Các tỉnh Trung Trung bộ thoát khỏi vùng nguy hiểm

Lũ trên các sông ở miền Trung đang dâng cao
Các tỉnh Trung Trung bộ thoát khỏi vùng nguy hiểm

* 12 giờ trưa nay, người dân các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào có thể trở về nhà.

(SGGPO).- Sáng nay, 10-11, Sở Chỉ huy tiền phương phòng chống bão Haiyan do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì đã họp phiên thứ 2 tại Quân khu 5 (Đà Nẵng) với các Bộ, ngành liên quan nhằm triển khai tiếp công tác ứng phó với bão Haiyan và lũ lụt.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp tại Sở Chỉ huy tiền phương phòng chống bão Haiyan trong sáng 10-11.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp tại Sở Chỉ huy tiền phương phòng chống bão Haiyan trong sáng 10-11.

Trung Trung bộ "thở phào"

Báo cáo nhanh, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà thông báo, các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng “đã thoát nạn”. Dự báo mới nhất cho thấy cơn bão Haiyan đã đi chệch hướng ra phía Bắc, chỉ gây gió cỡ cấp 7 -8 trên các đảo và ven biển miền Trung. Từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng tình hình đã yên, nhưng kế hoạch đưa dân về cần phải cẩn thận, nhất là các vùng đảo gió vẫn mạnh.

Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh Quân Khu 5, cho biết: Từ sáng sớm ngày 9 đến sáng ngày 10-11, Quân khu 5 đã giúp chèn chống 46.213 nhà dân, 187 trường học, trạm y tế; phối hợp cùng chính quyền các địa phương tổ chức di dời 102.420 hộ với 391.745 người đến nơi an toàn. Quân khu 5 đã kịp thời sơ tán gần 1 nghìn hộ dân với trên 5 nghìn người trên các đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cù Lao Xanh (Bình Định) vào các doanh trại bộ đội trú tránh bão. Ngoài ra, cũng đã huy động cán bộ, chiến sĩ tổ chức gia cố hơn 60m kè biển ở Hội An (Quảng Nam). 

Đến sáng 10-11, Quân khu 5 vẫn đang sẵn sàng xe thiết giáp và xe lội nước để ứng cứu cho người dân.

Đến sáng 10-11, Quân khu 5 vẫn đang sẵn sàng xe thiết giáp và xe lội nước để ứng cứu cho người dân.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: Mặc dù bão Haiyan đã dịch chuyển hướng lên phía Bắc, tuy nhiên các địa phương ở miền Trung không được chủ quan, lơ là. Mọi công tác ứng phó với bão vẫn phải tiếp tục được triển khai. Đến khi bão di chuyển hẳn ra khu vực các tỉnh phái Bắc Trung bộ thì mới có thể cho người dân trở về lại nhà. Có thể là 12 giờ trưa nay hoặc sớm hơn, muộn hơn tùy vào tình hình cụ thể. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các lực lượng quân đội, công an, thanh niên.. đã giúp dân sơ tán thì cũng phải giúp dân quay về lại nhà. Đặc biệt là phải khiêng, bồng bế những người già, trẻ em, người đang mang bệnh và phải chăm sóc chu đáo.

Mặc dù bão không đổ bộ vào các tỉnh, thành khu vực Trung Trung bộ, tuy nhiên, hiện mưa lớn đang xảy ra, chính vì vậy, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp cùng các địa phương giám sát chặt các hồ thủy điện trong quá trình xả lũ. Nghiêm cấm tình trạng xả lũ trong lúc lũ đang dâng cao tại những vùng hạ du. Bên cạnh đó, phải theo dõi tình hình sạt lở ở khu vực miền núi, tiến hành giải phóng ngay những đoạn đường bị ách tắc, tránh xảy ra tình trạng cô lập.

“Ngay từ lúc này, Bộ Công thương cũng như các địa phương phải đảm bảo lương thực, thực phẩm; không để xảy ra tình trạng người dân thiếu đói. Không phải vì thành tích mà che giấu việc người dân thiếu lương thực. Nếu cần thiết thì báo cáo ngay với Chính phủ để hỗ trợ kịp thời” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Mưa, dông vẫn rất to

Bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương phát lúc 11 giờ 30 trưa nay, 10-11, cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Đồng Hới (Quảng Bình và Thuận An (Huế) đã có gió giật mạnh cấp 7. Ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió giật mạnh cấp 8. Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa vừa đến mưa to; lượng mưa phổ biến tính đến 10 giờ sáng nay (10-11) khoảng 40 – 100mm, một số nơi lớn hơn như Bạch Mã (Huế) 159mm, Nam Đông (Huế) 106mm; Trà Bồng (Quảng Ngãi) 136mm, Bình Đông (Quảng Ngãi) 102mm.

Hồi 11 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế – Quảng Trị khoảng 190km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, đi song song bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế – Nghệ An, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km. Đến 22 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc Tây Bắc và Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa và ven biển Bắc Bộ. Đến 10 giờ ngày 11-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc Đông Bắc và Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp. Đến 10 giờ ngày 12-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 23,4 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Hòn Ngư, các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cát Hải), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Trị (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 - 13, giật cấp 14, cấp 15. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa và vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi – Thừa Thiên Huế trưa nay còn có gió giật mạnh cấp 6 – 8, sau đó gió yếu dần. Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Nghệ An có gió mạnh cấp 6 - 8, giật cấp 9, cấp 10. Ở các tỉnh ven biển Bắc Bộ và Thanh Hóa từ chiều tối nay (10/11) gió sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11 – 12.

Ở khu vực Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, nhiều nơi có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển và các đảo từ Quảng Trị - Quảng Bình cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 2,5 – 3,5 m. Khu vực ven biển từ Hà Tĩnh – Hải Phòng cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3,0 – 4,5 m. Sóng biển 2 – 4m, vùng gần tâm bão 4 - 6m.

Chưa đầy 2 tháng, người dân phường Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng phải chạy bão 2 lần.

Chưa đầy 2 tháng, người dân phường Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng phải chạy bão 2 lần.

Tin, ảnh: NGUYỄN HÙNG-PHONG VÂN


Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị
Di dời thêm hàng vạn hộ dân đi tránh bão và lũ trong đêm

* Tạo hầm chữ A tránh bão

Bắt đầu từ 5 giờ 30 phút sáng 10-11, bão Haiyan ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị. Hiện gió bão khoảng cấp 5 kèm theo mưa vừa đến mưa to.

Hàng vạn người dân vùng thấp trũng tại TP Huế được di dời khẩn cấp đến nơi ở an toàn trong đêm 9-11.

Hàng vạn người dân vùng thấp trũng tại TP Huế được di dời khẩn cấp đến nơi ở an toàn trong đêm 9-11.

Đến 6 giờ sáng 10-11, 33.649 hộ với hơn 132.404 nhân khẩu tại tỉnh Thừa Thiên – Huế an toàn sau một đêm rời nhà cửa di dời đến nơi ở mới là các nhà cao tầng trong dân, các trụ sở UBND xã, phường, trường học kiên cố, các cơ quan công sở Nhà nước, các nhờ thờ, đền chùa kiên cố.… để tránh trú bão lũ. Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế quyết định khẩn cấp triển khai phương án đối phó với lũ lớn có thể đi kèm bão Haiyan đổ bộ. Chiều và đêm 9-11, Thừa Thiên – Huế đã di dời thêm 20 ngàn hộ dân vùng thấp trũng và vùng có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn.

Hiện trên địa bàn có 7.894 khách du lịch (trong đó, 4.512 khách quốc tế và 3.382 khách nội địa) đã được các khách sạn, nhà nghỉ và các đơn vị lữ hành có phương án đảm bảo an toàn, ổn định cho khách du lịch. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã cử 4 đoàn công tác đến các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Quảng Điền và các đơn vị còn lại trên địa bàn tỉnh. Bố trí các phương tiện và cử 450 cán bộ, 3.344 dân quân tự vệ và 152 Trung đội dân quân cơ động túc trực để sẵn sàng tham gia đối phó bão.

Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã điều động 9 xe, 780 cán bộ chiến sĩ giúp dân giằng chống nhà cửa, sơ tán di dời dân, neo đậu tàu thuyền. Công an tỉnh đã cử 3 tổ gồm 60 chiến sĩ cơ động, 700 cán bộ chiến sĩ, bố trí 50 phương tiện (trong đó có 8 ca nô và 1 tàu) sẵn sàng tham khi có yêu cầu. Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế cho biết, tại khu vực hàng hải Chân Mây đã thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và các thuyền viên.

10 giờ sáng 10-11, hàng vạn người dân sơ tán tránh bão Haiyan tại Thừa Thiên – Huế đã bắt đầu được thu dọn đồ đạc trở về nhà. Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế có công điện chỉ đạo các địa phương, cho các thanh niên, đàn ông khỏe mạnh về trước, đến 12 giờ cùng ngày phụ nữ và trẻ em mới bắt đầu di chuyển về nhà. Riêng các hộ dân vùng thấp trũng và xung yếu chính quyền địa phương căn cứ vào tình hình thực tế để có kế hoạch cho hoặc giữ dân ở lại các điểm tránh trú.

Theo báo cáo từ các địa phương, bão Haiyan không đổ bộ trực tiếp vào Thừa Thiên – Huế nhưng đã có 1 người tử vong là ông Nguyễn Giáp (47 tuổi, trú tại Hải Thế, Phong Hải, Phong Điền); 2 người bị thương do chằng chống nhà cửa là anh Lê Ngọc Viết (36 tuổi, bị gãy xương tay), trú tại thôn Tân Mỹ, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền và anh Hoàng Hữu Hùng (15 tuổi, bị gãy xương vai), trú tại thôn Địa Linh, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà.

Tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) trưa 10-11 có gió cấp 9. Toàn bộ quân và dân cũng 100% công nhân đang xây dựng trên đảo Cồn Cỏ được đưa vào địa đạo quân sự tránh bão. Số công nhân và cán bộ huyện đảo còn lại tiếp tục được sơ tán đến nhà cao tầng, kiên cố trên đảo. Âu tàu đảo Cồn Cỏ do không có khả năng trú tránh bão nên không có tàu thuyền nào neo đậu.

Đến 15 giờ chiều 10-11, khoảng 500 ngàn người dân tại các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Quảng Trị đã được lực lượng xung kích các địa phương sử dụng xe buýt, xe khách và các loại xe chuyên dụng khác chở vể nhà sau khi thoát nạn siêu bão Haiyan. Nhiều người mừng rơi nước mắt vì tận mắt thấy lại căn nhà và tài sản tích góp cả đời vẫn nguyên vẹn. Bà Hoàng Thị Thanh, trú bão cùng hàng trăm bà con hàng xóm tại trường cấp I,II xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế (công trình do Báo SGGP vận động bạn đọc tài trợ xây dựng vào năm 2000 với kinh phí 500 triệu đồng), nói: “May bão không vào Huế. Chứ bão số 11, gió giật cấp 11 mà đã có gần 200 ngôi nhà trong xã bị sập và tốc mái. Còn Bão Haiyan giật cấp 17 chẳng may mà quét qua thì cả xã Lộc Bình này sẽ bằng phẳng như mặt nước biển”. Từ chiều mùng 9 kéo dài đến trưa 10-11, bà Thanh và bao người dân nghèo miền Trung có nhà cửa không kiên cố phải di dời tránh bão đều chung cảm giác thấp thỏm nơm nớp lo sợ, không biết bão càn quét như thế nào? Tài sản dành dụm cả đời có bị bão hất văng?... Bão tan, những gương mặt ngư dân các làng chài phờ phạc, trữu nặng bão nỗi âu lo tại các điểm tránh trú bão đêm qua phút chốc rạng ngời, động viên nhau xem lại công việc.

Loa phóng thanh cảnh báo và cập nhập thông tin về bão Haiyan tại các tổ dân phố ở TP Huế.

Loa phóng thanh cảnh báo và cập nhập thông tin về bão Haiyan tại các tổ dân phố ở TP Huế.

Sáng 10-11, tiếng loa phóng thanh cảnh báo bão Haiyan vẫn tiếp tục được duy trì tại khu vực các huyện ven biển tỉnh Quảng Trị trong gió bão cấp 6 cộng theo mưa lớn. Hàng vạn hộ dân ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng đã được di dời đến nơi trú ẩn tránh bão an toàn. Do phần lớn nhà cửa của người dân ở đây tạm bợ nên người dân đã có sáng kiến tránh bão bằng việc đào hầm chữ A để trú ẩn.

Hầm tránh bão được người dân vùng ven biển Quảng Trị làm bằng cây phi lao. Bình quân một căn hầm có chiều rộng khoảng 12 m, mái bằng bạt với hệ thống đòn tay dày, cách nhau từ 10 đến 20 phân, trụ chôn sâu xuống đất 1 m đảm bảo không bị bão cuốn bay. Đại tá Hoàng Hữu Chiến, Phó chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Trị, cho rằng: Việc làm hầm trú ẩn hình chữ A để chống bão là một cách làm mới giữa thời bình, dù làm đơn giản nhưng rất an toàn. Đây là cách làm mà người dân vùng bão nên học tập, làm theo.

Văn phòng Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, đã có hơn 20 ngàn hộ dân với hơn 80 ngàn nhân khẩu vùng xung yếu được sơ tán đến nơi an toàn từ chiều và đêm 9-11.

Văn Thắng – Lan Ngọc


Quảng Ngãi:
Phóng viên thiệt mạng do tác nghiệp về phòng chống bão

Tối 9-11, phóng viên Nguyễn Thị Hồng Sen (27 tuổi) của Đài Truyền thanh Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã bị thiệt mạng trong quá trình tác nghiệp về cơn bão số 14. PV Hồng Sen được cử đi phản ảnh việc triển khai phòng chống siêu bão Haiyan trên địa bàn các xã của huyện, trên đường trở về (đoạn qua thị trấn Đức Phổ) thì bị xe khách Ford (loại 17 chỗ ngồi chạy từ hướng Bình Định - Đà Nẵng) đụng phải khiến PV này tử vong.

Cũng trên địa bàn Quảng Ngãi, ông Phùng Thanh Liêm (50 tuổi, ở xã Đức Lân, huyện Mộ Đức) đã bị ngã chết chiều 9-11 trong lúc chặt cây phòng, chống bão.

Liên quan đến cơn bão số 14, huyện đảo Lý Sơn của Quảng Ngãi là đơn vị đầu tiên chịu ảnh hưởng.

Hà Minh


Sáng kiến chống bão của người miền Trung

Miền Trung, nơi bão thường xuyên quần thảo, người dân đã nghĩ ra những cách chống gió bãomới, khá hiệu quả. Nếu trước đây, người dân miền Trung thường dùng bao cát, xà gồ để chèn mái nhà mỗi khi có bão thì nay, người dân dùng thùng container chắn gió trước cửa của những tòa nhà lớn; dùng can nhựa, bao nilon, thùng xốp rồi bơm nước vào để chèn mái nhà. Gần đây, dự báo siêu bão Haiyan với gió giật cấp “hủy diệt” đổ đổ bộ, người dân miền Trung đã nghĩ ra cách đào hầm trú bão, hoặc tận dụng kênh mương bê tông để làm hầm trú ẩn.

Sau đây là những sáng kiến độc đáo mà người dân sử dụng để chống bão Haiyan mà SGGP Online đã ghi lại trong hai ngày 9 và 10-11.

Anh Phạm Chí Linh (phải, thôn Thạch Nham Tây, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) tận dụng kênh mương bê tông làm hầm trú bão.

Anh Phạm Chí Linh (phải, thôn Thạch Nham Tây, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) tận dụng kênh mương bê tông làm hầm trú bão.

Bơm nước vào can nhựa để chèn mái nhà.

Bơm nước vào can nhựa để chèn mái nhà.

Dùng xe đầu kéo chở container chắn gió.

Dùng xe đầu kéo chở container chắn gió.

Tin, ảnh: NGUYÊN KHÔI

- Bão Haiyan lướt dọc biển Trung bộ, ảnh hưởng đến Bắc bộ

Tin cùng chuyên mục