Món quê xuống phố

Chẳng phải bây giờ người ở phố mới ưa chuộng món quê. Nhưng thời gian gần đây, khi thực phẩm bẩn tràn lan ngoài chợ, len lỏi cả vào các siêu thị lớn thì người ta lại càng lùng sục rau trái quê nhà. 

Bạn tôi sáng nào cũng ra bến xe nhận vài quả mít, chục nải chuối xanh, thanh long, nhãn, hạt sen… mỗi thứ một ít, ở quê có gì là mẹ gom gửi xuống cho con gái bán kiếm đồng ra đồng vào.

Của nhà không đủ bán thì lấy thêm của hàng xóm. Thậm chí chẳng cần phải đi gom, cả làng ai có gì không dùng hết là xách sang nhờ gửi xuống thành phố bán.

Cũng có đứa bạn mở một phiên chợ thịt bê quê vào thứ sáu hàng tuần. Thịt bê còn nóng hổi, pha thịt theo đơn hàng rồi chuyển tận nơi. Lại có đứa bạn thuê ô tô chở mấy tấn dưa hoàng kim được trồng theo tiêu chuẩn VietGap lên thành phố bán cho bạn bè, đồng nghiệp.

Món quê xuống phố ảnh 1 Bông bí vàng
Thời buổi mua bán online trở nên phổ biến, chẳng cần phải thuê mặt bằng đắt đỏ, lại tạo điều kiện để đồ quê xuống phố thuận tiện hơn. Đặc sản ở nhiều miền quê giờ có mặt thường xuyên trong những bữa cơm thành phố.

Đọt choại, rau sắn, thịt chua, cá thính, hoa thiên lý, đu đủ vườn nhà… được rao trong các nhóm buôn bán trên Facebook. Ai có gì bán nấy, vài quả thị thơm hay mấy rổ sim chín tím rịm cũng có thể mang đến cả bầu trời ký ức cho một người nào đó xa quê.

Đồ quê bao giờ cũng đi kèm cam kết “hàng sạch, đảm bảo chất lượng, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản”.

Tuy đồ quê đôi khi không đẹp mã, mấy quả mít quê lồi lõm, rau quê hơi cằn nhưng ai cũng thích. Có người mua được vài bát rau sắn ngâm chua là chạy quanh mấy chợ cóc tìm mua cho bằng được ít cua đồng.

Cua không cần xay giã, chỉ bóc mai rồi thả cả con vào nồi rau sắn là được bát canh ngon. Thật ra, người ta có thể nấu rau sắn với giò heo, trứng cá, thịt ba chỉ đều ngon, nhưng với người phụ nữ ấy, rau sắn nấu với cua là ngon số một.

Đơn giản vì đó là vị của ký ức mà người mẹ quá cố đã từng nấu cho các con ăn. Rau sắn của mẹ nhất định phải được nêm bằng nước mắm mới đủ đậm đà, lúc sắp dụi lửa, bỏ thêm vài lá chanh bánh tẻ được thái sợi. Cơm nhà nghèo chỉ có thế mà mẹ con quây quần ai cũng thấy ngon. 

Bây giờ nhiều khi nhìn mâm cao cỗ đầy mà ngán. Các con đều xuống phố, mẹ đã khuất núi. Đám giỗ năm nào con cháu cũng nhờ người mua đồ quê gửi xuống.

Ngoài thịt thà giò chả, cũng phải có bát canh rau sắn, mấy quả cà muối xổi, mớ tép đồng kho tương bày lên cúng mẹ. Ăn một miếng quê là nhớ mẹ tảo tần mưa nắng.

Nhớ mùi bùn, hương đất, tiếng quê với lũy tre xanh, giếng nước, sân đình. Một cánh cò từ ca dao bay ra, một đồng lúa chín vàng từ một nắng hai sương bạc vai áo mẹ. 

Một buổi sáng chị đăng lên Facebook vài quả thị chín vàng. Chẳng cần hít hà mà người xem vẫn cảm nhận được mùi hương thị, như ai đó đã giấu sẵn một trái thị dưới gối, trên bậu cửa sổ hay trong chiếc túi xách nhỏ xinh.

Một cô Tấm sẽ hiện ra hệt như trong cổ tích. Chị nói, người ta làm đủ loại tinh dầu mà thị thơm thế lại không ai chưng cất tinh dầu. Liệu có phải vì hương thị không sang?

Tôi nghĩ, đơn giản vì có những mùi hương để thoang thoảng nhớ thương, vừa gần gũi, vừa xa xôi như ký ức, sẽ chỉ có vào một mùa trong năm, không chịu để người ta chưng cất tinh dầu và sở hữu. Quả thị cũng vậy, để gần mũi thì ít thấy mùi thơm, để xa xôi thì ngào ngạt… 

Tôi bỗng nhớ đến tuổi thơ đứng ở cổng đợi mẹ đi chợ về. Trong chiếc làn nhựa bao giờ cũng có quà cho chị em tôi. Khi thì gói kẹo bột, mấy chiếc bánh đa, khi thì mấy quả thị bé bằng cổ tay chín vàng ươm. Tôi không nỡ ăn, đem giấu trong cặp sách mang đến lớp. Hương thị lẫn vào từng trang sách.

Nên một hôm nào đó, bắt gặp mẹt thị giữa phố phường, tôi thấy mình chợt như trẻ nhỏ, háo hức và nâng niu cổ tích, dù biết sẽ chẳng có cô Tấm nào bước ra từ quả thị. Nhưng có biết bao người nhìn món quê mà rưng rưng nhớ, như tôi… 

Tin cùng chuyên mục