Mong chờ tác phẩm hay của các nhà văn trẻ

Quan tâm đến các nhà văn trẻ là một trong những trọng tâm hoạt động của Hội Nhà văn TPHCM. Hàng loạt hoạt động hướng đến những cây bút trẻ đang được hội tổ chức như Hội nghị người sáng tác trẻ, Hội thảo văn học trẻ, Trại sáng tác trẻ 2011... Nhân dịp này, PV Báo SGGP đã phỏng vấn nhà thơ, nhà phê bình Lê Quang Trang (ảnh) xung quanh vấn đề tạo điều kiện để các nhà văn trẻ phát huy khả năng và nhiệt huyết trong giai đoạn mới.
Mong chờ tác phẩm hay của các nhà văn trẻ

Quan tâm đến các nhà văn trẻ là một trong những trọng tâm hoạt động của Hội Nhà văn TPHCM. Hàng loạt hoạt động hướng đến những cây bút trẻ đang được hội tổ chức như Hội nghị người sáng tác trẻ, Hội thảo văn học trẻ, Trại sáng tác trẻ 2011... Nhân dịp này, PV Báo SGGP đã phỏng vấn nhà thơ, nhà phê bình Lê Quang Trang (ảnh) xung quanh vấn đề tạo điều kiện để các nhà văn trẻ phát huy khả năng và nhiệt huyết trong giai đoạn mới.

* PV:
Được biết, Hội Nhà văn có tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, đồng thời tổ chức hội thảo và mở trại sáng tác cho các nhà văn trẻ ở Cần Giờ. Với cương vị là chủ tịch hội, ông có thể cho biết sau sự kiện này, hội sẽ có kế hoạch, chương trình hành động gì để tạo động lực giúp các cây bút trẻ có điều kiện hướng đến những tác phẩm tốt hơn.

Nhà thơ, nhà phê bình Lê Quang Trang

Nhà thơ, nhà phê bình Lê Quang Trang

* Nhà thơ, nhà phê bình LÊ QUANG TRANG: Quan tâm đến đội ngũ những người viết trẻ là một trọng tâm của công tác hội mà Ban chấp hành khoá 8 đã thảo luận và quyết nghị về nội dung này. Việc tổ chức hội nghị những người viết trẻ là kế hoạch nằm trong chương trình toàn khoá của Ban chấp hành mới. Đấy là hội nghị tổ chức có tính định kỳ, 5 năm một lần. Lần này là lần thứ 3. Và nhân 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước nên chúng tôi tổ chức tại bến Nhà Rồng cho thêm ý nghĩa.

Đây là một đánh giá lại một chặng đường để tiếp bước trong chặng đường kế tiếp. Thu hút anh chị em trẻ đến với hội, tạo điều kiện để người viết trẻ thâm nhập thực tế, sáng tác, in ấn, quảng bá, khích lệ thông qua các giải thưởng, đầu tư… nghĩa là chúng tôi tìm nhiều cách, đã và đang làm, để anh chị em trẻ có thêm sáng tác tốt. Nếu anh chị em trẻ có khó khăn thì cùng tìm cách tháo gỡ để tạo động lực sáng tạo.

Hội Nhà văn TPHCM tôn vinh những cây bút trẻ của TP tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM.

Hội Nhà văn TPHCM tôn vinh những cây bút trẻ của TP tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM.

* Một trong những vấn đề thường được đề cập đến trong các sáng tác trẻ là việc tìm tòi cái mới, sự phá cách, đôi khi còn là “nổi loạn”. Hội sẽ có biện pháp cụ thể gì, chẳng hạn việc tổ chức một hội đồng lý luận phê bình chuyên về sáng tác trẻ để có thể hỗ trợ nhà văn trẻ trong việc định hướng sáng tác, tránh việc sa đà vào các tác phẩm phản cảm, hoặc để bảo vệ các sáng tác có tính mới lạ độc đáo.

* Tìm tòi, đề xuất cái mới là hướng rất cần khuyến khích, thế hệ nào cũng cần hoan nghênh, khích lệ chứ không riêng gì nhà văn trẻ. Nhưng như tôi đã đề cập ở trên, cần quan tâm hơn đến người viết trẻ, vì cũng như xây dựng một thương hiệu, không phải ai trong bước đầu vào đời đều thuận lợi. Hội đã thành lập một ban nhà văn trẻ giúp Ban chấp hành những vấn đề chăm lo đội ngũ trẻ.

Trong giải thưởng hàng năm, hội cũng dành một giải cho các cây bút dưới 30 tuổi có tác phẩm chất lượng tốt. Các hội đồng thơ, văn xuôi, lý luận phê bình cũng có nhiệm vụ chăm lo đội ngũ trẻ, có thể dưới hình thức hoan nghênh (nếu hay), hay dưới hình thức phê bình (nếu dở). Chúng tôi thấy không thể và không nên tổ chức một hội đồng lý luận phê bình chuyên về sáng tác trẻ, vì như vậy rất tản mạn và không khả thi.

* Từ trước đến nay, đầu tư trong sáng tác thường tập trung cho các nhà văn có tên tuổi mà ít quan tâm đến các nhà văn trẻ. Theo ông, sắp tới việc này có được điều chỉnh không và theo hướng cụ thể như thế nào? Đầu tư cho các nhà văn trẻ có khác gì về phương pháp so với đầu tư cho các nhà văn có thâm niên?

* Lâu nay, việc đầu tư ở hội chúng tôi là theo chất lượng sáng tác chứ không theo lứa tuổi. Và theo tiêu chí ấy, việc đầu tư hiện nay về cơ bản là khách quan và công bằng. Có cảm giác còn ít các nhà văn trẻ được đầu tư vì tỷ lệ tác giả trẻ là hội viên trong Hội Nhà văn chiếm một số lượng còn nhỏ. Nay mai, trong chương trình của hội, nếu có một số kinh phí đầu tư cho các đề tài trọng điểm với mục đích có thêm những tác phẩm chất lượng cao và dung lượng khái quát lớn, lúc ấy các cây bút trẻ đăng ký tham gia để nhận đầu tư thì chúng tôi rất mừng.

* Song song với những ưu tiên dành cho các tác giả trẻ, Hội Nhà văn TPHCM có các hoạt động gì góp phần khích lệ các tác giả ở thành phố hay không, chẳng hạn như các cuộc thi sáng tác văn học, các buổi tọa đàm, giao lưu phê bình văn chương...

* Chúng tôi tự thấy việc giới thiệu tác phẩm, giao lưu với các tác giả, thảo luận về những vấn đề văn học của thành phố làm chưa được thường xuyên. Cần phải tăng cường hơn nữa. Thời gian qua chúng tôi đã phối hợp với nhiều cơ quan báo chí, xuất bản tiến hành nhiều cuộc thi văn học, nhưng dẫu sao cũng là “phối hợp” và tới đây chúng tôi đang ráo riết chuẩn bị cho một cuộc thi tiểu thuyết với quy mô lớn, hướng tới 40 năm ngày thành phố thân yêu của chúng ta hoàn toàn giải phóng.

* Xin cảm ơn ông! 

TƯỜNG VY (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục