Lấp sông Đồng Nai xây dựng khu đô thị: Nhiều hệ lụy chưa lường hết

Những ngày qua, việc UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định chấp thuận đầu tư Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai (rộng hơn 84.000m²) cho Công ty cổ phần Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát triển khai Khu đô thị Pegasus Residence, đã gây nhiều phản ứng trong dư luận. Trước vụ việc này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai báo cáo tất cả các thông tin liên quan đến dự án để có hướng xử lý. Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai cũng vừa yêu cầu UBND tỉnh làm rõ những vấn đề mà các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh về dự án này.
Lấp sông Đồng Nai xây dựng khu đô thị: Nhiều hệ lụy chưa lường hết

Những ngày qua, việc UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định chấp thuận đầu tư Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai (rộng hơn 84.000m²) cho Công ty cổ phần Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát triển khai Khu đô thị Pegasus Residence, đã gây nhiều phản ứng trong dư luận. Trước vụ việc này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai báo cáo tất cả các thông tin liên quan đến dự án để có hướng xử lý. Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai cũng vừa yêu cầu UBND tỉnh làm rõ những vấn đề mà các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh về dự án này.

Hàng chục ngàn mét khối đất, đá đã được đổ xuống sông Đồng Nai để xây dựng khu đô thị (ảnh chụp vào chiều 23-3).

Ngổn ngang công trường

Chiều 23-3, tại công trường thuộc dự án “cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” tại phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), cách trụ Sở UBND tỉnh Đồng Nai khoảng hơn 100m, hàng trăm khối đá granit chất thành đống trên bờ sông. Cả chục chiếc cần cẩu vươn mình bên bờ sông, hối hả chuyển đá trụ từ những chiếc sà lan lên bờ, cạnh đó là những chiếc máy ủi, máy múc nổ máy vang rền một khúc sông. Trái ngược với không khí làm việc nhộn nhịp nói trên, nhiều người dân ở hai bờ sông đầy vẻ lo âu khi thấy nhịp độ trên công trường ngày một đẩy nhanh.

Ông Hà Văn Thư, người dân phường Quyết Thắng bức xúc: “Chúng tôi được biết chủ trương của tỉnh là cải tạo dòng sông Đồng Nai, bằng việc triển khai dự án đô thị nói trên. Nhưng cách làm thì không rõ ràng cho lắm. Theo quan sát của người dân địa phương, có lẽ đây là hành động lấp dòng sông để xây dựng công trình đô thị hiện đại. Nếu như cải tạo thì không được làm hẹp lòng sông như thế này. Thời gian qua, trên địa bàn phường chỉ cần hộ gia đình nào đó xây vài viên gạch trong hành lang bảo vệ bờ sông, nhằm chống sạt lở, ổn định cuộc sống, lập tức sẽ bị ngành chức năng lập biên bản, buộc tháo dỡ, chưa kể phạt tiền. Còn doanh nghiệp lớn thì được cấp phép san lấp cả đoạn sông để thi công dự án đô thị, bất động sản. Như thế liệu có công bằng?”.

Còn ông Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai, người phát ngôn của tỉnh cho rằng, lấy ý kiến đồng thuận cư dân liên quan đến dự án khu đô thị Pegasus Residence là một trong những điều kiện để cấp phép thực hiện. Trong hồ sơ cấp phép thực hiện dự án có biên bản họp dân, trong đó thể hiện ý kiến đồng thuận của người dân cũng như chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, người dân tham dự lấy ý kiến là đại diện tổ dân phố, chưa đông đủ các hộ liên quan, và khi dự án được thực hiện có tác động trực tiếp đến từng hộ thì còn thiếu hình thức thường xuyên, kịp thời tiếp nhận và xử lý kiến nghị của người dân. Từ đó có phát sinh những ý kiến trái chiều...

Bóp nghẹt dòng sông

Theo quy hoạch được duyệt, khu đô thị ven sông Pegasus Residence bao gồm khu cao ốc văn phòng kết hợp thương mại - dịch vụ, nhà ở riêng lẻ thấp tầng, chung cư cao cấp, khách sạn cao cấp 4 - 5 sao, trung tâm thương mại..., với nguồn vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng. Đáng nói là trong đó, thể hiện phần diện tích lấn sông lên tới hơn 77.200m², phần còn lại hơn 6.800m² là đất hiện hữu. Nguy hại hơn cả là dự án còn được UBND tỉnh Đồng Nai cho phép san lấp, thu hẹp dòng chảy sông Đồng Nai dài đến 1,3km. Đoạn lấn nhiều nhất, bề rộng san lấp từ hành lang sông chạy ra hướng giữa sông lên đến 100m. Chỉ sau vài ngày tiến hành san lấp, đến khi bị người dân phát hiện đã có hàng chục ngàn m³ đất đá từ các nơi chở về đã được chủ đầu tư đổ xuống sông.

Theo nhiều chuyên gia, việc thu hẹp dòng chảy của sông Đồng Nai sẽ tạo cho dòng nước chảy xiết, không chỉ khiến hiện tượng xói lở thêm nghiêm trọng ở những khu vực khác mà còn gây nên tình trạng ngập nặng kéo dài cho TPHCM trong mùa mưa lũ, kết hợp với việc xả lũ từ các hệ thống thủy điện trên thượng nguồn sông. Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có chức năng cung cấp nước sinh hoạt cho gần 20 triệu người sinh sống ở 11 tỉnh, thành gồm TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Nông, Ninh Thuận và Bình Thuận. Việc triển khai cả một khu đô thị 8,4ha trên sông được xem là nhiều nguy hiểm và không lường hết được hậu quả đối với môi trường sống của người dân dọc theo sông Đồng Nai trong tương lai.

Ngày 23-3, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai rút lại quyết định cấp phép xây dựng dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” và đề nghị Công ty cổ phần Đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát dừng mọi hoạt động xây dựng cho đến khi các nghiên cứu về tác động được thực hiện một cách thấu đáo và có sự tham vấn rộng rãi ý kiến của đầy đủ các bên liên quan, trong đó có các bộ ngành trung ương. Cũng theo VRN, dự án thực chất là một công trình lấn sông, lấn chiếm bờ sông khi tổng diện tích của dự án là 8,4ha trong đó đã chiếm 7,72ha vùng đất ngập nước ven sông và mặt nước sông. Vị trí của dự án nằm trong khu vực đông dân cư và mang tính nhạy cảm về môi trường, cần phải có những tham vấn sâu rộng ý kiến của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ dự án.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục