Từ khi TPHCM bắt đầu tổ chức lễ kỷ niệm “Sài Gòn 300 năm”, đã có rất nhiều biên khảo công phu, những tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, bài hát, tranh vẽ, những bộ sưu tập về Sài Gòn-TPHCM rất có giá trị. Và đến bây giờ, tần suất những bài viết, nghiên cứu về Sài Gòn-TPHCM, với mọi mặt đời sống, con người thị dân của nó ngày càng nhiều và được bạn đọc đón nhận. Những quyển sách có tựa đề “Sài Gòn-TPHCM…” ngày càng xuất hiện nhiều trong các tiệm sách.
Một góc khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TPHCM. Ảnh: ĐÀI TRANG
Thời gian qua, TPHCM đã tổ chức những giải văn học thuộc loại tầm cỡ như “Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước và 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh” hay Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức giải sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Đây là những giải thưởng lớn, người nhận giải cũng rất vinh dự. Nhưng để có những giải này, các tác giả phải gửi tác phẩm để tham dự cuộc thi và giải thưởng được tổ chức theo những dịp lễ trọng đại chứ không thường xuyên. Riêng Hội Nhà văn TPHCM cũng trao giải thưởng hàng năm nhưng đều là tác phẩm văn học với nhiều đề tài và thể loại và các tác giả cũng phải gửi tác phẩm dự thi. Gần như tất cả giải văn học nghệ thuật vừa nêu trên đều là của nhà nước và không tập trung vào một chủ đề xuyên suốt cho tất cả các sáng tác chuyên viết về Sài Gòn - TPHCM.
Ngưỡng mộ nhìn ra Hà Nội, từ năm 2007 đã có giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” theo sáng kiến của gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái và Báo Thể thao & Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp, tiếp nối tình yêu Hà Nội của họa sĩ.
Cũng trong năm này, Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh là một tổ chức phi chính phủ, hoạt động tự quản trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam xuất hiện. Một trong những hoạt động quan trọng của quỹ là tôn vinh những cá nhân có cống hiến xuất sắc trong các lĩnh vực thông qua 4 hạng mục giải thưởng: Nghiên cứu, Vì sự nghiệp văn hóa - giáo dục, Dịch thuật và Việt Nam học (hạng mục “Việt Nam học” chỉ dành cho người nước ngoài) thông qua các giải thưởng hàng năm. Lễ trao giải hàng năm của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh không chỉ là nơi để trao giải, mà còn là một diễn đàn sâu sắc về văn hóa và giáo dục, thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người quan tâm đến văn hóa của chính mình, của gia đình mình và trăn trở với văn hóa của dân tộc mình.
Riêng TPHCM, vào năm 2010, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố thành lập giải “Sách hay” bình chọn trao giải hàng năm với kỳ vọng sẽ đóng vai trò như một “màng lọc về sách” - một phương cách để làm cho những cuốn sách hay đến được với công chúng và ngược lại, làm cho công chúng đến với sách nhiều hơn. Đây cũng là lời cảm ơn đối với các tác giả, dịch giả và đơn vị xuất bản đã cho ra đời những cuốn sách hay.
Tất cả những giải thưởng đều mang đến lợi ích cho người đọc cũng như tạo niềm hưng phấn cho người viết. Tuy nhiên, hiện nay chưa có giải thưởng nào chuyên biệt cho những tác phẩm với đủ “thể loại” về Sài Gòn-TPHCM. Từ những giải thưởng văn hóa do những tổ chức, gia đình thành lập có giá trị này, rất mong có một giải thưởng nào đó tương tự mang tên “Vì tình yêu Sài Gòn-TPHCM”, với bề dày văn hóa và lịch sử cũng như có rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ… với nhiều tác phẩm giá trị đã và đang công bố về “thành phố rực rỡ tên vàng” thế mà chẳng có giải thưởng riêng nào cho nó, cho riêng tên “Sài Gòn - TPHCM”.
Trọng trách này phải có người đảm nhiệm và nên giao cho ai? Nếu có giải này, không lo thiếu sự tài trợ của những người yêu Sài Gòn - TPHCM.
| |
Lê Văn Nghĩa