Miền Trung khẩn cấp ứng phó với siêu bão

Chiều 29-9, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, bão số 10 đang di chuyển nhanh về phía bờ biển miền Trung.
Miền Trung khẩn cấp ứng phó với siêu bão

* Vỡ kênh dẫn thủy điện Srêpốk 4A

(SGGP). – Chiều 29-9, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, bão số 10 đang di chuyển nhanh về phía bờ biển miền Trung.

Tới chiều 30-9, vị trí tâm bão sẽ nằm ngay trên vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình – Thừa Thiên - Huế. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp cấp 12 - 13 (tức là từ 118 đến 149km một giờ) và giật cấp 15 - 16. Sau đó, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Nhận định đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây sẽ đổ bộ vào các tỉnh miền Trung trong chiều hoặc tối 30-9, ngay trong ngày 29-9, các địa phương ở miền Trung đã triển khai cấp bách các biện pháp để ứng phó.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương sáng 29-9 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: các địa phương trong vùng tâm bão số 10 đổ bộ phải sơ tán dân ở vùng ven biển, khu vực miền núi nguy cơ lũ ống lũ quét, sạt lở đất và cấm tàu thuyền ra khơi từ sáng 30-9. Những tỉnh ngoài vùng nguy hiểm từ Quảng Ngãi đến Quảng Ninh, tùy tình hình thực tế mà thực hiện lệnh cấm biển, không để người trên tàu, thuyền và các lồng bè nuôi trồng thủy sản khi bão vào. Đặc biệt là ở các tỉnh khu vực miền núi phải rà soát các khu vực nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống lũ quét sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm trước 10 giờ ngày mai (30-9).

Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng cho biết, hiện nay các hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên hiện đã đầy nước, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo ban quản lý các hồ thủy điện không xả nước khi lũ trên các sông đang ở mức cao. Trong tình huống phải xả nước để đảm bảo an toàn hồ chứa, phải cảnh báo sớm để các địa phương chủ động phối hợp sơ tán dân kịp thời.

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, từ cuối giờ chiều 29-9, gió đã bắt đầu giật mạnh tại những khu vực ven biển miền Trung. Sóng biển tại nhiều nơi cao từ 2 - 3m, xâm thực mạnh vào các khu vực xung yếu, sạt lở.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng các tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Khánh Hòa đã thông báo, hướng dẫn cho gần 45.000 tàu/180.000 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động trú tránh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 14 tàu/97 lao động của Quảng Ngãi đang ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và đang chạy vào đảo Hải Nam của Trung Quốc trú tránh bão.

Hiện nay hầu hết các hồ chứa, hồ thủy điện trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên đều đang tích nước ở mức cao. Đây là điều đáng lo nhất hiện nay, bởi theo dự báo từ chiều tối 29-9 đến 2, 3 ngày sau, trên địa bàn miền Trung sẽ xảy ra đợt mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 150 - 200mm, có nơi trên 300m. Hồ thủy điện xả nước cộng với mưa lớn sẽ gây ngập lụt nghiêm trọng ở vùng hạ lưu.

Ngư dân ven biển Đà Nẵng đưa tàu thuyền tránh bão số 10. Ảnh: Nguyễn Hùng

Ngư dân ven biển Đà Nẵng đưa tàu thuyền tránh bão số 10. Ảnh: Nguyễn Hùng

Trưa 29-9, TP Đà Nẵng gió bắt đầu thổi mạnh, các nhà hàng ven biển phải đóng cửa để lo chèn chống. Ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), người dân dùng xe bò để đưa tàu thuyền và bè nuôi trên biển lên bờ tránh bão. Nhiều người dân phường Mân Thái và Thọ Quang đổ ra biển xúc cát cho vào bao để chở về nhà chèn mái tôn. Đối với tàu thuyền các tỉnh miền Trung đang neo đậu ở Đà Nẵng thì di chuyển vào âu thuyền Thọ Quang để trú bão.

Tối 29-9, Thượng tá Trần Đức Phúc, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lạch Kèn (huyện Nghi Xuân) cho biết, khoảng 14 giờ 30 chiều cùng ngày, trong khi đang trên đường vào đất liền tránh bão số 10, thuyền đánh cá 15CV, do ông Mai Văn Búp (64 tuổi, làm chủ), trên thuyền còn có thêm ngư dân Mai Cao Bính (39 tuổi) và Ngô Văn Cao (65 tuổi, đều ngụ tại thôn Lâm Phú, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân) đã bất ngờ bị gió to, sóng biển đánh chìm cách bờ biển gần 1.000m. Rất may, lúc đó cả 3 người trên thuyền nhanh chóng nhảy được ra ngoài bơi vào bờ thoát nạn.

Cùng ngày, 9 tàu thuyền bị mắc cạn trên đường vào âu thuyền Phú Hải (xã Phú Hải, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) tránh trú bão. Nguyên nhân chủ yếu là tàu của các ngư dân từ nơi khác đến khi vào luồng lạch không quen đường.

Cùng ngày, Trung tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 5 chủ trì cuộc họp triển khai công tác phòng tránh cơn bão số 10. Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã tập trung lực lượng, phương tiện và triển khai các phương án đối phó.

Các tàu đang làm nhiệm vụ trên biển kịp thời bắn pháo hiệu thông báo cho tàu thuyền ngư dân không đi vào khu vực có bão. Bộ Tư lệnh Vùng đã chỉ đạo cho Lữ đoàn 161 và Lữ đoàn 172 chuẩn bị 5 tàu trực chiến làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và hướng dẫn tàu thuyền ngư dân vào vị trí tránh bão tại Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cồn Cỏ (Quảng Trị) và các khu vực cửa biển Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng. Vùng còn chuẩn bị 2 tàu đầu kéo, 10 xuồng cao tốc, 12 xuồng cao su, 6 xe tải, 4 xe cẩu, 3 xe cứu thương, 5 xe ca và 4 tổ cơ động gồm 200 cán bộ, chiến sĩ với đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc quân y sẵn sàng ứng cứu nhân dân trên các vùng rốn lũ Quảng Nam và Đà Nẵng.

Chiều 29-9, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đã lên phương án sẵn sàng sơ tán khoảng 100.000 dân, nằm dọc 31 xã ven biển, vùng cửa sông, lạch, vùng thấp trũng ở huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân… đến nơi an toàn khi bão đổ bộ vào. Đối với vùng hạ du thủy điện Hố Hô, hơn 2.300 hộ dân với gần 11.000 nhân khẩu ở 8 xã và một số xã phụ cận thuộc địa bàn huyện Hương Khê cũng đã được tỉnh Hà Tĩnh sẵn sàng sơ tán khi có sự cố nguy hiểm xảy ra.

Từ ngày 27 đến sáng 29-9 tại vùng ven biển huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh có mưa lớn, kết hợp sóng biển và triều cường đánh mạnh đã khiến gần 50m tuyến đê kè ven biển ở thôn Long Hải, xã Thạch Kim bị sạt lở, khoét hàm ếch và rạn nứt đặc biệt nghiêm trọng đe dọa trực tiếp đến hơn 5.000 hộ dân.

Sáng 29-9, 9 thuyền viên trên tàu hàng hết dầu, chết máy trên biển đã được Đồn Biên phòng thị trấn Cửa Việt thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị phối hợp với chính quyền và người dân xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cứu hộ đưa vào bờ an toàn. Tàu hàng trọng tải 900 tấn LA.03237 của Công ty TNHH trục vớt Từ Minh (Long An), đang trên đường từ Thừa Thiên - Huế vào vùng biển Cửa Việt (Quảng Trị) trú bão số 10. Nhưng đến 8 giờ ngày 28-9, khi đến vùng biển thuộc huyện Triệu Phong thì tàu bị hết dầu, chết máy, trôi dạt trên biển, trên tàu có 9 thuyền viên.

Chiều tối nay bão sẽ đổ bộ đất liền

Theo dự báo rạng sáng 30-9, mặc dù tâm bão còn cách bờ biển các tỉnh Quảng Bình – Thừa Thiên - Huế khoảng 200km về phía Đông Đông Nam song hoàn lưu của bão đã ảnh hưởng rõ tới đất liền. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 - 14 (tức là từ 134 đến 166km một giờ), giật cấp 16 - 17.

Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13 - 14, giật cấp 16 - 17. Biển động dữ dội. Vịnh Bắc bộ có gió mạnh cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 9 - 10, giật cấp 12 - 13. Biển động dữ dội.

Từ sáng 30-9, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 7 - 8, riêng khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế có gió mạnh cấp 9 - 10, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật cấp 14, cấp 15. Ở các tỉnh Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ từ đêm 29 đến 30-9 có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Đà Nẵng đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 - 4m.


Hiện trường vụ vỡ kênh dẫn dòng thủy điện Srêpốk 4A. Ảnh: CÔNG HOAN

Hiện trường vụ vỡ kênh dẫn dòng thủy điện Srêpốk 4A. Ảnh: CÔNG HOAN

Vào lúc 15 giờ chiều 29-9, đoạn kênh dẫn dòng thủy điện Srêpốk 4A của Công ty CP Thủy điện Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) đi qua thôn 1, xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn) đã bị vỡ toang ở hai bên bờ. Tại hiện trường, đoạn ta-luy dương bờ đập kênh dẫn dòng bằng đất, đá dài khoảng 50m đã bị vỡ đổ xuống kênh. Ở phía đối diện, một đoạn bờ đập khác dài khoảng 50m cũng bị vỡ. Vì thế, nước từ kênh dẫn dòng thủy điện này đã chảy xối xả tràn qua bờ đập làm ngập nhiều diện tích lúa đang trổ đòng của người dân thôn 1, xã Ea Huar. Nước từ kênh dẫn dòng thủy điện này cũng chảy tràn qua đoạn tỉnh lộ 1 đi qua xã Ea Huar làm người dân đi lại rất khó khăn.

NHÓM PV

>> Bão số 10 hướng thẳng vào miền Trung

Tin cùng chuyên mục