Các nước Balkans, cụ thể là các quốc gia thuộc Nam Tư cũ đang mỏi mòn trông chờ EU thực hiện lời hứa cách đây 19 năm là kết nạp họ vào liên minh này. Và chưa biết đến bao giờ giấc mơ EU của họ mới thành hiện thực vì cho đến nay EU chưa có lộ trình nào cho họ.
Liên bang Cộng hòa Nhân dân Nam Tư thành lập năm 1945, sau đổi tên thành Liên bang Cộng hòa XHCN Nam Tư dưới sự lãnh đạo của những người Cộng sản gồm 6 nước cộng hòa XHCN: Bosnia và Herzegovina, Croatia, Macedonia, Montenegro, Serbia, Slovenia. Trong thập niên 80, trong khi tác động làm tan rã Liên Xô thì phương Tây cũng đồng thời khuấy động Nam Tư. Sự can thiệp của Mỹ và EU xuất hiện từ năm 1985, dưới cái mác hỗ trợ tài chính từ IMF và WB với cái tên “Liệu pháp sốc”. Và “Liệu pháp sốc” đã làm cho Nam Tư sụp đổ về mặt kinh tế, dẫn đến bất ổn xã hội, xung đột lợi ích các dân tộc và cuối cùng là chiến tranh, ly khai. Đến tháng 6-2006, Liên bang Nam Tư đã chính thức bị xóa trên bản đồ thế giới theo đúng ý đồ của phương Tây.
Sự chia tách đẫm máu, nước mắt và hận thù giữa các dân tộc được thực hiện trong niềm hy vọng các nước này sẽ được gia nhập một Liên minh châu Âu thịnh vượng thời bấy giờ. Lúc đó EU hứa sẽ kết nạp các quốc gia này, còn kèm theo điều kiện phải giao nộp các nhà lãnh đạo thuộc chế độ XHCN trước đó cho tòa án quốc tế La Hay, được phương Tây lập ra để xét xử những người mà họ gọi là tội phạm chiến tranh Nam Tư cũ. Một trong những trường hợp điển hình nhất là việc Liên bang Nam Tư giao nộp cựu Tổng thống Milosevic cho tòa án La Hay vào năm 2000. Còn nhớ lúc đó phương Tây hứa sẽ viện trợ cho Nam Tư nếu giao nộp ông Milosevic, nhưng 1 năm sau ngày giao nộp, nước này vẫn chưa nhận được xu nào từ những người xưng là đồng minh mới. Vụ việc nghiêm trọng đến nỗi Thủ tướng Serbia trong LB Nam Tư thời bấy giờ là ông Zoran Zizic phải thốt lên rằng vô cùng thất vọng.
Sự thất hứa đó đang lập lại ngày hôm nay khi mà đã 19 năm trôi qua kể từ Liên bang Nam Tư bắt đầu tan rã, chỉ có một mình Slovenia là được kết nạp vào EU nhờ đáp ứng những tiêu chuẩn cao của khối này. Còn lại các nước trong Nam Tư cũ sau những năm chiến tranh, chia cắt đã được xếp vào hạng nghèo nhất châu Âu. Để biện hộ cho sự thất hứa của mình, Brussels tuyên bố các nước muốn là thành viên tương lai phải có mối quan hệ tốt với láng giềng. Thế là Quốc hội Serbia vội vàng xin lỗi về vụ thảm sát ở Srebrenica thuộc Bosnia-Herzegovina năm 1995 trong sự phẫn nộ của một bộ phận công chúng; và Tổng thống Croatia cũng bảo lấy làm tiếc về vai trò của Croatia trong cuộc chiến tranh Bosnia. Thế nhưng trớ trêu thay là vẫn còn nhiều rào cản phía trước. EU bảo Serbia vẫn chưa hợp tác hoàn toàn với tòa án La Hay, Bosnia không chịu cải cách Hiến pháp theo yêu cầu của EU, Macedonia thì có khả năng không bao giờ được gia nhập vì anh chàng láng giềng Hy Lạp khăng khăng không đàm phán với nước này bởi Macedonia là tên vùng đất tổ tiên của Hy Lạp, Kosovo thì vẫn chưa được công nhận rộng rãi bởi cộng đồng quốc tế…v.v và v.v…
Trong cuộc họp thượng đỉnh EU vào ngày mai, chương trình nghị sự cũng dường như không nhấn mạnh đến tiến trình gia nhập liên minh của các nước này. Với những khó khăn mà EU đang đương đầu như khủng hoảng nợ, thất nghiệp ngày càng cao và làn sóng phản đối mở rộng EU thì dường như giấc mộng EU của các nước Nam Tư cũ vẫn còn xa vời.
Việt Trung