũ lớn. Đến khoảng 9 giờ sáng 10-11 sẽ hạn chế các phương tiện lưu thông và tiến hành nghiêm cấm lưu thông tại nhiều tuyến đường (đặc biệt là trên tuyến QL1A) khi bão đổ bộ vào đất liền.

Bộ Công thương chuẩn bị hơn 500.000 gói mì tôm, gần 2.000 tấn gạo sẵn sàng cứu trợ người dân tại những vùng bị cô lập, chia cắt. Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ giám sát chặt chẽ quy trình xả lũ của các hồ thủy điện, nhằm tránh để xảy ra việc xả lũ trong đêm tối, khi lũ đang dâng cao. Tính đến 18 giờ ngày 9-11, trên địa bàn miền Trung đang có 19 hồ thủy điện, hồ thủy lợi xả lũ.

Cùng ngày, Bộ Y tế đã yêu cầu các vụ, cục trực thuộc và sở y tế các tỉnh thành phố từ Thanh Hóa đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên khẩn trương triển khai ngay các phương án chủ động phòng chống mưa bão. Các sở y tế phải huy động toàn bộ lực lượng y tế của địa phương phối hợp với lực lượng quân y trên địa bàn chủ động đối phó với bão. Sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão... và tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa, bão, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống gây ra.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ TT-TT, hôm qua cả 3 mạng di động VinaPhone, MobiFone và Viettel đều đã thực hiện việc nhắn tin, nhắc nhở siêu bão số 14 Haiyan chuẩn bị đổ bộ vào Việt Nam; gấp rút tập trung lực lượng, thiết bị để ứng phó với bão; trang bị đầy đủ nhân lực, thiết bị đến ứng trực tại vị trí trọng yếu thuộc các tỉnh có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão.

Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã rà soát toàn bộ hành lang điện lưới miền Trung - Tây Nguyên. Với phương châm bão, lũ đến đâu thì cắt điện đến đó; và ngay sau khi bão tan, lũ rút thì đóng điện trở lại để phục vụ đời sống người dân cũng như công tác khắc phục được thuận lợi.

Ngày 9-11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng đã thị sát và chỉ đạo công tác phòng chống siêu bão Haiyan tại tỉnh Thừa Thiên - Huế và tỉnh Quảng Trị.

NHÓM PV

Người dân xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP đà Nẵng dùng can nhựa chứa đầy nước để chèn mái nhà chống bão.

Người dân xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP đà Nẵng dùng can nhựa chứa đầy nước để chèn mái nhà chống bão.


Ghi nhanh: Tất bật trước cơn bão dữ

Chưa bao giờ công tác triển khai phòng chống bão tại các tỉnh, thành ven biển miền Trung được đẩy lên cao độ như trong cơn bão Haiyan này. Lần đầu tiên trong mấy chục năm qua, số dân phải sơ tán, chạy bão ở miền Trung vượt qua con số nửa triệu người.

Trong suốt ngày 9-11, người dân, các cấp chính quyền địa phương cùng các lực lượng bộ đội, công an… đã dừng tất cả những công việc không cần thiết để tập trung cho công tác phòng chống bão Haiyan. Công tác chèn chống nhà cửa, di dời đồ đạc, sơ tán người dân tại những vùng xung yếu, vùng ven biển đã cơ bản hoàn thành vào cuối giờ chiều ngày 9-11. Lần đầu tiên từ trước đến nay, các tỉnh, thành miền Trung đã tiến hành sơ tán, di dời số hộ dân lên đến 165.106 hộ với 611.065 nhân khẩu.

Người dân Đà Nẵng đổ xô mua bánh mì dự trữ vào sáng 9-11. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Người dân Đà Nẵng đổ xô mua bánh mì dự trữ vào sáng 9-11. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Tại Đà Nẵng, ngay trong ngày 9-11, trên tất cả các tuyến đường, người dân đổ xô đi xúc cát về chèn chống nhà cửa. Tại những khu vực ven biển, nhiều người dân còn tháo dỡ nhà để tránh việc bão gây thiệt hại. UBND TP Đà Nẵng đã quyết định thành lập các đội cứu hộ, cứu nạn, phòng chống khắc phục hậu quả của bão Haiyan. Đội cứu hộ trên sông được trang bị 8 ca nô và 1 xe cấp cứu. Đội ứng cứu sập đổ các công trình được trang bị 2 xe cứu hỏa, 1 xe vận tải, 10 xe múc, xe ủi, xe nâng... và 1 tiểu đội công binh tổ chức chèn chống nhà cửa, kho tàng, trường học... Đặc biệt, đội ứng cứu khẩn cấp trong bão được trang bị 2 xe thiết giáp... sẵn sàng cơ động xử lý các tình huống khẩn cấp. Chiều cùng ngày, các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng tạm dừng hoạt động sản xuất và cho công nhân nghỉ việc để tránh bão; ngừng họp chợ để đảm bảo tính mạng người dân và tiểu thương.

Về làng chài ven biển của tỉnh Quảng Ngãi sáng 9-11, tiếng loa phóng thanh vang át tiếng sóng biển. Tin về cơn bão số 14 (Haiyan) đang tiến vào biển Đông liên tục cập nhật như thúc giục người dân khẩn trương chèn chống, giằng néo nhà cửa, các công trình kiến trúc. Ông Võ Minh Vương - Phó Chủ tịch, kiêm trưởng ban phòng chống lụt bão xã Tịnh Kỳ cho biết, địa phương có khoảng 500 hộ với 2.300 nhân khẩu dọc bờ biển sẽ phải di dời đến nơi an toàn trước khi bão đến.

Đến thăm những hộ gia đình di dời đến nơi an toàn tại Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xúc động nói rằng lúc thiên tai hoạn nạn, bà con phải chịu khó đùm bọc, động viên và chia sẻ với nhau để cùng đối phó với thiên tai. Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm đến những người dân vùng bão lũ và sẽ có những hỗ trợ cần thiết để bà con vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống sau bão.

Người dân huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế lội lũ đi tránh bão Haiyan. Ảnh: VĂN THẮNG

Người dân huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế lội lũ đi tránh bão Haiyan. Ảnh: VĂN THẮNG

Cả ngày 9-11, khắp mọi thôn xóm, làng quê đến các tổ dân ở Thừa Thiên - Huế, tiếng còi hú báo động bão và thông điệp cảnh báo sức tàn phá của cơn bão Haiyan trên hệ thống loa phát thanh phát đi liên hồi. Người dân, kể cả già đến trẻ cùng dồn cát vào bao dằn lên các mái nhà tôn nhằm tránh gió mạnh thổi bay. Cây cổ thụ được cưa cắt. 100% học sinh trên địa bàn nghỉ học để thầy cô và các phụ huynh chằng chống trường lớp. Tại xã Quảng An, huyện Quảng Điền dù đường liên thôn, liên xã bị ngập lụt từ 0,5 - 0,7m nước nhưng vào trưa 9-11, khi chính quyền địa phương phát lệnh, người dân vội tay xách nách mang lội lũ đi tránh trú bão.

Huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) được xác định là địa phương chịu ảnh hưởng đầu tiên của bão số 14 khi đổ bộ vào đất liền. Từ chiều 8 kéo dài đến chiều 9-11, UBND huyện đảo đã khẩn cấp triển khai phòng chống bão. Các lực lượng xung kích trên đảo đã ra sức giúp người dân chủ động chằng chống nhà cửa. 100% hộ dân trên đảo được di chuyển đến trụ sở UBND xây dựng kiên cố để tránh trú bão. Hiện trên vùng biển xung quanh đảo Cồn Cỏ trong vòng 12 hải lý không còn tàu thuyền, nhưng việc bắn pháo hiệu cảnh báo tại đảo vẫn thực hiện. Nhu cầu lương thực thực phẩm cho người dân và các ngư dân vào đảo tránh bão đã được địa phương chuẩn bị đủ dùng trong một tuần lễ.

Ngày 9-11, chúng tôi có mặt tại xã ven biển Thạch Kim, Thạch Bằng (huyện Lộc Hà), xã Cẩm Nhượng, thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Lĩnh, Cẩm Hà (huyện Cẩm Xuyên) tỉnh Hà Tĩnh. Theo nhận định, nếu bão Haiyan đổ bộ vào Hà Tĩnh thì những xã này sẽ gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất, bởi trước đó trong cơn bão số 10, 11 rất nhiều ngôi nhà, tài sản, cây cối bị cuốn đổ nát, người dân chưa kịp gượng dậy.

Bầu trời tại các vùng ven biển Hà Tĩnh rất âm u, sóng biển đục ngầu đánh dồn dập vào bờ, gió rít mạnh, một số quán hàng nằm dọc ven biển lợp bằng tranh tre nứa lá đã bị gió thổi tốc ngược.

Tại Quảng Bình, ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt Quảng Bình cho biết, đến chiều 9-11 đã di dời đúng kế hoạch với hơn 27.000 người dân. Những căn nhà tốc mái của người dân cũng đang được bà con lợp lại cấp tốc.

Tại Nghệ An, chiều 9-11, người dân dọc các vùng ven biển đang tất bật lo chằng chống nhà cửa, di dời các cơ sở kinh doanh từ ven biển vào sâu trong đất liền. Vì trời nắng, gió nhẹ nên một số nơi người dân vẫn có tâm lý chủ quan. Vào lúc 16 giờ ngày 9-11, tỉnh này đã di dời được 4.587 hộ với 15.975 nhân khẩu khỏi các vùng nguy hiểm ven biển thị xã Cửa Lò và các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu.

NHÓM PV

- Thông tin liên quan:

>> Dừng hội họp, dồn lực chống siêu bão Haiyan

>> Cuống cuồng chạy bão

>> Cứu được tàu cá và 11 ngư dân bị nạn trong cơn bão số 13

Tin cùng chuyên mục