Lấp sông xây phố - có nên làm?

Câu chuyện lấp sông Đồng Nai để xây dựng khu đô thị quả là một quyết định táo bạo. Thế nhưng, tính táo bạo này không phải mang tính tích cực mà ngược lại rất tiêu cực. Bởi nó de dọa cuộc sống của 20 triệu người đang sinh sống tại khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

“Oằn mình” là từ mà các nhà khoa học, người dân thường dùng mỗi khi nhắc đến sông Đồng Nai. Bởi lẽ, trung bình mỗi ngày, con sông này đang phải chịu tải hàng trăm ngàn tấn chất thải độc hại từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Từ năm 2003, rất nhiều nhà khoa học, đơn vị quản lý, những người có tâm đã thường xuyên lên tiếng kêu cứu cho sông Đồng Nai. Một cuộc họp bao gồm sự hiện diện 12 tỉnh, thành (nay còn 11 tỉnh, thành) có địa giới hành chính gắn liền mật thiết với con sông đã được tập hợp để cùng ký cam kết cải thiện tình trạng xả thải ô nhiễm ra sông. Đồng thời xây dựng các dự án bảo vệ con sông. Có 7 cam kết đã được đưa ra là chấm dứt tình trạng xả thải chưa qua xử lý ra sông; buộc tất cả các khu chế xuất, khu công nghiệp phải đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống xử lý chất thải; nước thải phải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra sông; các doanh nghiệp phải kết nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung trong khu chế xuất, khu công nghiệp; bảo vệ diện tích rừng đầu nguồn… Thế nhưng hơn 10 năm trôi qua, con sông này không những không được bảo vệ mà còn bị tận diệt bởi hàng loạt thủy điện được xây dựng, hàng ngàn hécta rừng với tác dụng trữ nước bổ cập cho sông bị tàn phá. Chất lượng nước sông bị suy giảm nhanh chóng do phải tiếp nhận hàng trăm ngàn mét khối nước thải ô nhiễm của các khu công nghiệp, doanh nghiệp chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Nhiều làng ngư dân nuôi cá bè trên sông đã phải di dời đi nơi khác hoặc lên bờ tìm kế sinh nhai khác vì nước sông bị ô nhiễm nặng, cá không sống được…

Gần đây, trước sức ép của cộng đồng, các dự án thủy điện 6, 6A mới bị đình chỉ xây dựng. Đồng thời, Ban chỉ đạo bảo vệ hệ thống lưu vực sông Đồng Nai đã được hình thành. Nhiều dự án như quan trắc chất lượng nước sông, bảo vệ và tăng diện tích rừng đầu nguồn được thực hiện. Các khu công nghiệp đã bị buộc phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Nước thải sản xuất trước khi thải ra sông phải đạt quy chuẩn theo quy định. Các doanh nghiệp vốn chưa kết nối hạ tầng với các khu công nghiệp bắt buộc phải kết nối mới được hoạt động tiếp. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tổ chức thường xuyên, xử lý chặt tay hơn khi các tỉnh, thành cùng ký kết liên tịch để hỗ trợ phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm có tính chất liên vùng… Người dân đang khấp khởi mừng thầm vì có nhiều tín hiệu cho thấy chất lượng nguồn nước sông thời gian gần đây đã có những tín hiệu cải thiện tích cực. Thế nhưng, chuyện vui chưa lâu thì UBND tỉnh Đồng Nai lại cấp phép cho một đơn vị được lấn sông xây dựng khu đô thị.

Theo ý kiến của các chuyên gia môi trường, việc lấn sông không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ dòng chảy mà còn đưa lại nhiều hệ lụy khác. Cụ thể, một đơn vị xin xây dựng được, tạo tiền đề cho nhiều đơn vị khác được thực hiện theo. Sự phá vỡ dòng chảy tại nhiều điểm cục bộ sẽ kéo theo xói lở, phá vỡ hệ thống bờ bao dọc hai bên sông, phá hủy môi trường sống tự nhiên của các loại thủy sinh vật, làm suy giảm hệ sinh thái. Trong trường hợp nước thải đô thị thu gom và xử lý không hiệu quả sẽ đe dọa trực tiếp chất lượng nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Nhiều chuyên gia còn khẳng định, việc lấp sông này không khác gì xây đập thủy điện mà tác hại của việc xây đập đã từng được chứng minh rất nhiều trên thực tế. Nên chăng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần lên tiếng về việc cấp phép lấp sông xây khu đô thị, tránh để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Đừng để 20 triệu người dân đang sinh sống phụ thuộc vào nguồn nước của con sông này phải gánh chịu.

PHÚC ANH

Tin cùng chuyên mục