Một ngày sau khi chính phủ của Thủ tướng lâm thời Hazem Beblawi tuyên bố từ chức, ông Ibrahim Mahlab, một nhân vật nổi bật dưới thời Tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak được bổ nhiệm vị trí thủ tướng. Đây là Thủ tướng thứ 6 của Ai Cập kể từ tháng 1-2011.
Quân đội Ai Cập một mặt dọn đường cho những ứng cử viên sáng giá trong cuộc bầu cử vào tháng 4 tới, mặt khác ngăn chặn mọi cơ hội của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB). Trong khi các bên vẫn đang tranh giành quyền lợi thì nền kinh tế Ai Cập vẫn tiếp tục chìm sâu trong khủng hoảng, kéo theo những hệ lụy xã hội. Tờ Al-Ahram của Ai Cập có bài “Sự ổn định còn xa vời với Ai Cập”, phân tích tình hình thực tế của quốc gia này.
Bất ngờ “thay máu” chính phủ với lý do ông Hazem Beblawi không thể cải thiện tình hình kinh tế cũng như không kết nối được những nhân vật thân cận trong chính phủ là chưa đầy đủ. Giới quan sát cho rằng, đây là bước đệm dọn đường cho Tư lệnh quân đội Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi – người đã thẳng tay dùng các biện pháp cứng rắn với MB đã ứng cử vào vị trí tổng thống cho cuộc bầu cử giữa tháng 4 tới. Vì quân đội Ai Cập cần một khoảng trống thời gian để phân tán sự tập trung của người dân.
Phát biểu trước khi rời vị trí, ông Hazem Beblawi nhấn mạnh, đây là thời điểm mà mỗi người dân cần hy sinh lợi ích cá nhân cho đất nước, nhất là khi giằng xé giữa quân đội và Hồi giáo khó có hồi kết. Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi nhiều khả năng phải chịu án tử, lực lượng thân cận của ông không có mặt ở các vị trí chủ chốt. Hôm 24-2, Tòa án Cairo về các vấn đề khẩn cấp đã ra phán quyết coi MB là tổ chức khủng bố, tỏ rõ sự quyết tâm triệt tiêu tận gốc tổ chức này. Bên cạnh đó, đến 98% người tham gia lấy ý kiến ủng hộ hiến pháp mới, thay thế cho Hiến pháp năm 2012. Bản hiến pháp này được viết ra gần như bảo vệ những đặc quyền của quân đội. Ở thời điểm này, quân đội Ai Cập đang được sự ủng hộ lớn từ nhiều quốc gia. Thậm chí, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) đã đồng ý chi 2 tỷ USD để Ai Cập mua vũ khí từ Nga.
Nhưng giả sử quân đội Ai Cập giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới thì lực lượng này cũng phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khó khăn. Hơn 3 năm qua, nền kinh tế Ai Cập đã bị tàn phá do tình trạng bất ổn kéo dài. Nợ nước ngoài của nước này đã lên đến 45,8 tỷ USD tính đến cuối năm 2013. Theo thống kê, thâm hụt ngân sách đã đạt ngưỡng 34,8 tỷ USD, tương đương 14% GDP. Nợ công là 217,9 tỷ USD, chiếm khoảng 80% GDP. Dự trữ ngoại tệ giảm từ 36 tỷ USD hồi tháng 1-2011 xuống còn 17,1 tỷ USD trong tháng 1-2014. GDP của Ai Cập đã giảm mạnh từ mức gần 6% năm 2010 xuống còn 2,1% trong năm tài chính 2012-2013. Trong khi đó, tỷ lệ nghèo đói đã tăng lên tới 26,5% so với mức 25,2% của năm trước. Tỷ lệ lạm phát ở mức trên 11% trong khi tỷ lệ thất nghiệp lên tới 13,4%.
Dù ai nắm được quyền lực ở Ai Cập cũng không quan trọng bằng việc họ sẽ tổ chức và điều hành đất nước, khôi phục kinh tế ra sao. Đây là điều cốt lõi để quyết định có những làn sóng biểu tình phản đối mới tạo điều kiện cho MB trỗi dậy ở quốc gia Bắc Phi này hay không.
NHƯ QUỲNH