Bão số 5 đe dọa Nam Trung bộ

Tại cuộc họp khẩn về các công tác phòng tránh cơn bão số 5 chuẩn bị đổ bộ vào Nam Trung bộ của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương diễn ra vào tối 10-12, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, kiêm trưởng ban chỉ đạo yêu cầu các tỉnh nằm trong tâm bão đi qua hoặc bị ảnh hưởng khẩn trương tổ chức di dân đến nơi an toàn, đồng thời hạ lệnh cấm biển để đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền, phương tiện.
Bão số 5 đe dọa Nam Trung bộ

Tại cuộc họp khẩn về các công tác phòng tránh cơn bão số 5 chuẩn bị đổ bộ vào Nam Trung bộ của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương diễn ra vào tối 10-12, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, kiêm trưởng ban chỉ đạo yêu cầu các tỉnh nằm trong tâm bão đi qua hoặc bị ảnh hưởng khẩn trương tổ chức di dân đến nơi an toàn, đồng thời hạ lệnh cấm biển để đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền, phương tiện.

Sơ đồ dự báo đường đi của bão số 5

Bão vẫn ở cấp độ mạnh

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 5 hiện đang đổi hướng về phía Tây Nam như đã dự báo, đe dọa trực tiếp vùng biển Nam Trung bộ. Sau khi đi vào đất liền các tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận đến Khánh Hòa, bão số 5 sẽ bị suy yếu và tiếp tục đi sâu vào đất liền thành một vùng áp thấp nhiệt đới.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ, bão số 5 vẫn ở cấp độ mạnh và liên tục thay đổi, trong khi đó tàu thuyền trên biển còn nhiều. Do đó, yêu cầu các tỉnh ở Nam Trung bộ và Nam bộ theo dõi sát sao diễn biến cơn bão, thông tin thường xuyên cho ngư dân về vị trí cũng như hướng đi của bão, yêu cầu khẩn trương tìm nơi trú tránh an toàn, những tàu thuyền đang ở gần bờ phải khẩn trương trở về các cảng neo đậu kín gió.

Trưởng ban chỉ đạo PCLB Trung ương cũng nhấn mạnh, hiện đang là mùa du lịch ở các tỉnh phía Nam nên các địa phương nằm trong tâm bão đổ bộ cũng phải khẩn trương thông tin cho khách du lịch người nước ngoài biết về cơn bão, đồng thời chủ động hỗ trợ du khách, có phương án sơ tán, nhất là tại các vùng biển đang có đông khách du lịch và tại các đảo.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng lo ngại cho việc nhà cửa của bà con ở khu vực Nam Trung bộ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề như đổ, tốc mái do không kiên cố, nếu bão đi dọc bờ biển sẽ gây mưa to kéo dài càng thêm bất lợi. Do đó, các địa phương cần hướng dẫn bà con dùng bao cát để che chắn mái nhà.

Để đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con vào thời điểm bão số 5 đổ bộ, theo dự kiến vào khoảng 21 - 22 giờ đêm 11-12, đồng thời nước biển cao 1,8m, sóng biển cao từ 2-5m nên yêu cầu tại các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận phải sơ tán người già và trẻ em đến nơi an toàn ngay trong sáng và trưa 11-12.

Cấm tàu thuyền ra khơi từ ngày 11-12

Trước diễn biến bất ngờ của cơn bão Hagupit, chiều 10-12, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TPHCM có công điện khẩn. Theo đó, UBND huyện Cần Giờ yêu cầu ngư dân và chủ phương tiện tàu khai thác thủy sản, chủ phương tiện đò ngang từ Cần Giờ đi TP Vũng Tàu, Cần Giờ đi Tiền Giang và ngược lại, chấp hành lệnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 0 giờ ngày 11-12-2014 cho đến khi có lệnh mới. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP kiểm soát chặt chẽ cửa sông, cửa biển không cho tàu thuyền ra khơi theo lệnh cấm này. Tiếp tục thông báo cho các chủ phương tiện và tàu thuyền trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 5 để chủ động phòng tránh; khẩn trương bố trí lực lượng hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản vào khu neo đậu đảm bảo an toàn; tuyệt đối không để người trên tàu thuyền, lồng bè, sở đáy, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản ven sông, ven biển. 

Trong ngày 11-12, tại các tỉnh Khánh Hóa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu công bố lệnh cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi để tránh bão. Giữ liên hệ với tàu thuyền, kêu gọi hướng dẫn ngư dân không đi vào vùng nguy hiểm được xác định từ vĩ tuyến 9 đến 16 và phía Tây kinh tuyến 115 trong đêm 10-12 và ngày 11-12.

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, trên vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa và khu vực nhà giàn DK1, Quân chủng Hải quân sẽ duy trì lực lượng khoảng 10 tàu ứng trực, sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Bộ NN-PTNT đã yêu cầu các tỉnh miền Bắc và khu vực miền Trung, Tây Nguyên có kế hoạch hành động cụ thể về phòng chống đói rét cho gia súc, chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để triển khai chống rét cho đàn vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc miền núi để gia cố, che chắn chuồng trại; hướng dẫn người chăn nuôi dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô, bảo quản các phụ phẩm làm thức ăn cho trâu bò và yêu cầu mỗi gia đình chăn nuôi trâu bò phải có một cây rơm đảm bảo bình quân 5 - 7kg/con/ngày trong những ngày giá rét.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục