Đường lộ thua đường hẻm

Tuyến đường chính đi qua 3 quận ở TPHCM mà còn thua một con hẻm. Đó là hình ảnh của một con đường do các đơn vị thi công cẩu thả.
Đường lộ thua đường hẻm

Tuyến đường chính đi qua 3 quận ở TPHCM mà còn thua một con hẻm. Đó là hình ảnh của một con đường do các đơn vị thi công cẩu thả.

"Con đường khốn khổ" An Dương Vương, đoạn qua quận Bình Tân

"Con đường khốn khổ" An Dương Vương, đoạn qua quận Bình Tân

Đường chưa xong đã hư

Đường An Dương Vương đoạn từ cầu Mỹ Thuận đến tiếp giáp đường Võ Văn Kiệt thuộc ranh giới giữa quận Bình Tân và quận 8 là tuyến đường chính của hàng trăm hộ dân sống trong khu vực nhưng họ phải sống cảnh giống như đường làng. Mặc dù đang là mùa khô, trời nắng nhưng đến đợt triều cường là ngập. Nhiều nơi mặt đường hư hỏng xuống cấp. Những tháng qua, người dân hai bên đường An Dương Vương phải sống chung với cảnh bùn đất sình lầy. Ông Lê Thanh Quyết ngụ đường An Dương Vương đoạn thuộc phường An Lạc quận Bình Tân bức xúc: Từ khi đường Võ Văn Kiệt đưa vào sử dụng, tuyến đường An Dương Vương bắt đầu xuống cấp trầm trọng. Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải lưu thông khiến nhiều đoạn thành ao bùn, lầy lội. Đụng đợt triều cường hay mưa lớn, xe chạy, nước bùn văng tứ tung vào nhà; còn người đi xe máy, công nhân tan ca mỗi lần thấy xe tải đều tránh từ xa. Nhiều hôm, xe tải nhỏ khi đến đây liền quay đầu xe không dám chạy qua.

Người dân trong khu vực nhiều lần làm đơn kêu cứu phường, quận, mới có đơn vị xuống sửa chữa. Ông Nguyễn Quý Nhân cho biết, Khu quản lý giao thông đô thị số 4 đã sửa chữa nhưng không biết họ làm đường kiểu gì mà mặt đường như tấm áo vá. Quả thật, dọc tuyến này, bất kể xe gì đi qua, tài xế cũng giật mình vì mặt đường gợn như sóng biển. Cùng một mặt đường nhưng bên cao bên thấp, còn những chỗ giáp mí như gài bẫy người đi đường. Thay vì nâng đường rồi trải thảm nhựa, đơn vị thi công lại trám lên một lớp bê tông thường. Trong khi đó, tuyến đường này, xe tải lưu thông thường xuyên nên đường chưa nghiệm thu đã bắt đầu bong tróc. Nhiều đoạn bị ngập trở lại mỗi khi có triều cường.

Sống chung với ngập

Bí thư Đảng ủy phường An Lạc Nguyễn Văn Hoàng, cho biết: Dân bức xúc một, chúng tôi bức xúc mười vì đường sá hư hỏng ngay tại địa phương mà không làm gì được vì tuyến này do Sở GTVT quản lý. Địa phương chỉ biết kiến nghị, còn nâng cấp sửa chữa như thế nào là ở đơn vị thi công. Với hiện trạng như hiện nay, mặc dù đã sửa chữa nhưng với cách làm chắp vá, đường lại không có hệ thống thoát nước nên trám chỗ này nước dồn qua chỗ khác. Nếu không có giải pháp căn cơ, đường lại ngập, xuất hiện nhiều ổ gà ổ voi. Trong khi đó, cao độ mặt đường thấp hơn so với nền nhà dân. Chỉ cần vài trận mưa, xe tải lưu thông, đường sẽ hư hỏng.

Trước thực trạng này, quận Bình Tân nhiều lần kiến nghị Sở GTVT sửa chữa nâng cấp tuyến đường này. Sở đã yêu cầu Khu quản lý giao thông đô thị số 4 nhanh chóng khắc phục tình trạng lún sụp, ngập úng và yêu cầu đơn vị này kiểm điểm trách nhiệm đối với cán bộ theo dõi địa bàn và cắt khối lượng khoán sửa chữa hàng năm với đơn vị quản lý sửa chữa. Sở GTVT cũng yêu cầu Khu quản lý giao thông đô thị số 4 khẩn trương sửa chữa tuyến đường lầy lội này. Tuy nhiên, với cách tái lập cẩu thả như vậy, con đường hiện nay như một mảnh áo vá chằng chịt.

Ông Nguyễn Hữu Vĩnh, Phó phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân cho rằng, trong thời gian chờ triển khai toàn dự án đầu tư trục đường An Dương Vương - Phan Anh - Bình Long - Hương lộ 3 có tổng mức đầu tư quá lớn, khoảng 6.000 tỷ đồng, TP nên đầu tư hệ thống thoát nước theo hiện trạng của đường. Năm 2012, Khu quản lý giao thông đô thị số 4 làm chủ đầu tư dự án công trình xây dựng cầu Bản băng ngang rạch Bà Lựu quận 8, Bình Tân. Dự án dự kiến hoàn thành vào quý 1 năm nay để giải quyết ngập cho toàn bộ khu phố 3, 4 thuộc phường An Lạc quận Bình Tân. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn bất động. Để đảm bảo thoát nước khu vực rạch Bà Lựu, quận Bình Tân đã kiến nghị Sở GTVT chỉ đạo đơn vị có liên quan nhanh chóng di dời hệ thống công trình ngầm để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Bản trước mùa mưa năm nay.

Với cách làm ách tắc như vậy, người dân ba quận 6, 8, Bình Tân chắc chắn sẽ sống chung với ngập vào mùa mưa tới.
 

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục