Lạnh giá kỷ lục trong 30 năm: Cấp tập phòng chống thiệt hại

Ngày 23-1, nhiệt độ tại Sa Pa - Lào Cai đã giảm xuống ngưỡng 0°C, băng tuyết đã xuất hiện ở khu vực dãy Hoàng Liên Sơn. Tại đỉnh Mẫu Sơn - Lạng Sơn, nhiệt độ xuống -1°C kèm mưa phùn cũng gây hiện tượng mưa đông kết nhẹ… Tuy nhiên, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, nền nhiệt độ sẽ giảm xuống ngưỡng thấp nhất vào hôm nay 24-1, có thêm nhiều nơi xảy ra băng giá.Băng giá kỷ lục
Lạnh giá kỷ lục trong 30 năm: Cấp tập phòng chống thiệt hại

Ngày 23-1, nhiệt độ tại Sa Pa - Lào Cai đã giảm xuống ngưỡng 0°C, băng tuyết đã xuất hiện ở khu vực dãy Hoàng Liên Sơn. Tại đỉnh Mẫu Sơn - Lạng Sơn, nhiệt độ xuống -1°C kèm mưa phùn cũng gây hiện tượng mưa đông kết nhẹ… Tuy nhiên, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, nền nhiệt độ sẽ giảm xuống ngưỡng thấp nhất vào hôm nay 24-1, có thêm nhiều nơi xảy ra băng giá.

Băng giá kỷ lục

Ông Vũ Hùng Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa cho biết, do thời điểm rét đậm xảy ra vào cuối tuần nên từ Hà Nội, hàng ngàn khách du lịch trong và ngoài nước đổ xô lên Sa Pa “săn” tuyết, các nhà hàng và khách sạn đều đông nghịt, nhiều nơi kín chỗ. Tại Hà Nội, càng về chiều thời tiết càng lạnh hơn kèm gió mạnh với nền nhiệt độ lúc 17 giờ chỉ còn 10°C và sẽ giảm xuống 6°C vào nửa đêm về sáng 24-1.

Thông tin xác nhận từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, trong ngày 23-1, không khí lạnh gây rét đậm rét hại đã bao trùm toàn bộ miền Bắc và đang lan dần xuống Trung bộ. Dự báo, vào ngày 24-1, không khí lạnh bắt đầu tràn xuống Nam Trung bộ và ảnh hưởng tới thời tiết Nam bộ trong hai ngày chủ nhật (24-1) và thứ hai (25-1).

Các đài khí tượng quốc tế dự báo nhiệt độ thấp nhất tại TPHCM là 22°C. Tuy nhiên, thông tin từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, nhiệt độ thấp nhất tại Đông Nam bộ là 17°C, TPHCM là 18°C vào ban đêm.

Chủ động phòng chống thiên tai

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng - thủy văn quốc gia, đây là một đợt rét đậm rét hại kỷ lục và kéo dài nhiều ngày nên các địa phương cần chủ động phòng chống rét cho gia súc để tránh thiệt hại như năm 2008.

Chiều 23-1, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, UBND tỉnh Lào Cai đã có lệnh cho tất cả các địa phương trên địa bàn triển khai các kế hoạch phòng tránh rét và thiệt hại, đảm bảo an toàn cho người, cây trồng và vật nuôi. Tại huyện Sa Pa, nơi từng xảy ra tình trạng trâu bò chết do rét đậm, Phòng Kinh tế huyện Sa Pa đã tổ chức đoàn xuống các bản hướng dẫn bà con sơ tán hơn 5.000 con trâu bò và gia súc lớn ở các xã Sa Pả, Trung Chải, Tả Phìn, Suối Thầu, Bản Phùng xuống các xã vùng thấp ở quanh TP Lào Cai như xã Cốc San - Bát Xát, xã Gia Phú - Bảo Thắng để tránh rét, đồng thời quây kín chuồng trại, đốt lửa sưởi ấm và dự trữ cỏ khô cho 10.000 trâu, bò, ngựa… UBND huyện Bát Xát cũng cho biết, hiện đã tổ chức lực lượng hướng dẫn bà con bảo vệ cho hơn 21.000 trâu bò khỏi đợt rét đậm rét hại kỷ lục, đặc biệt là tại xã vùng cao Y Tý - nơi được dự báo xảy ra mưa tuyết nặng.

Nông dân ở Sa Pa, Lào Cai phòng tránh rét cho trâu bò

Ông Nguyễn Đình Điệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn cho biết, hơn 82.000 gia súc gồm trâu, bò, ngựa và 1.000ha rau màu vụ đông, 11 vườn ươm cây lâm nghiệp chuẩn bị giống cho trồng rừng năm 2016 trên địa bàn đã được kiểm đếm và bảo vệ trước tình hình thời tiết rất xấu, nền nhiệt độ giảm xuống phổ biến ở mức 4-6°C. UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các địa phương phải xuống các huyện vùng cao như Pác Nặm, Ngân Sơn, Ba Bể, Na Rì… để cùng bà con chống rét.

Ngày 23-1, trước đợt rét đậm, rét hại có cường độ mạnh nhất từ đầu mùa đông tới nay, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có khuyến cáo cho người dân các biện pháp bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Theo đó, người dân cần thực hiện các biện pháp giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, đặc biệt là ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời. Khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người. Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng.

Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo người dân, nhất là các gia đình có trẻ nhỏ cần cho trẻ tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vaccine phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…). Không để trẻ bị trì hoãn tiêm vaccine. Trẻ không được tiêm chủng vaccine phòng bệnh đúng lịch sẽ có khoảng trống thời gian nguy cơ cao mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do không có miễn dịch bảo vệ như: bệnh ho gà, sởi, bạch hầu, lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản.

 Trong khi rét đậm rét hại đang hoành hành ở miền Bắc đe dọa chăn nuôi gia súc, cây trồng và sức khỏe con người thì theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến ngày 23-1, tại các tỉnh miền Trung đang phải hứng chịu khô hạn nặng. Các địa phương ở Trung bộ đã cơ bản thu hoạch xong lúa vụ hè thu 2015, hiện đang gieo trồng cây vụ mùa. Do nguồn nước thiếu hụt, một số địa phương ở Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long đang lên kế hoạch chuyển đổi khoảng 130.000ha từ trồng lúa sang các cây trồng khác. Hạn hán nặng nhất là ở các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bến Tre… Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, từ ngày 28-1 trở đi thời tiết cả nước mới ổn định trở lại sau khi không khí lạnh suy giảm dần.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục